Trung Quốc: Cuộc sống “giữa 2 thế giới” của những đứa trẻ có cha mẹ khiếm thính

Kim Ngọc
11/06/2022 - 11:00
Trung Quốc: Cuộc sống “giữa 2 thế giới” của những đứa trẻ có cha mẹ khiếm thính

Trẻ học ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính

Trung Quốc có hơn 20 triệu người khiếm thính đang sinh sống. Con cái của những người này, hay còn gọi là CODA (viết tắt của Child of A Deaf), lên đến hàng triệu người.

Các nghiên cứu cho thấy 85% - 90% con của người khiếm thính không bị điếc. Nhiều đứa trẻ CODA cảm thấy họ không thực sự thuộc về thế giới của người khiếm thính, song cũng không được xã hội bình thường chấp nhận hoàn toàn. Cuộc sống của CODA có thể phải đối mặt với một loạt các thử thách như vấn đề chăm sóc, hỗ trợ và giáo dục khi cha mẹ họ không thể nghe.

Những người cha mẹ khiếm thính, dưới áp lực gia đình và xã hội gay gắt, không còn lựa chọn nào khác ngoài nhờ hỗ trợ từ ông bà. Đối với những đứa trẻ CODA, điều này khiến quá trình trưởng thành của chúng mất đi sự hiện diện của cha mẹ trong cuộc sống. Về những người làm cha mẹ, nó khiến họ càng thêm lo lắng và thiếu tự tin.

Tiantian, 36 tuổi, ở miền đông Trung Quốc, là con gái của người khiếm thính và được cả cha mẹ và ông bà ngoại nuôi dưỡng. Cô được ông bà dạy nói và hướng dẫn làm bài tập về nhà, đồng thời học ngôn ngữ ký hiệu từ cha mẹ một cách tự nhiên. Năm Tiantian học lớp 3, ông bà ngoại qua đời và trách nhiệm giao tiếp với thế giới bên ngoài đặt lên vai cô, từ thanh toán hóa đơn, tham gia tư vấn y tế, mở tài khoản ngân hàng đến làm người truyền đạt cho cha mẹ và cấp trên.

Nhiều CODA sống trong sự đảo ngược trong vai trò mẹ-con. Lúc nhỏ, những đứa trẻ này thường giữ vai trò là người chăm sóc hoặc giám hộ; lớn lên, chúng phải đảm đương các vấn đề về công việc của cha mẹ vì sợ bị người xấu lợi dụng. Có thể nói, CODA đã học cách trở thành những người cha mẹ tốt ngay từ khi còn nhỏ, chủ yếu do họ phải chịu một gánh nặng lớn so với bạn bè cùng trang lứa.

Một cuộc sống khác của những CODA

Sự hỗ trợ và công nhận của xã hội đối với người khiếm thính là chưa đủ, chưa kể đến việc thiếu thông dịch ngôn ngữ ký hiệu chuyên nghiệp khiến CODA chịu nhiều gánh nặng không đáng có. Tuy nhiên, nó cũng giúp họ giữ một vị trí quan trọng "có một không hai" trong xã hội Trung Quốc.

Ngoài việc hỗ trợ cha mẹ, rất nhiều CODA trở thành thông dịch viên ký hiệu cho những người khiếm thính khác. Như Tiantian, khi chưa tròn 10 tuổi, cô đã được mẹ đưa đến làm thông dịch viên tại một sự kiện do Hiệp hội Người khiếm thính địa phương tổ chức. Qua thời gian, cô trở thành người thông dịch cho người khiếm thính địa phương trong những trường hợp khẩn cấp và hiện tại cũng là thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu của Hiệp hội Người khiếm thính địa phương.

Không giống như nhiều giáo viên ngôn ngữ ký hiệu khác, những CODA như Tiantian không học ngôn ngữ ký hiệu qua trường lớp mà từ tương tác hàng ngày với cha mẹ. Vì vậy, ngôn ngữ được những CODA này tiếp thu gần với cách biểu đạt tự nhiên của người khiếm thính, giúp CODA giao tiếp với người khiếm thính dễ dàng hơn, ngay cả những người không được đào tạo bài bản.

Gần đây, nhiều CODA ở Trung Quốc đã bắt đầu tổ chức các nhóm nghiên cứu và hỗ trợ lẫn nhau, với các cuộc thảo luận về ngôn ngữ ký hiệu hay thông tin về các hoạt động và sự kiện sắp tới. Không gian này lần đầu tiên giúp nhiều CODA tìm thấy cảm giác thân thuộc và phát hiện ra rằng ngoài kia cũng có những người có cùng trải nghiệm cũng như gặp vấn đề tương tự mình. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều CODA ở Trung Quốc bị kẹt giữa 2 thế giới và cảm thấy bị cô lập trong xã hội. Một số xa lánh cha mẹ, từ chối học ngôn ngữ ký hiệu hoặc cố che giấu xuất thân của mình.

CODA không thể chọn cha mẹ cho mình nhưng có thể chọn cách họ nhìn nhận về bản thân: là những nhân vật ngoài rìa xã hội bị kẹt giữa 2 thế giới hoàn toàn khác biệt hay là cầu nối kết nối 2 thế giới này.

Nguồn: Sixth Tone
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm