Triển khai các hoạt động 'Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học'

17/05/2019 - 12:16
Đối với học sinh, giáo dục thay đổi hành vi sẽ được đặc biệt chú trọng để giúp các em nhận biết nguy cơ bạo lực, từ đó nâng cao khả năng xử lý tình huống và tự bảo vệ mình khỏi bạo lực.
Ngày 17/5, tại Hà Nội, tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam (World Vision) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Sáng kiến "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học" do World Vision khởi xướng. Thỏa thuận hợp tác này là một phần quan trọng trong nỗ lực bền bỉ của Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam nhằm chung tay với chính phủ chấm dứt tình trạng bạo lực đối với trẻ em, qua đó góp phần đảm bảo an sinh cho trẻ em Việt Nam.
 
 
world-vision-ky-ket-voi-bo-giao-duc-dao-tao-1.JPG
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa (phải) và bà Trần Thu Huyền - Trưởng Đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam - ký kết thỏa thuận hợp tác

  

Quá trình hợp tác hướng tới mục tiêu xây dựng và duy trì môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện bằng cách tích cực phòng chống bạo lực trong trường học thông qua việc đẩy mạnh giáo dục chuyển đổi hành vi cho giáo viên và học sinh. Các hoạt động sẽ được thực hiện tại cấp quốc gia và 14 tỉnh/thành: Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Bình Thuận và TPHCM.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Hậu quả của việc trẻ bị bạo hành về thể chất không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện và tương lai của trẻ em, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. “Chính vì những tác hại của bạo lực trẻ em, xâm hại trẻ em nói chung và bạo lực học đường nói riêng, ngành giáo dục luôn mong muốn phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng chung tay đẩy lùi bao lực trẻ em”, bà Nghĩa chia sẻ.
 
Trong khuôn khổ của thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ cùng nhau đưa vào nhà trường những kiến thức, kỹ năng thực tiễn giúp giáo viên và học sinh ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em trong trường học. Hai bên sẽ phối hợp để giới thiệu phương pháp giáo dục tích cực cho đội ngũ giáo viên. Đây là cách dạy dỗ con trẻ hiệu quả hơn, giúp các em nhận biết và phát huy những thái độ, hành vi tích cực mà không cần mắng mỏ, đòn roi. Đối với học sinh, giáo dục thay đổi hành vi sẽ được đặc biệt chú trọng để giúp các em nhận biết nguy cơ bạo lực, từ đó nâng cao khả năng xử lý tình huống và tự bảo vệ mình khỏi bạo lực.
 
 
world-vision-ky-ket-voi-bo-giao-duc-dao-tao-2.JPG
Đại diện lãnh đạo Tổ chức Tầm nhìn thế giới và Bộ Giáo dục và Đào tạo trao thỏa thuận hợp tác cho nhau

  

Hai bên sẽ hướng đến việc xây dựng và biên soạn tài liệu về phương pháp giáo dục tích cực cho giáo viên; tài liệu giáo dục chuyển đổi hành vi, giáo dục giá trị sống - kỹ năng sống để sử dụng trong các chương trình/hoạt động của trường học, giúp nâng cao nhận thức của học sinh về giá trị gia đình, các nguy cơ bạo lực và năng lực tự bảo vệ. Mặt khác, sẽ tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường học (hội thảo, mít tinh, tọa đàm, diễn đàn) về xây dựng gia đình, giá trị sống - kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động huy động sự tham gia của trẻ, sáng kiến của trẻ trong việc chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học.
 
Bà Trần Thu Huyền - Trưởng Đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế Giới tại Việt Nam - nhấn mạnh: “Chúng ta không thể phủ nhận vai trò rất quan trọng của trường học trong việc hình thành nhân cách, uốn nắn thái độ và hành vi của trẻ. Vì vậy, các chương trình bảo vệ trẻ em do Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam giúp đỡ tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước luôn hết sức chú trọng vun đắp các giá trị yêu thương trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Chúng tôi tin rằng, chỉ khi được đối xử và nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và sự quan tâm, trẻ em mới nhìn nhận thế giới xung quanh một cách tích cực và đối xử đúng mực với mọi người”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm