Trẻ nhiễm sán có thể bị động kinh, liệt và rối loạn ý thức

20/03/2019 - 20:20
Trẻ bị sán lợn sẽ không nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu để muộn, bệnh sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của bé.

Liên quan đến vụ 225 trẻ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) nhiễm sán lợn, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Bộ Y tế, một số chuyên gia ký sinh trùng lại cho rằng, việc xét nghiệm là không cần thiết, cũng như kết luận dương tính cũng chưa nói được điều gì. Trong khi đó, người dân không tin mà vẫn ùn ùn cho con đi xét nghiệm.  

Về vấn đề này, GS.TS Cao Tiến Đức (BV Quân y 103) cho biết, khi nghiên cứu về sán, ông đã gặp một số trường hợp động kinh (ĐK) do kén sán não (KSN). Bệnh KSN được coi là bệnh nguy hiểm nhất trong các bệnh ký sinh trùng gây tổn thương hệ thần kinh TƯ. Bệnh do ấu trùng sán lợn (Cysticercosis) cư trú và gây tổn thương não.

san-lon-2.jpg
Trẻ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) lấy mẫu xét nghiệm

Theo đó, nam bệnh nhân nam 53 tuổi, vào BV Quân y 103 điều trị (năm 1993) với chẩn đoán ĐK do KSN. Lúc đầu, bệnh nhân thấy một hạt nổi dưới da mi mắt sau đó xuất hiện nhiều hạt ở nhiều vị trí dưới da. Tiếp theo bệnh nhân xuất hiện cơn động kinh. Trong 2 ngày, bệnh nhân có 6 cơn ĐK cơn lớn, bệnh nhân được điều trị hết cơn còn đau đầu, ngủ kém, lo âu căng thẳng, trí nhớ giảm. Sinh thiết hạt dưới da cho thấy một nang lỏng chứa một ấu trùng sán lợn. Chụp não vi tính thấy xuất hiện nhiều nang nhỏ 5mm với hình vôi hóa ở bên trong khắp bán cầu và lều tiểu não, mô trắng, chất xám lan tỏa...

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ kết luận, hình ảnh điển hình của nang sán hoạt động. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống ĐK kết hợp với thuốc diệt ấu trùng sán bằng paraziquantel.

"Hiện nay hàng trăm cháu nhỏ ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn, nếu không được điều trị tốt sẽ có nhiều cháu bị ĐK do KSN, đây là điều vô cùng nguy hiểm", GS Cao Tiến Đức chia sẻ.

Theo các chuyên gia, hiện nay tình trạng nhiễm sán lợn ở người thường là do ăn phải trứng sán hoặc ấu trùng sán dây lợn.

Sau khi ăn phải trứng sán, trứng sẽ vào dạ dày và ruột, nở ra ấu trùng. Đa phần, loại ấu trùng này thường ký sinh ở ruột non. Tuy nhiên, đôi khi ấu trùng sán lợn có thể đi “lạc chỗ” khi xuyên qua ống tiêu hóa đi vào máu và di chuyển đến ký sinh ở các cơ quan như não, cơ, mô dưới da, mắt…

Tùy thuộc vào vị trí nang sán ký sinh, trẻ nhỏ có thể gặp các vấn đề về sức khỏe. Nếu nang sán ký sinh trong não, trẻ có thể bị động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, đau đầu dữ dội, suy giảm trí nhớ, làm ảnh hưởng đến việc học. Thậm chí, nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến viêm màng não do ký sinh trùng. Nếu nang sán ký sinh ở mắt có thể bị tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Trường hợp nang nang sán ký sinh trong cơ, trên da trẻ sẽ xuất hiện những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, không ngứa, không đau. Nếu sán làm ổ trong tim, trẻ có thể bị rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến van tim, dẫn đến suy tim.

Không những vậy, loại sán này có thể dài đến 12m, liên tục thải đốt già chứa rất nhiều trứng và sinh ra đốt mới nên chúng có thể hút hết chất dinh dưỡng từ cơ thể mà chúng đang ký sinh. Do đó, trẻ bị nhiễm sán lợn sẽ dễ bị thiếu dinh dưỡng, thiếu máu, gầy còm, ốm yếu và hay gặp phải các vấn đề về tiêu hóa.

Nhiễm sán lợn không là một căn bệnh nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu để lâu bệnh có thể gây nhiều biến chứng. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý chăm sóc sức khỏe cho bé; thực hiện ăn chín, uống sôi, định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm