Trở về 'Đồng quê thương nhớ' trong Quán thanh xuân tháng 11

31/10/2019 - 23:11
Ký ức làng quê không chỉ là những kỷ niệm về một miền quê cụ thể, mà là ký ức về một miền văn hóa. Nơi miền văn hóa ấy, mọi thành viên đều gắn kết với nhau bằng tình yêu thương, tạo nên những “thiết chế tình cảm” bền vững qua hàng ngàn năm.

Chương trình Quán thanh xuân tháng 11 là một chiếc vé về với những thân thương ấy với tên gọi "Đồng quê thương nhớ".

Chia sẻ của những vị khách mời trong chương trình Quán thanh xuân tháng 11 - Đồng quê thương nhớ sẽ truyền đi thông điệp: Những người Việt trẻ, thành công ở thành phố, vẫn có những ký ức quê. Và những người nghệ sỹ có nghĩa vụ lưu giữ ký ức ấy ở góc nhìn trang trọng nhất, đẹp nhất và được giãi bày cho tất cả mọi người.

 

Những người Việt trẻ, thành công ở thành phố vẫn có những ký ức quê

Làng quê Việt với hình ảnh đặc trưng đính kèm như cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng,.. Quần thể sinh hoạt trong làng gói gọn lại như một đại gia đình, tạo nên sự đồng cảm, thương yêu, giúp đỡ, sẻ chia. Những câu hát ru từ trong nôi, những trò chơi dân gian, những câu hát đồng dao… đã ăn sâu vào tiềm thức của con người từng sinh sống nơi đây. Làng quê cũng là nơi cất giữ nhiều phong tục khá cổ điển - đất lề quê thói.

Nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ những ký ức về miền quê Trung du buồn và đẹp. Vẻ đẹp quê thấm vào tâm hồn để chắt lọc thành những vần thơ đầy chất quê giữa phố thị, như bài Tuổi tôi (Tuổi tôi bám chặt lưng trâu/Vượt sông mà ngắm nhịp cầu bắt ngang/Tuổi tôi ra đứng đầu làng/Để xem màu nắng có vàng như hoa?/Tuổi tôi sục sạo khắp nhà/Tìm sao cho đủ tiếng gà ban trưa).

 

Khách mời - soạn giả chèo Mai Văn Lạng 

Đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần chia sẻ về việc tái hiện không gian làng quê trong bối cảnh của những bộ phim Ma làng, Đất và người, Gió làng Kình, Bão qua làng... Đó là không gian đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ. Những bộ phim có sức sống đặc biệt bởi vì khai thác những tình huống chỉ có ở làng quê, dựa vào những phong tục tập quán…

Soạn giả chèo Mai Văn Lạng - một trong số ít những người đã thành công trong việc soạn lời mới cho dân ca và chèo - sẽ kể về tính cách của người quê trong hình tượng các nhân vật, lời thoại của các vở chèo của ông. Những lời thoại đẫm chất dân gian mộc mạc mà chỉ làng quê còn lưu giữ là những gì mà ông đã thu nhận được trong hơn 20 năm làm nghề và có cơ hội đi đến rất nhiều miền quê của tổ quốc.

Với nhà báo Ngô Bá Lục, ký ức Hội làng - ấy là niềm vui chung của cả cộng đồng làng xã. Mỗi mùa gặt là một lễ hội kéo dài. Niềm vui và nỗi buồn của người dân quê đều xoay quanh mùa vụ. Cả năm cấy trồng chỉ trông chờ vào mùa gặt. Nỗi lo hạt gạo, chuyện đói no luôn ám ảnh người nông dân, tất cả các Lễ hội đều cầu mong sự thuận lợi mùa màng và luôn tổ chức lúc nông nhàn. Điều đó lý giải tại sao ký ức Lễ hội làng cứ đeo đẳng mãi trong mỗi người thôn quê. Cũng như, Tết ở nông thôn đậm đà hương vị hơn thành phố, bởi vì làng quê mới là nơi ấp ủ, lưu giữ những nếp sống ngàn đời của cha ông ta.

 

Khi còn trẻ hong hóng rời làng đi xa bao nhiêu thì khi về già lại háo hức về làng bấy nhiêu

Làng quê là chốn duy nhất mà mỗi người con tha hương không đo đếm bằng khoảng cách địa lý, không bao giờ cảm thấy xa xôi, dù có đi đến góc biển chân trời. Làng ở trong tiềm thức, trong da diết nỗi nhớ mỗi người. Thế nhưng khi đời sống xã hội phát triển, các làng quê cũng đổi mới. Làng bây giờ giàu có, khang trang lên, nhưng có khi làng đang đánh mất dần cái vẻ đẹp tình tứ, thanh tao của mình? Cho dù vậy thì quê hương vẫn luôn là chốn yên bình cho mỗi tâm hồn. Có một tâm lý chung: Khi còn trẻ hong hóng rời làng đi xa bao nhiêu thì khi về già lại háo hức về làng bấy nhiêu.

Chương trình sẽ được phát sóng lúc 20h40 ngày 3/11 trên VTV1.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm