'Triển lãm về cơ thể người ở TPHCM là thiếu nhân văn!'

06/07/2018 - 15:22
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - chia sẻ, việc lấy cơ thể người ra để trưng bày - triển lãm là thiếu nhân văn.

Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery of Human Body), theo kế hoạch sẽ kéo dài từ 21/6 đến 31/12 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đang gây tranh cãi mạnh mẽ trong giới mỹ thuật lẫn người dân.

Triển lãm trưng bày 137 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người), đã được nhựa hóa (plastic hóa) bởi công nghệ Plastination trong bảo tồn xác người.

trien_lam_18_zing_ivbd.jpg
Xác em bé sơ sinh được trưng bày gây phản cảm. Ảnh: Zing
 

Dù theo BTC, đây là triển lãm giáo dục, sức khỏe kết hợp kỹ thuật, y học hiện đại và công nghệ truyền thông đa phương tiện nhằm mang đến những trải nghiệm ấn tượng và chân thực về cấu trúc sinh học của cơ thể người. Qua đó, giúp con người nhận thức được ranh giới giữa lối sống tốt và không tốt. Nhưng triển lãm lại mang đến một không gian khá ghê rợn khi những bộ phận của cơ thể người được phơi bày trần trụi. Đáng chú ý có mẫu vật toàn thân của một người phụ nữ mang thai 5 tháng, với phần bụng được mở ra để lộ phần thai nhi bên trong. Thi thể các phôi thai từ 1 đến 7 tuần tuổi, các thai nhi từ 3 đến 9 tháng và cả những trẻ sơ sinh bị dị tật cũng được mang ra trưng bày.

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - chia sẻ, việc lấy cơ thể người ra để trưng bày - triển lãm là thiếu nhân văn.

“Theo tôi, triển lãm này không nên được trưng bày rộng rãi vì không phải ai cũng có nhu cầu quan tâm đến khoa học y tế, không phải ai cũng hiểu biết để thẩm định được yếu tố nào phục vụ cho mình. Những mô hình như thế này chỉ nên được trưng bày trong nội bộ ngành Y để phục vụ cho nhu cầu hiểu biết về giải phẫu học.

ch.jpg
Họa sĩ Trần Khánh Chương (phải)

 

Nhìn từ góc độ mỹ thuật, tôi cũng không ủng hộ triển lãm vì thấy chẳng có gì đẹp đẽ cả. Những xác người được trưng bày công khai rất phản cảm. Tôi thấy triển lãm đưa đến công chúng sự sợ hãi hơn là tính thẩm mỹ.

Kể cả mô hình cũng không nên trưng bày rộng rãi, chứ đừng nói đến việc trưng bày xác người thật. Như vậy rất thiếu nhân văn. Đối với người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung, người đã mất rất thiêng và đáng được trân trọng. Thi thể của người đã khuất thường được hỏa táng hoặc địa táng để thờ. Qua triển lãm, tôi thấy cách ứng xử với xác người hơi dã man và thiếu tôn trọng. Khi xem một số hình ảnh, tôi thấy thực sự bị ám ảnh, không mang lại giá trị kiến thức gì, không làm cho người ta nhân văn lên, không làm cho người ta hiểu biết hơn về khoa học mà chỉ thấy sợ hãi. Triển lãm bị phản đối là đúng”.

Theo TS Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban Môi trường và Con người, Viện Khảo cổ học Việt Nam, người đã có nhiều năm nghiên cứu về cơ thể học và hình thái học, “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” man rợ và là thứ nghệ thuật nhảm nhí.

TS Vũ Thế Long cho biết: “Trong cuộc đời của tôi, đã có nhiều lần được xem triển lãm cũng như tiếp xúc với cơ thể người. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, tại Hà Nội có một cuộc triển lãm cơ thể người rất sôi động, người xem rất đông. Đó là triển lãm “Người đàn bà thủy tinh”. Triển lãm trưng bày cơ thể người phụ nữ trong suốt làm bằng chất liệu nhựa, bên trong có các bộ phận giải phẫu học như: tim, gan, phổi, lách, ruột…

Hiện vật ấy do nước Cộng hòa Dân chủ Đức mang sang triển lãm tại Việt Nam. Tôi được xem và cảm thấy rất thú vị dù hồi ý còn đang trẻ con. Bên cạnh hiện vật  mang chủ đề chính của triển lãm là “Người đàn bà thủy tinh” còn có những mô hình đúc khuôn các bộ phận cơ thể để phục vụ cho việc giảng dạy và giáo dục trong nhà trường. Tôi coi đó là một triển lãm văn hóa mẫu mực mà người Đức mang sang giới thiệu tại Việt Nam. Mô hình “Người đàn bà thủy tinh” sau đó được chuyển sang trưng bày ở Viện Giải phẫu học thuộc Đại học Y Hà Nội. Đấy là triển lãm đầu tiên mà tôi biết ở Hà Nội về cơ thể người.

Tại các trường học, trong phòng thí nghiệm đều có mẫu vật phục vụ cho việc giáo dục và dạy học về giải phẫu người như bộ xương được làm bằng nhựa, những mô hình bộ phận cơ thể... Sau này, tôi có được học và thăm một số bảo tàng trên thế giới. Ở bên Đức có bảo tàng trưng bày rất nhiều mẫu liên quan đến con người, mẫu vật về bệnh tật, rất khoa học. Bảo tàng Pháp, tôi có được dự một cuộc trưng bày nổi tiếng về con người nói chung, có cả nguồn gốc tiến hóa, cấu tạo cơ thể, các chủng tộc... Nội dung các cuộc triển lãm, trưng bày rất văn hóa, rất khoa học mà không ai chê được.

Việc nghiên cứu xác người thật dùng kỹ thuật nhựa hóa (plastic hóa) bởi công nghệ Plastination, bản thân tôi cũng được phụ tá cho các giáo sư đầu ngành của Đại học Y Dược Hà Nội như GS Đỗ Xuân Hợp, GS Nguyễn Quang Quyền…Về sau GS Tôn Thất Tùng mổ gan khô thành công cũng nhờ một phần đóng góp của việc nghiên cứu dùng kỹ thuật này.

long.jpg
Tiến sĩ Vũ Thế Long

 

Tuy nhiên, quay trở lại triển lãm ở TP.HCM, cũng về cơ thể người, nhưng triển lãm này hoàn toàn khác, đó là dùng xác người thật để biến thành mẫu vật mang ra trưng bày. Ở đây, kỹ thuật nhựa hóa lại được phục vụ cho mục đích không lành mạnh. Xác người bị biến thành những tác phẩm kỳ quái, phản cảm về khoa học. Nếu nghiên cứu khoa học cũng không cần xem triển lãm ấy làm gì. Tôi cho rằng sinh viên Y khoa không cần phải vào đấy. Đấy là trò chơi, trò nghệ thuật nhảm nhí.

Trẻ con vào xem không học được cái gì mà chỉ thấy ghê rợn. Hình ảnh người phụ nữ mang thai bụng bị phanh ra để lộ bào thai, xác em bé sơ sinh, người đàn ông đạp xe đạp với những bó cơ bị xé ra... Thật man rợ! Đó không phải khoa học, và chẳng giúp được gì cho việc giáo dục vì thiếu gì cách giáo dục nghiêm chỉnh. Tôi cho rằng triển lãm này để kiếm tiền là chính!

Trong ngành Y, việc tôn trọng cơ thể người được đề cao. Ở tất cả các nước và ở Việt Nam cũng thế. Hàng năm, đều có ngày lễ tôn vinh những người đã hi sinh thân xác của mình phục vụ cho Y học. Ngày ấy, thầy và trò đều thắp nến tưởng niệm. Trên những xác người trong phòng thí nghiệm được phủ vải trắng, đặt những bó hoa kính cẩn. Rất nhiều người là mẫu vật trong phòng thí nghiệm có con, có gia đình. Ngày ấy, gia đình họ đến nhìn lại người thân đang nằm trong bể xác với tinh thần trân trọng. Buổi lễ mang tính nhân văn cao cả, chứ không phải biến cái xác ấy thành trò hề.

Về mặt quản lý, theo tôi Công ty triển lãm này có 2 điều không nghiêm chỉnh. Thứ nhất, không được sự đồng ý của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho trưng bày ở Hà Nội, BTC đã làm thế nào để được trưng bày triển lãm trong Nhà văn hóa Thanh Niên, TP.HCM? Thứ 2, tôi được biết họ khai trong giấy tờ, những mẫu vật trưng bày là nhựa, nhưng phụ trách triển lãm nói trong một cuộc phỏng vấn rằng đó là xác người thật…

Triển lãm lấy danh nghĩa làm từ thiện, chữa cho trẻ em bị sứt môi, lấy danh nghĩa giáo dục phòng chống bệnh tật, phòng chống thuốc lá… Tôi là một người tham gia vào tổ chức phòng chống thuốc lá và những tác hại trong cơ thể. Chúng tôi có nhiều cách tuyên truyền, chứ không phải dựa vào những xác người thật như thế.

Triển lãm này không nên có. Ở Việt Nam có quá nhiều bảo tàng rồi, nhưng tại sao không có một bảo tàng về sức khỏe. Nếu có bảo tàng nghiêm chỉnh về sức khỏe con người, trong đó có giáo dục bệnh tật, nòi giống về tất cả mọi thứ thì có giá trị hơn rất nhiều so với những bảo tàng không có nội dung, không có gì để bày cả”.

Ông Nguyễn Thái Bình - phát ngôn viên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết, theo yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - đã vào TP.HCM sáng 6/7 để làm việc với các bên liên quan. Ông Thành sẽ có báo cáo độc lập gửi Bộ trưởng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm