Trí nhớ phục hồi đưa liệt sĩ trở về kỳ diệu

14/04/2016 - 22:03
Vết thương chiến tranh khiến liệt sĩ Đinh Thế Tiến không có chút kí ức nào về quê hương bản quán. Mãi đến năm 2015, trí nhớ của ông bỗng hồi phục và niềm vui vỡ òa khi gặp lại những người thân yêu sau 39 năm xa cách.

Ông Đinh Thế Tiến (SN 1955) là người Mường sinh ra và lớn lên tại xóm Trại Mới, xã Cao Dăm, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ông là người con thứ hai trong 1 gia đình có 8 anh chị em. Năm 1977, ông đã nhập ngũ và chiến đấu tại mặt trận phía Tây Nam. Năm đầu đi bộ đội, ông Tiến có gửi 1 lá thư về cho người vợ là bà Hoàng Thị Thả (SN 1957) nơi quê nhà, nội dung thư thông báo là ông bị thương nặng, đứt 3 đoạn ruột và đang điều trị tại Cần Thơ. “Tôi lo lắm. Tôi có viết thư trả lời ông ấy, nhưng không biết thư có đến được tay ông ấy hay không. Đó cũng là dòng chữ cuối cùng mà ông ấy gửi về cho chúng tôi”, bà Thả chia sẻ.

 Từ lá thư ở chiến trường gửi về đó, cho đến những năm sau này, gia đình ông Tiến không nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến ông. Anh, chị em của ông Tiến cũng nhiều lần hỏi thăm khắp nơi, với hy vọng tìm được tung tích gì đó liên quan đến ông Tiến, nhưng đều vô vọng.

Ông Đinh Thế Thắng, em trai của ông Tiến, người đã rất nhiều lần liên hệ với cơ quan chức năng tỉnh An Giang để tìm hiểu về tung tích của anh trai mình.

Ông Đinh Thế Thắng (em trai của ông Tiến) là người luôn mong mỏi tìm cho kì được tung tích của anh trai. Ông mong muốn nếu anh trai đã hi sinh, gia đình cố gắng tìm được phần mộ, đưa di cốt của anh về với quê cha, đất tổ.

Ông Thắng cũng nhiều lần liên hệ với phía chính quyền huyện Bảy Núi (An Giang). Sau nhiều lần thư qua, thư lại, ông Thắng có manh mối là anh trai mình vẫn chưa hi sinh mà đang sống tại huyện Bảy Núi với một người phụ nữ và đã có 5 người con. Thời gian đó, mọi liên lạc vô cùng khó khăn, ông Thắng vẫn viết thư theo địa chỉ mà ông đã xin được. Bức thư đó có đến tận tay ông Tiến hay không còn tùy thuộc vào duyên phận. Những cố gắng của ông Thắng đã được đền đáp, năm 1987 ông có nhận được một bức thư là người nhà của ông Tiến gửi ra. Nội dung thư có nói rất rõ là ông Thắng đã gửi thư đúng địa chỉ, đúng người. Tuy nhiên ông Tiến phủ nhận mình không hề có người em trai nào tên Thắng và ông không sinh ra ở xứ Mường.

Nhiều lần thư qua, thư lại, phía ông Tiến vẫn khẳng định không có người em trai nào tên là Thắng. Ông Thắng đành bỏ cuộc, không tìm kiếm thông tin về người anh trai của mình nữa. Năm 1992, gia đình ông Thắng nhận được Giấy báo tử liên quan đến người anh trai. Nội dung giấy báo tử ghi, ông Đinh Thế Tiến đã hi sinh tại mặt trận phía Tây Nam. Từ đó, gia đình ông Thắng hoàn toàn hết hy vọng, ai cũng xác định ông Tiến đã hi sinh vì dân, vì nước. Chính quyền xã, gia đình đã làm lễ truy điệu ông Tiến tại quê nhà. Gia đình ông Thắng coi ngày 27/7 là ngày giỗ của ông Tiến.

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, cuối năm 2015, ông Thắng vô cùng bất ngờ khi nhận được một bức thư của người con dâu của ông Tiến. Chị này cũng nói rõ là thời gian gần đây, bố chồng (tức ông Tiến) bỗng có triệu chứng rất lạ, tự nhiên ông nói về một miền rừng núi đẹp như cổ tích. Nơi đó, ông có gia đình, bè bạn và có cả vợ con rồi. 

Trước địa chỉ mà ông Tiến cung cấp, người con dâu của ông đã gửi thư về cho gia đình ông Thắng. Trong thư có để lại số điện thoại và địa chỉ sinh sống hiện tại của ông Tiến. Bức thứ đến tay ông Thắng, ông Thắng ban đầu cũng không tin những gì mà người con dâu của ông Tiến viết trong thư là sự thật.

Ông Thắng đã gọi điện theo số điện thoại ghi trong thư. Người nghe điện thoại là một người đàn ông nói giọng miền Nam. Ông này xưng tên mình là Đinh Thế Tiến. Ông Thắng khi đó vô cùng mừng rõ, ông nghĩ rằng, rất có thể người anh trai của mình còn sống và giờ mới liên lạc được với gia đình. Ông Thắng đã đưa ra nhiều câu hỏi để thử xem anh trai của mình trả lời có đúng không: Nhà mình ở cạnh nhà ai? Phía trước nhà là cái gì? Gia đình mình có mấy anh em?. Qua điện thoại ông Tiến trả lời rành rọt: Kế trên nhà mình là nhà ông Vững. Kế dưới là nhà ông Trung…

“Để cho chính xác, chúng tôi đã dùng điện thoại thông minh có hiện hình ảnh gọi điện lại cho anh Tiến. Trên màn hình điện thoại hiện rõ ảnh anh Tiến. Anh ấy giống chúng tôi như đúc, ai nhìn thấy cũng chột dạ và vui mừng khôn xiết, anh Tiến vẫn còn sống”, ông Thắng nhớ lại.

Trong nhà của bà Thả luôn treo bằngTổ quốc ghi công ở nơi trang trọng nhất.

Sau cuộc điện thoại “thẩm định” lại toàn bộ thông tin đó, ông Đinh Thế Tuyền – cũng là một người em trai của ông Tiến - đã cất công lái xe từ Hòa Bình vào tận An Giang gặp anh trai.

Cuộc sum vầy hòa trong nước mắt. Vào Tịnh Biên, ông Tuyền mới biết, người anh trai của mình đã có vợ và 5 người con chung và 1 người con riêng. Người vợ của ông Tiến không ai khác chính là nữ y sĩ quân y năm xưa đã cứu ông Tiến trong cơn tuyệt vọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm