Trò chuyện về nhà thơ ‘Chùa Hương’ Nguyễn Nhược Pháp

06/11/2018 - 19:05
‘Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp’ là cuộc tọa đàm được NXB Phụ nữ tổ chức nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của tác giả bài thơ ‘Chùa Hương’.

Tọa đàm Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp là sự kiện được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách Hoa một mùa - ấn phẩm do NXB Phụ nữ và gia đình tác giả Nguyễn Nhược Pháp thực hiện nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của ông (1938-2018).

Chương trình diễn ra vào 8h30 ngày 9/11 tại Đại học Văn hóa Hà Nội. Tham dự tọa đàm có nhà thơ Vũ Quần Phương, tiến sĩ Chu Văn Sơn và Đỗ Anh Vũ. Người chịu trách biên soạn cuốn sách Nguyễn Lân Bình - đồng thời là đại diện cho gia đình Nguyễn Nhược Pháp cũng có mặt tại sự kiện.

nnpanh-bia.jpg
Cuốn sách "Hoa một mùa" 

Tọa đàm tập trung đánh giá đầy đủ, đa chiều hơn về sự nghiệp văn chương Nguyễn Nhược Pháp, tác giả lâu nay được biết chủ yếu với tư cách nhà thơ. Thực tế, Nguyễn Nhược Pháp còn viết truyện ngắn, kịch và tiểu luận phê bình. Các sáng tác này đã được tập hợp trọn vẹn trong cuốn sách Hoa một mùa.

Hoa một mùa tập hợp tất cả sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp gồm truyện ngắn, kịch, thơ, phê bình văn học dịch từ nguyên bản tiếng Pháp. Bên cạnh các tác phẩm, cuốn sách còn có phần phụ lục bàn về Nguyễn Nhược Pháp của các bạn văn cùng thời, lớp hậu thế khi nhìn vào trước tác của ông. 

3.jpg
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp 

Nguyễn Nhược Pháp sinh năm 1914 ở Hà Nội, là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bài thơ Chùa Hương. Về thơ của ông, Hoài Thanh và Hoài Chân viết trong cuốn Thi nhân Việt Nam: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp... Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Suất, Tú Xương, đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật quý: với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm