Trung Quốc: Ưu đãi chính sách dân số, người dân vẫn ngại sinh con

17/02/2019 - 12:07
Dù chính phủ đã đưa ra các gói trợ cấp khi sinh con thứ hai nhưng chi phí nuôi một đứa trẻ là quá lớn khiến nhiều cặp vợ chồng tại Trung Quốc không có ý định sinh thêm con nhưng những cặp bố mẹ ở Trung Quốc vẫn không muốn sinh thêm.
Đứa trẻ “triệu đô”
 
Để nuôi một đứa trẻ, phụ huynh Trung Quốc phải đối mặt với nhiều chi phí cần thiết như giáo dục, giải trí, y tế... điều đó biến những đứa trẻ tại đây trở thành những “đứa trẻ triệu đô”. Các chuyên gia nước này cho biết, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ tại đây đã tăng mạnh khi mức sống được cải thiện và người dân không còn tin tưởng vào chất lượng các sản phẩm trong nước.
 
chen-huijian.jpg
Giáo viên trung học Chen Huijian

 

Sinh sống ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), chị Chen Huijian kiếm được 5.000 tệ (730 USD) mỗi tháng với công việc là một giáo viên trung học. Trong khi đó, chồng chị kiếm được 16.000 tệ (2500 USD) một tháng, anh làm việc tại bộ phận bán hàng của một công ty Mỹ ở Thượng Hải. Trước khi sinh con, chị Chen Huijiuan chi một khoản không nhỏ cho những sản phẩm chăm sóc da, quần áo và đi chơi với bạn bè. Thế nhưng, giờ chị không dám mua váy áo vì việc nuôi dạy cậu con trai 2 tuổi tốn 1/3 thu nhập hàng tháng của gia đình.
 
Chị Chen chưa từng mua sữa của những thương hiệu trong nước cho con trai mình, thay vào đó chị lựa chọn các sản phẩm nhập khẩu đắt tiền. Sữa ở Trung Quốc năm 2008 đã từng nhiễm độc khiến ít nhất 6 em bé tử vong và gây sỏi thận cũng như các vấn đề về đường tiết niệu 300.000 trẻ em khiến các phụ huynh ám ảnh đến chất lượng sữa trong nước. Chị Chen cũng không hề tin tưởng vào chất lượng của thực phẩm địa phương. Bé Xiyan chỉ ăn thịt bò, cá tuyết và cá hồi nhập khẩu.
 
Chi phí giáo dục và giải trí cũng là một vấn đề gây đau đầu khác. Nhận thấy áp lực của một xã hội ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn, chị Chen bắt đầu mua cho con những loại đồ chơi giáo dục kể từ khi còn mang bầu để bé được phát triển tốt từ nhỏ. Chen và chồng chi 5.000 tệ (737 USD) mỗi tháng cho trung tâm song ngữ của con, tức là toàn bộ số tiền lương của chị. Đó không chỉ là chương trình giáo dục cơ bản, họ còn phải chi một khoản lớn cho các hoạt động ngoại khóa, việc này tốn khá nhiều chi phí hàng năm của cả gia đình.
 
trung-quoc-2.jpg
Chị Chen và con trai

 

Nhiều phụ huynh Trung Quốc còn lo ngại dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản do chính phủ tài trợ không đủ để trang trải cho các trường hợp bệnh nặng. Con trai của cô Chen bị bệnh đường ruột và dạ dày, phải đến bệnh viện mỗi tháng một lần trước khi bước sang tuổi thứ hai. Tuy nhiên ngay cả khi tìm được bác sĩ giỏi, Chen cho biết cô còn phải "phong bì" cho bác sĩ để đảm bảo con trai được chăm sóc tốt nhất. Mỗi năm cô Chen phải mua thuốc và bảo hiểm y tế tư nhân trị giá 15.000 nhân dân tệ (khoảng 2.200 USD) cho con trai. "Tôi luôn muốn dành cho con những điều tốt nhất. Bác sĩ giỏi nhất, đồ chơi tốt nhất, sự giáo dục tốt nhất", cô Chen nói.
 
Nỗi lo thiếu nhân lực tương lai
 
Chính sách một con của Trung Quốc đã khiến cho các bậc cha mẹ nước này ngày càng chú ý đầu tư hơn tới vấn đề giáo dục cho con cái. Cuộc đua vào những trường học tốt nhất rất khốc liệt, các bậc cha mẹ coi đây là việc hệ trọng và đặt áp lực lớn lên những đứa trẻ. Theo bà Wang Dan - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Wah Ching về giáo dục của Đại học Hong Kong, không chỉ việc ăn uống của con đã vắt kiệt hầu bao của nhiều gia đình Trung Quốc, đầu tư cho việc giáo dục và vui chơi giải trí cũng rất tốn kém. Ở thập niên 1990, phần lớn người dân Trung Quốc vẫn cho con đi học tại các trường công bởi lý do được miễn phí hoặc có mức học phí rẻ, bà Dan cho biết. “Nhưng giờ đây việc giáo dục đã trở thành một ngành công nghiệp có quy mô lớn nên chi phí tăng cao”, nữ chuyên gia này nói.
 
trung-quoc-3.jpg
Viện phí cho con trai khiến gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai vợ chồng chị Chen

  

Những khó khăn về tài chính mà gia đình chị Chen đối mặt phản ánh tình trạng trung của hàng triệu gia đình trung lưu khác tại Trung Quốc. Đó cũng là lý do tại sao các nhà lãnh đạo nước này đang chật vật trong việc đẩy mạnh tỷ lệ sinh. Chị Chen Huijian cho biết mình không đủ khả năng tài chính để sinh bé thứ hai dù chính quyền đang khuyến khích việc đó. Các nhà chức trách đã đưa ra những khoản trợ cấp cho cặp vợ chồng có con thứ hai, chẳng hạn như hỗ trợ tài chính đối với sữa bột và chế độ nghỉ thai sản cũng được điều chỉnh. Tại tỉnh Hồ Bắc, một thành phố đang triển khai dịch vụ sinh con miễn phí cho những phụ nữ sinh con thứ hai, trong khi các thành phố khác trao 1.200 tệ (179 USD) cho những gia đình có bé thứ hai.
 
china-one-child-policy.jpg
Rất hiếm gia đình Trung Quốc sinh 2 con

  

Theo Cục Thống kê Quốc gia, tăng trưởng dân số của Trung Quốc đã chậm lại trong năm 2018 với 15,23 triệu em nhỏ được sinh ra, giảm 2 triệu so với 1 năm trước đó,. Có tới hơn 50% các cặp vợ chồng cho biết họ không có ý định sinh thêm bé thứ hai vì chi phí nuôi con quá đắt đỏ. Đây là một vấn đề nan giải đối với các nhà lãnh đạo nước này: Dẫu ưu tiên việc tăng trưởng kinh tế nhưng lại đang rất "đau đầu" với lực lượng lao động ngày càng ít đi và tỷ lệ dân số già tăng cao. Số liệu chính thức cho thấy, năm 2017, có hơn 240 triệu người dân Trung Quốc ở độ tuổi 60, tương đương với 17% dân số. Con số này được dự báo sẽ còn tăng lên, chiếm khoảng 1/3 dân số vào năm 2050, tương đương 480 triệu người. Đến năm 2030, dự kiến quy mô dân số Trung Quốc sẽ giảm, dấy lên lo ngại rằng cường quốc châu Á sẽ già đi trước khi trở nên giàu có.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm