Trích ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương chống dịch tả lợn châu Phi

07/06/2019 - 18:48
Đó là thông tin được đại diện Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề “Tình hình nợ công năm 2018” vào chiều 7/6 tại Hà Nội.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay cơ quan này đang phối hợp với Bộ NN&PTNT để đánh giá tình hình diễn biến và thiệt hại của các địa phương do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ lên kế hoạch cụ thể và đề xuất hỗ trợ kinh phí chống dịch.
 
“Tỉnh, thành nào cũng đều có quỹ ngân sách dự phòng để phòng khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì trích quỹ này ra để hỗ trợ người dân tại chỗ. Tuy nhiên, do thời gian qua dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh và kéo dài nên một số địa phương đã phải sử dụng cạn nguồn quỹ này. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với bên Bộ NN&PTNT để đánh giá mức độ thiệt hại cũng như tình hình kinh phí của các địa phương để có phương án hỗ trợ phù hợp”, một lãnh đạo của Bộ Tài chính cho hay.
 
Nhiều địa phương cho hay quá trình chống dịch tả lợn châu Phi đã gặp khó khăn do thiếu kinh phí hỗ trợ cho lực lượng không chuyên trách.

 

Trước đó, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp, lây lan nhanh. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 52 tỉnh, thành phố trên cả nước phát hiện có dịch. Hiện nay, nhiều địa phương cho hay đã sử dụng hết nguồn quỹ ngân sách dự phòng rủi ro nên trong quá trình chống dịch tả lợn châu Phi đã gặp khó khăn do thiếu kinh phí hỗ trợ cho lực lượng không chuyên trách.
 
Đơn cử như tại xã huyện Ba Vì (Hà Nội), dù là huyện mới nhất của Hà Nội có đàn lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi, nhưng chỉ sau 3 tuần, dịch đã lan ra 13 xã, số lợn tiêu hủy đã lên đến 3.300 con. Để xử lý tiêu hủy đàn lợn gồm 2 nái, 4 thịt, UBND xã Cổ Đô (Ba Vì) đã phải huy động hơn 10 người vào tổ công tác. Từ việc xốc điện đến vận chuyển ra hố chôn mất 2 giờ. Lực lượng thú y chuyên trách trong tổ chỉ có 2 người còn 8 người là lao động UBND xã phải thuê thêm.
 
Để triển khai mỗi hố tiêu hủy lợn, chi phí thuê máy xúc, nhân công và chi phí cho các loại vật tư từ vôi bột, phông bạt ước chừng sẽ mất khoảng gần 5 triệu đồng. Nếu dịch tiếp tục trong thời gian dài, nguồn kinh phí của cả xã và huyện không thể đủ để chi phí.
 
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921, từ đó đến nay bệnh đã xuất hiện tại nhiều nước châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 1996 - 2019, bệnh đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia và đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
 
Ổ dịch đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện ngày 1/2/2019 tại tỉnh Hưng Yên. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến 3/6, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 52 tỉnh, thành. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn, thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm