Trung Quốc cho phép sinh 2 con

27/12/2015 - 22:33
Từ ngày 1/1/2016, Trung Quốc cho phép tất cả các cặp vợ chồng được sinh con thứ hai. Luật này vừa được thông qua ngày 27/12/2015.

Hệ lụy sâu sắc từ chính sách một con

Chính sách một con gây tranh cãi được Trung Quốc áp dụng từ năm 1979 nhằm làm giảm tỷ lệ sinh và kìm hãm tỷ lệ gia tăng dân số. Chính sách một con đã giúp nước này không tăng thêm 400 triệu dân, giúp kinh tế cất cánh từ những năm 1980. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng đây là một trong những chính sách sai lầm của Trung Quốc vì đã gây ra hệ lụy khó giải quyết. Chế độ một con khiến những đứa trẻ khi lớn lên trở thành trung tâm của gia đình hai bên, nhiều thói quen xấu như ích kỷ, dựa dẫm, thiếu tự tin, nhút nhát, lười biếng… sẽ theo đó mà phát triển. Không chỉ có vậy, về lâu dài, giới trẻ Trung Quốc chịu gánh nặng khủng khiếp khi phải chăm sóc cả bố mẹ mình và bố mẹ vợ lúc về già. Trong khi đó, mô hình gia đình ngày càng thu hẹp cũng làm giảm đáng kể sức mạnh quốc gia. Bên cạnh đó, việc sinh một con khiến nhiều người lựa chọn sinh con trai, càng làm cho xã hội mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, tạo áp lực nặng nề việc duy trì nòi giống với các thế hệ tương lai. Hậu quả là 20-30 triệu nam thanh niên sẽ không thể tìm được vợ vào năm 2020.

Chinh_sach_mot_con_cua_TQ3.jpg

Khủng hoảng từ chính sách một con kéo dài 36 năm được đưa lên thành chủ đề của tạp chí Time

Ngoài ra, sau gần 4 thập niên thi hành chính sách dân số chặt chẽ, tỷ lệ sinh ở nước này ước tính từ 1,4 trẻ đến 1,7 trẻ/phụ nữ - mức thấp nhất thế giới, dẫn tới tình trạng dân số già hóa nhanh, kéo theo nhu cầu ngày càng cao đối với các chương trình y tế, xã hội dành cho người già. Liên hợp quốc ước tính đến năm 2050, Trung Quốc sẽ có khoảng 440 triệu người trên 60 tuổi. Ước tính tổng chi phí y tế cho điều trị các bệnh tuổi già có thể chiếm tới gần 9% GDP của Trung Quốc từ nay đến năm 2050.

Trung tâm Nghiên cứu châu Á của tổ chức The Heritage Foundation (Mỹ) còn xác định nguồn lực lao động của Trung Quốc đã giảm 35% trong những năm qua. Số người trong độ tuổi lao động năm 2015 đã giảm 3,7 triệu người so với năm 2014, xuống còn 916 triệu lao động và dự đoán xu hướng giảm này sẽ còn tiếp tục trong vài năm tới. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Vương Quân, tình trạng già hóa dân số, thiếu nguồn lực lao động đúng thời điểm quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa gia tăng nhanh chóng khiến Trung Quốc mặc dù là nước đông dân nhất thế giới đã phải thuê hàng chục nghìn nhân công nước ngoài. Nếu không có lớp người trẻ kế cận đủ mạnh, Trung Quốc khó mà có đủ nguồn nhân lực để phát triển đất nước.

 Hành động trước khi quá muộn

Chinh_sach_mot_con_cua_TQ_4.jpg

Trung Quốc áp dụng chính sách sinh hai con từ ngày 1/1/2016


Trước đây, hình ảnh một gia đình điển hình xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc luôn là một cặp vợ chồng và một đứa con với khẩu hiệu “Một hy vọng. Một niềm vui. Một trách nhiệm”. Nhưng gần đây, Trung Quốc bắt đầu cho phép hình ảnh gia đình có hai con xuất hiện trên truyền hình và thông điệp mới “Hai tốt hơn một”. Khi chính quyền Trung Quốc nới lỏng chính sách một con năm 2013, theo đó cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai nếu họ cũng là con một, tính đến tháng 5/2015, khoảng 1,45 triệu cặp vợ chồng đã nộp đơn xin sinh con thứ hai nhưng chỉ có khoảng 12% trong số đó đủ tiêu chuẩn. Con số này khiến các nhà hoạch định chính sách và nhà nhân khẩu học Trung Quốc lo ngại vì chính sách nới lỏng không phát huy tác dụng như họ kỳ vọng. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu tư vấn Anh Capital Economics, gần 50% người dân thành thị Trung Quốc không muốn có hai con vì họ không có đủ tiền để lo mọi chi phí đắt đỏ cho một đứa trẻ.

Chinh_sach_mot_con_cua_TQ_5.jpg

Trẻ em - nguồn nhân lực lao động quan trọng trong vài thập niên tới

Về mặt kinh tế, việc bỏ chính sách một con cũng không thể gây tác động lớn về ngắn hạn. Sẽ phải mất hàng chục năm những đứa trẻ sinh ra trong thời chính sách hai con mới đủ tuổi để gia nhập lực lượng lao động. Trong khoảng thời gian đó, người Trung Quốc tiếp tục già đi, nền kinh tế tiếp tục thiếu nhân lực lao động. Muốn giải quyết hậu quả của chính sách một con, Trung Quốc cần phải giải quyết nhiều vấn đề chứ không chỉ đơn giản là ban hành chính sách hai con. Nhiều chuyên gia đề nghị việc thay đổi chính sách cho phép các gia đình sinh 2 con nên đi kèm với các biện pháp cải thiện các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc y tế cho bà mẹ, trẻ em hay xây dựng cơ sở nuôi dạy, trông trẻ, cũng như làm giảm áp lực kinh tế cho các gia đình. Trong 5 hay 10 năm tới, Trung Quốc sẽ phải tính đến các chính sách như ở Hàn Quốc, Singapore là thưởng cho các cặp vợ chồng sinh thêm con thứ hai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm