Trường đầu tiên điểm danh học sinh bằng thẻ từ gây sốt

21/09/2017 - 15:05
Một trường THCS ở TP.HCM tiên phong trong việc đổi mới hình thức điểm danh từ cách gọi tên truyền thống sang quẹt thẻ hiện đại. Hiện tượng này đang gây nhiều bàn luận khi người thì rất ủng hộ, người lại cho là bất tiện.

Đi học… oai như đi làm!

Ngôi trường bỗng dưng nổi tiếng khắp diễn đàn mạng mấy hôm nay là trường THCS Trần Văn Ơn tại TP.HCM khi mới đây áp dụng hình thức điểm danh học sinh bằng cách quẹt thẻ. Mỗi học sinh được phát một chiếc thẻ từ, dùng để điểm danh tại một số hộp số gắn ở cổng trường. Điều đáng nói là phần mềm này còn linh hoạt báo về cho phụ huynh bằng tin nhắn để nhắn ngày, giờ con điểm danh vào lớp.

Hình ảnh học sinh quẹt thẻ điểm danh được chính cô Trần Thúy An - Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn - đăng tải trên Facebook nhận được sự quan tâm của dư luận. 

Học sinh được quẹt thẻ điểm danh nên khá hào hứng. Ảnh FB cô Thúy An

Có 5 chiếc máy được lắp đặt tại khu vực cổng trường để học sinh điểm danh. Cơ chế hoạt động của máy cũng đơn giản, mỗi học sinh được phát thẻ có chứa con chip mang thông tin của mình. Chỉ cần chạm thẻ nhẹ để máy xác nhận thông tin là hoàn tất việc điểm danh. Máy chủ ở phòng giáo viên sẽ giúp các thầy cô giáo kiểm tra thông tin về học sinh.

Đây là trường học đầu tiên tại TP.HCM thử nghiệm áp dụng khoa học công nghệ vào việc quản lí học sinh. Ban giám hiệu nhà trường còn thông tin thêm là cách điểm danh này sắp tới sẽ thực hiện với cả giáo viên.

Đề án thẻ học đường đã được thí điểm triển khai tại một số điểm trên địa bàn TP.HCM từ năm 2014-2015. Sau 2 năm thử nghiệm, trường THCS Trần Văn Ơn quyết định đưa vào sử dụng chính thức nhằm giúp thầy cô và học sinh thuận lợi hơn trong công tác quản lý, học tập giảng dạy. Học sinh được tài trợ nên sử dụng thẻ hoàn toàn miễn phí.

Được biết, để tránh dùng thẻ điểm danh hộ, nhà trường hiện vẫn áp dụng song song cùng với cách điểm danh truyền thống. Cô Hiệu trưởng Trần Thuý An còn “trấn an” một số phụ huynh khó tính rằng, sẽ không có trường hợp nào vì quá “thương” nhau mà quẹt thẻ giùm được, bởi số camera bố trí dày đặc đã lo giúp nhà trường phần này.

Vừa hào hứng, vừa tiếc nuối

Bài viết của cô Thuý An sau khi đăng tải đã nhận rất nhiều bình luận, lượt yêu thích và chia sẻ của nhiều phụ huynh, đồng nghiệp. Rất nhiều cha mẹ học sinh bày tỏ sự ủng hộ vì trường “mới nói làm liền”, con hào hứng đi học đúng giờ. Có người còn ví von rằng, thời làm sao đỏ đã thất sủng, hết uy quyền với cách làm mới này.

Giáo viên ngạc nhiên với cách điểm danh mới này. Ảnh FB cô Thúy An 

Thông tin này cũng nhận được quan tâm từ rất nhiều phụ huynh, học sinh từ nơi khác. Tại Hà Nội, nhiều teen tỏ vẻ thích thú với hình thức mới này. Ngọc Diệp, học sinh trường Tiểu học Phan Đình Giót (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cách điểm danh này thật tiện lợi vì đỡ bị các bạn sao đỏ “săm soi”.

“Thi thoảng đi học muộn vẫn được sao đỏ du di cho, nhưng cháu nghĩ với cách này, khó mà thoát được. Có một chiếc thẻ riêng, cháu thấy rất thích!” - Ngọc Diệp nói.

Trong khi đó, chị Lê Thu Hà - mẹ của Diệp sau khi đọc thông tin và nghe con chia sẻ thì băn khoăn, cách này cũng có thể khiến học sinh “trốn” được khi nhờ bạn quẹt hộ, trừ khi nhà trường phải có đội ngũ kiểm soát đích danh chủ thẻ.

“Tại sao không điểm danh bằng vân tay thay vì quẹt thẻ? Điểm danh bằng vân tay thì học sinh không thể bao che cho nhau được, hơn nữa các con đang tuổi ăn tuổi chơi, dễ làm mất thẻ hoặc để quên đâu đó nên cách điểm danh vân tay như nhân viên văn phòng hiện tại có vẻ tiện lợi hơn!” - nữ phụ huynh chia sẻ.

Bà Trần Thị Thuần (Giáo viên hưu trí ở P. Thượng Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) thì tỏ vẻ tiếc vì cách điểm danh truyền thống sẽ sớm được thay thế bởi phương thức mới này. Nhiều năm dạy học và là giáo viên chủ nhiệm, việc điểm danh vẫn khiến bà cảm thấy thích thú.

“Mỗi lần gọi tên là thêm một lần nhìn mặt các em học sinh, có thêm mấy giây quan sát thần thái của tụi học trò nghịch ngợm như một cách cô trò giao lưu với nhau, thấy đó là khoảnh khắc đáng nhớ. Thời đại công nghiệp, máy móc thay thế con người nên những khoảnh khắc này rồi sẽ dần biến mất. Biết là tiết kiệm thời gian, tiện lợi, khoa học, nhưng tôi vẫn thấy tiếc là vì lẽ đó” - bà Thuần cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm