TS Lương Hoài Nam: 'Nền giao thông đường bộ ở nước ta đang lâm trọng bệnh'

27/01/2019 - 17:42
Liên tiếp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên nhiều vùng miền cả nước trong thời gian qua khiến người dân choáng váng, sợ hãi. Những giọt nước mắt thống khổ, nỗi đau đớn không gì so sánh nổi khi mất người thân của nhiều phận người liên quan tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Câu hỏi “Chúng ta phải làm sao?” luôn day dứt những người có lương tri và có trách nhiệm với xã hội.

Cuộc bàn luận sau đây của Báo PNVN với TS Lương Hoài Nam mong muốn đưa ra cách nhìn trực diện về tai nạn giao thông và hướng tới các giải pháp quyết liệt hơn về vấn nạn này.

Thời gian qua, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều thảm cảnh của các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Ở phía sau mỗi thân phận thương vong là nỗi đau của nhiều người, và hệ lụy vẫn còn kéo dài trong nhiều gia đình. Là người luôn trăn trở với các vấn đề xã hội, theo ông, trước tiên các cơ quan công quyền và người dân cần phải làm những điều gì để có thể giảm thiểu các thương vong tai nạn trên đường?

 

Tiến sĩ Lương Hoài Nam - chuyên gia kinh tế

 

TS Lương Hoài Nam: Những vụ TNGT xảy ra liên tục và hết sức thảm khốc ở các địa phương trong thời gian gần đây tạo cho tôi cảm giác nền giao thông đường bộ ở nước ta dường như đang bị bục ra, lâm vào trọng bệnh, vì hàng loạt căn nguyên. Bất cập về hạ tầng đường sá. Bất cập về cấu trúc phương tiện giao thông. Bất cập về ý thức, trình độ của lái xe. Bất cập về quản lý.

 

Về lý thuyết, không khó để hình dung những biện pháp giải quyết những bất cập đó nhưng trên thực tế thì lại rất khó, kết quả đạt được hết sức khiêm tốn. Cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông tốn rất nhiều tiền, mà nước ta còn nghèo. Hiện đại hóa các phương tiện giao thông theo hướng hạn chế các phương tiện cá nhân, tăng cường các phương tiện công cộng vướng cả về tiền và về văn hóa, thói quen của người dân. Ý thức, trình độ của những người đã có bằng lái xe có thể cải thiện thông qua các biện pháp tuyên truyền và siết chặt kỷ cương pháp luật nhưng trên thực tế chưa cải thiện được mấy.

 

Các cơ quan quản lý gần như lâm vào bế tắc trong nhiều vấn đề. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta một mặt cần đòi hỏi các cơ quan quản lý ráo riết giải quyết các bất cập đã được phát hiện, đồng thời nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông, đặc biệt là khi sử dụng phương tiện giao thông thô sơ nhưng có tốc độ cao như xe máy, hay khi đi bộ băng qua đường hay đi dọc đường giao thông có lưu lượng xe cộ cao. Chúng ta làm sao biết được trong những người lái xe trên đường mình đang đi, ai có ý thức tốt, ai có ý thức kém, ai lái an toàn, ai lái ẩu? Nên giữ khoảng cách xa với ô tô, nếu có thể.

 

Hiện nay trên nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ vẫn chưa thể có các làn đường riêng dành cho xe gắn máy, xe đạp và người đi bộ. Những người tham gia giao thông đang phải đối mặt “thập diện mai phục” với rất nhiều phương tiện hỗn loạn trên đường. Để tháo gỡ từng bước vấn nạn này, theo ông, việc phân làn đường có cần thiết không?

 

Đường quốc lộ, tỉnh lộ ở nước ta thường nhỏ, phổ biến mỗi chiều chỉ có 2 làn, thậm chí chỉ có 1 làn. Việc dành làn đường riêng cho xe máy, xe đạp là bất khả thi. Người đi bộ thì về nguyên tắc phải đi trên vệ đường, ngoài mặt đường, chỉ qua đường ở những nơi cho phép và khi không có xe cộ lưu thông ở khoảng cách gần. Theo kinh nghiệm của tôi, khi đi bộ dọc đường, người đi bộ nên chọn đi ở bên ngược chiều với các phương tiện trên đường để có điều kiện quan sát phía trước, thay vì đi cùng chiều các phương tiện và có thể bị “đánh úp” từ sau lưng. Còn xe máy, như lời khuyên “tránh xa ô tô” ở trên, chỉ nên đi làn đường trong cùng, kể cả khi luật cho phép đi các ra làn ngoài, nơi có nhiều ô tô chạy tốc độ cao. Đã đi xe máy là loại phương tiện không bảo vệ người đi xe thì cần phải đi rất cẩn thận.

 

Xe máy không phải là loại phương tiện giao thông an toàn 

Ý tưởng hạn chế xe gắn máy tại các đô thị lớn của ông đang được bàn luận sôi nổi trên rất nhiều diễn đàn và trong cuộc sống. Xin hỏi, thực sự ông có cảm thấy quá phiền khi có nhiều ý kiến diễn giải sai lệch ý tưởng đó hay không? Điều căn bản nhất về thay đổi tư duy mà ông muốn đưa tới cộng đồng là gì?

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh minh họa

 

Quả thực là có những người vô tình hiểu sai đề xuất của tôi về xe máy, nhưng cũng có những người cố tình xuyên tạc, vu khống. Thứ nhất, tôi chưa bao giờ đề xuất cấm xe máy ngay, điều đó bất hợp lý, bất khả thi, tôi quá hiểu như thế. Tôi đề xuất hạn chế dần xe máy, rồi sau 10-15 năm từ ngày công bố lộ trình thì loại bỏ xe máy, khi đã có đủ giao thông công cộng (GTCC), các loại phương tiện vận tải công suất nhỏ và xe đạp thay thế xe máy. Thứ hai, tôi chưa bao giờ đề xuất một chính sách áp dụng toàn quốc, mà chỉ cho riêng Hà Nội và TPHCM.

 

Đây là 2 thành phố đầu tàu và bộ mặt của nước ta, là những nơi có điều kiện phát triển mạnh GTCC và nên phát triển mạnh GTCC thay cho các phương tiện giao thông cá nhân (cả xe máy và xe con). Mô hình giao thông đô thị mà tôi tâm đắc là như ở Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), nơi người dân đi lại hằng ngày bằng GTCC là chính, cả người nghèo lẫn người giàu. Thứ ba, tôi chưa bao giờ nói TNGT chủ yếu do người đi xe máy gây ra. Đối với tôi, phương tiện nào gây tai nạn không quan trọng bằng đi lại bằng phương tiện nào thì an toàn hơn đối với người dân. Xe máy không phải là loại phương tiện giao thông an toàn. Người châu Âu phát minh ra xe máy nhưng họ đã bao giờ chọn xe máy làm phương tiện giao thông đô thị đâu! Vì trước khi phát minh ra xe máy, người châu Âu đã có ô tô, tàu điện là những phương tiện giao thông đô thị an toàn hơn nhiều so với xe máy (và cũng tiện nghi hơn, bảo vệ sức khỏe hơn).

 

Nếu kỳ vọng một sự thay đổi tư duy thì tôi mong muốn mọi người dân hướng tới GTCC. Một nền GTCC hiện đại, an toàn, văn minh cho tất cả mọi người mới là chất lượng cuộc sống đích thực. Không phải xe hơi. Càng không phải xe máy.

 

Giờ, chúng tôi xin bàn luận cùng ông về vấn đề nữa, đó là các cây cầu vượt trên đường. Như ông và nhiều bạn đọc đã biết, vụ TNGT thảm khốc cướp đi 8 sinh mạng và khiến 7 người bị thương tại quốc lộ 5 địa phận TP Hải Dương vừa qua, có liên quan tới cây cầu vượt. Đoàn người đang di chuyển trên đường để lên cầu vượt thì bị “xe điên” do tài xế vượt ẩu đâm vào. Người đứng đầu Bộ GTVT đã phải thừa nhận, cây cầu vượt được đặt ở vị trí này đã không hợp lý. Trên thực tế, cũng có rất nhiều cây cầu vượt bị “ế”. Theo ông, sự “ế” này xuất phát từ việc chúng ta “thừa giấy vẽ voi” hay những người thực hiện đã hoàn toàn xa rời thực tiễn, hoặc do người dân của chúng ta không có thói quen sử dụng?

Cầu vượt đi bộ không phải là hình ảnh phổ biến ở các đô thị hiện đại tại nước ngoài. Theo quan sát của tôi thì hầm qua đường phổ biến hơn nhiều. Những hầm qua đường rộng rãi, sạch sẽ, nhiều nơi có cửa hàng, cửa hiệu 2 bên có vẻ như tôn trọng và hấp dẫn người đi bộ hơn những chiếc cầu vượt xấu xí. Tất nhiên còn yếu tố chấp hành pháp luật nữa. “Chỉ qua đường ở nơi được phép” là cả một văn hóa, kỷ cương giao thông đô thị. Việc không tuân thủ không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn tự chuốc rủi ro tai nạn cho bản thân. Chúng ta thử làm một số hầm qua đường thật rộng rãi và đẹp ở quận 1, TPHCM xem nào! Tôi tin là người dân sẽ thích dùng.

 

Cái gì làm cho xe buýt trở thành “hung thần”? 

Quay trở lại với việc chuyển đổi và hạn chế phương tiện cá nhân sang phương tiện GTCC, cũng còn nhiều ý kiến vẫn lo ngại và lập luận kiểu “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Giờ nói thẳng một điều để làm cho thật sự quyết liệt, ông sẽ nói điều gì?

Cách tiếp cận “Bao giờ đủ GTCC hẵng nói chuyện hạn chế xe máy” tôi đã nghe vài chục năm nay rồi, nhưng kết quả thu được là gì? Xe máy ở TPHCM tăng phi mã, đến nay đã có khoảng 9 triệu chiếc (năm 1995 cả nước chỉ có 4 triệu xe máy). Xe buýt không phát triển nổi, mãi vẫn chỉ đáp ứng được 5-7% nhu cầu đi lại của người dân thành phố, mấy năm gần đây lượng khách vận chuyển không những không tăng được, mà còn giảm dần. Vì sao? Vì với bình quân 150 phương tiện ô tô và hơn 2.000 xe máy đăng ký ở TPHCM trên 1 km đường, xe buýt không còn đường thông thoáng để chạy.

 

Xe buýt bị quây tứ phía, không thể chạy nhanh, nhiều tuyến, nhiều chuyến, đúng giờ, nên người dân càng không ưa thích. Tháng nào xe buýt cũng cán chết người đi xe máy nên bị gọi là “hung thần”, thì làm sao phát triển được. Trên cả thế giới, xe buýt là loại phương tiện GTCC phổ biến nhất (kể cả ở những nơi có tàu điện ngầm), tại sao ở nước ta nó lại trở thành “hung thần”? Cái gì làm cho nó ở nước ta trở thành “hung thần”, lệch hẳn với thế giới? Câu trả lời, đó là xe máy. Xe buýt và xe máy không thể chung sống hòa bình trên một làn đường.

 

Nếu nói một cách quyết liệt, theo tôi, cần khẩn trương hạn chế cả xe máy, xe hơi cá nhân để trả mặt đường cho xe buýt và để tạo thị trường (khách hàng) cho xe buýt.

 

Cái làm cho người dân Singapore không cần đi xe máy không hẳn nằm ở 144 bến tàu điện ngầm, mà là ở gần 5.000 bến xe buýt (bình quân gần 7 bến/km2).

 

“Kẻ giết người tiềm năng” 

Tình trạng sử dụng bia rượu, ma túy tràn lan khi lái xe, việc giảng dạy về lý thuyết và thực hành tại các trường đào tạo lái xe còn lỏng lẻo khiến có nhiều “xe điên” trở thành cỗ máy giết người hàng loạt trên đường. Vấn đề này quả thực không còn là chuyện đi đứng chủ quan, cẩn thận của người tham gia giao thông nữa. Ông có thể đưa ra ý kiến xung quanh việc này hay không?

 

Rượu bia, ma túy là kẻ thù của an toàn giao thông. Cần mạnh tay với các vi phạm này, bao gồm xử lý hình sự ngay cả khi chưa xảy ra tai nạn. Ở nhiều nước, chỉ cần cảnh sát giao thông phát hiện lái xe uống rượu bia, dùng ma túy trước khi lái xe, họ tống giam rồi cho ra tòa xử, đừng cãi là chưa gây hậu quả. Ta cũng nên thế. Còn khi vì rượu bia, ma túy mà lái xe gây tai nạn chết người thì cần phải xử hết sức nghiêm khắc.

 

Các khâu sát hạch cấp bằng lái xe cần siết chặt để đảm bảo chất lượng. Nhưng tôi lo ngại hơn về những người đã có bằng lái xe rồi, trong số đó có không ít “kẻ giết người tiềm năng”, với ý thức kém, kỹ năng lái xe kém. Làm thế nào để phát hiện ra họ để đào tạo, sát hạch lại là việc rất khó. Cần phải nghĩ ra những cách nào đó! 

Xin cảm ơn ông!

Phụ nữ lái xe thường không dứt khoát, không phản ứng nhanh

 

 

"Là người thường xuyên lái xe đường trường đi phototour, tôi thấy phụ nữ tham gia giao thông "hiền" và "nhát". Họ đi tốc độ không cao, ít bia rượu, cẩn trọng hơn khi lái xe, có lẽ từ tâm lý "yếu sợ ra gió". Thường thì chị em dễ bị "bắt nạt" khi xảy ra sự cố giao thông. Bên cạnh đó, do "đặc thù" giới tính mà chị em thường không mạnh bạo, dứt khoát, phản ứng nhanh. Các chị thường lúng túng khi de/lùi xe, định hướng, tìm đường, cũng như thường hốt hoảng khi xe gặp sự cố, đơn giản như bể/xẹp bánh xe, không nhiều chị em có thể và biết cách kích/đội, tháo bánh xe để thay thế bánh sơ cua. 

Nhiều năm kinh nghiệm lái xe, tôi nhận thấy người tham gia giao thông cần tuân thủ luật giao thông, không giành đường, phóng nhanh vượt ẩu, nhanh được một phút mà "tốn" cả đời. Tôi thường lái xe đến nhiều địa phương. Đường trường vắng người xe qua lại chưa hẳn an toàn. Các tài xế thường phóng nhanh vượt ẩu, xe tải, xe khách giường nằm chạy tốc độ cao, vượt và ép xe khác ngay cả trên đường đèo dốc quanh co, chỉ có một làn xe và lưu ý nguy hiểm, giới hạn tốc độ. Không hiếm khi gặp cả xe đi ngược chiều trên đường quốc lộ hay cao tốc. Tình trạng xe máy băng qua đường, cúp đầu xe hơi, xe hơi lấn làn xe máy... làm cho người đi xe máy phải leo lên vỉa hè không còn chỗ cho người đi bộ, xe máy từ trong lao ra đường, không quan sát trước sau, người dân trèo qua giải phân cách băng qua đường, gần đây thêm tình trạng không ít tài xế dương tính với ma tuý, số vụ tai nạn giao thông tăng, tính chất ngày càng bi thảm... làm cho bức tranh giao thông thêm hỗn độn, nguy hiểm.

Tôi thấy các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh-kiểm tra giao thông, sự "có mặt", điều tiết giao thông của cảnh sát giao thông, tổ chức làn, hướng giao thông hợp lý, giải quyết ùn tắc, kẹt xe hiệu quả. Trên hết, cần tăng lượng thông tin, giáo dục ý thức giao thông cho người tham gia giao thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sau cùng và quan trọng nhất chính là phát triển hạ tầng giao thông, mở thêm đường, tổ chức lưu thông hợp lý, xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm giao thông...", nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc

 

Nhiều người sợ mất tiền chứ không sợ mất mạng!

 

 

"Có quá nhiều vụ TNGT xảy ra hiện nay, có thể nói là hàng ngày, hàng giờ. Tôi nói điều này vì đó là các bài chia sẻ thường xuyên trên nhóm mạng OFFB đưa tin về các TNGT trên mọi vùng miền cả nước. Có nhiều ngày, những vụ chỉ cách nhau vài phút, rất thương tâm và đau lòng. Chúng tôi chỉ biết thương cảm hoặc sợ hãi. Các bài học kinh nghiệm là rất rõ ràng sau khi những member chia sẻ camera hành trình. Có nhiều vụ nạn nhân là người đi hoàn toàn đúng luật và thận trọng. Nhưng cũng rất nhiều vụ, nạn nhân thiếu cẩn trọng và thậm chí xem thường các quy định giao thông, biết sai mà vẫn làm.

Thật phi lý khi nhiều người vẫn chỉ sợ mất tiền, chứ không sợ mất mạng. Đó là những sai lầm mà họ không còn cơ hội nào để sửa chữa. Và chúng ta cần thay đổi điều đó. Vì thế, với TNGT, tôi thấy chúng ta nên phòng ngừa từ xa, chứ chống tại chỗ thì e là đã muộn. 3 việc theo tôi có thể làm và thay đổi vấn nạn này, thật ra không mới, chỉ là không làm rốt ráo và cương quyết, khiến các con số nạn nhân tử vong vì TNGT hầu như không giảm và Việt Nam vẫn là 1 trong những nước có tỷ lệ tử vong cao trong khu vực.

Thứ nhất, cần giáo dục thực tế về kỹ năng giao thông, luật giao thông, văn hóa giao thông cho người dân và phải có chế tài cụ thể, không thể chỉ là đọc trong sách những lý thuyết chung chung. Thứ hai, cần xem lại chất lượng đường xá, tình trạng sụt lún, tạo rãnh, ổ gà, ổ trâu, thi công, dặm vá và tái lập mặt đường nhiều đơn vị làm rất ẩu, quấy quá. Tình trạng đất đá cát sỏi rơi vãi trên đường, thả rông gia súc gia cầm cũng cần sửa đổi kiên quyết hơn. Thứ ba, là việc chế tài nghiêm khắc các hành vi vi phạm luật giao thông, bắt buộc tuân thủ chặt chẽ các quy định về giao thông đường bộ, như số giờ lái xe liên tục, sử dụng rượu bia, chất kích thích, tình trạng khai thác giờ công tài xế, giám sát từ hộp đen, nâng mức phạt với các hành vi có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người khác.

3 việc trên thật ra đã có, đã làm, chỉ là chưa tới nơi tới chốn. Nhưng việc cấp bằng lái xe và thu hồi bằng lái xe thông qua hệ thống điểm trừ cũng là một biện pháp tích cực mà Việt Nam chưa áp dụng. Khi bằng lái có thể bị thu hồi, cấm tham gia giao thông có thời hạn và bắt buộc phải thi lại thì chắc chắn người lái xe sẽ nghiêm túc hơn khi tham gia giao thông, tránh tình trạng phạt tiền rồi cho chạy tiếp. Không tiền nào có thể mua được tính mạng người khác!", anh Nguyễn Quốc Bình, admin nhóm Facebook OFFB - diễn đàn về xe có số lượng thành viên lớn nhất Việt Nam hiện nay

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm