TS Ngữ văn chỉ ra nhiều bất ổn trong đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ

27/12/2017 - 16:25
TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Văn, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã có những phân tích khoa học khi cho rằng, đề xuất thay đổi chữ quốc ngữ của tác giả Bùi Hiền là điều khó khả thi.

Thay đổi chưa thuyết phục

Chia sẻ trên trang cá nhân, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, không phủ nhận thực tế là tiếng Việt có nhiều bất hợp lý cả trăm năm nay. Những bất hợp lý được hợp lý hoá bằng những qui ước mang tính mặc định trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ Việt, ví dụ các chữ cái c/k/q, r/d/gi, ng/ngh, g/gh...

Những mặc định đó tồn tại lâu dần thành thói quen, từ thói quen, lâu dần thành chuẩn mực chính tả phổ thông. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, thay đổi một thói quen đã hình thành hàng trăm năm là điều cực kì khó khăn, khó từ phương án thay đổi tới vấn đề giải quyết những hệ lụy cũ trong các văn bản hàng trăm năm nay, đặc biệt là khó khăn trong tâm thế tiếp nhận của cộng đồng.

TS. Trịnh Thu Tuyết có những phân tích khoa học để chỉ ra bất cập trong cải cách của tác giả Bùi Hiền

“Cần tìm phương án tốt nhất cho sự thay đổi, vừa khoa học vừa tránh gây sốc cho cộng đồng. Thế nhưng phương án của PGS Bùi Hiền có quá nhiều sự thay đổi chưa thuyết phục được người sử dụng tiếng Việt, cũng là chủ nhân đích thực của tài sản tinh thần quí giá của cộng đồng, dễ gây phản ứng tiêu cực cũng là dễ hiểu”- TS Trịnh Thu Tuyết nêu quan điểm.

Nói rõ hơn về sự bất hợp lý này, TS Tuyết chỉ ra một vài điểm như sau:

Trước hết là hai điều bất ổn trong cách đặt vấn đề: Giải quyết khắc phục tình trạng viết sai chính tả bằng cách xoá bỏ ranh giới đúng - sai của các phụ âm và dùng tiếng thủ đô Hà Nôi làm cơ sở ngữ âm cho việc xác định danh mục chữ cái tiếng Việt. Tiếng của Hà Nội về cơ bản không phân biệt r, d/ s, x/ ch, tr... vì thế sẽ không thể đại diện cho cách phát âm của người Việt nói chung.

Một bất cập nữa, theo TS Trịnh Thu Tuyết là, tiếng nói có trước, chữ viết có sau để ghi âm tiếng nói. Chữ phải thể hiện được đầy đủ các sắc độ tinh tế của tiếng nói, không thể xoá nhoà và đồng nhất các sắc độ ấy, không thể thay đổi chính âm và buộc người sử dụng ngôn ngữ chạy theo chính tả khi đồng nhất x/s; ch/tr; r/d...

Một trong những vẻ đẹp của tiếng Việt chính là sự phong phú, uyển chuyển tinh tế của ngữ âm, và ngữ âm được hình thành chủ yếu bởi thanh điệu, vần điệu, âm điệu, những yếu tố được cấu tạo trước hết bằng hệ thống phụ âm và nguyên âm. Sự khác nhau giữa các phụ âm r - d, ch - tr, x - s... tạo nên sắc điệu tinh tế cho các âm tiết khi phát âm

“Sự thật không thể phủ nhận, đó là ngữ âm tạo nên khí của ngôn ngữ, đó là cái tinh tế linh diệu của một ngôn ngữ! Chính vì thế, tôi cho rằng việc cải tiến nên hướng tới giải quyết những bất hợp lý đơn thuần về những chữ viết không làm phương hại tới ngữ âm”- TS Tuyết nhấn mạnh.

Bất cập thứ ba liên quan đến yếu tố từ vựng. Nghĩa biểu đạt của từ vựng liên quan chặt chẽ tới chữ viết. Theo bà, nếu xoá nhoà ranh giới của ch/tr, s/x, r/d..., sẽ xuất hiện những yếu tố đồng âm khác nghĩa rất phức tạp trong tiếng Việt

Ví dụ hai câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: "Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng/Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi"- người đọc phân biệt sự khác nhau giữa "truyền" với "chuyền", giữa "sẻ" trong "chia sẻ" (chủ yếu hướng tới việc bày tỏ/tâm tình/đồng cảm... các giá trị tinh thần, với "xẻ" (việc dùng một vật dụng như cưa, dao... để chia/cắt một đối tượng thường là hữu hình theo chiều dọc)…

Tác giả Bùi Hiền lại gây tranh cãi khi công bố phần 2 của đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ 

"Tớ" sẽ chuyển thành "tấ"

TS Trịnh Thu Tuyết phân tích thêm để thấy những bất cập trong thay đổi chữ viết của tác giả Bùi Hiền. Trong đó, nguyên tắc PGS Hiền đưa ra để cải tiến tiếng Việt là mỗi âm vị chỉ ghi bằng một chữ cái (ký tự).

Tuy nhiên, cách khắc phục của PGS lại nảy sinh một số vấn đề mới như: Sẽ có trường hợp một chữ phải gánh trong nó nhiều âm. Hoặc ngược lại, một âm vẫn hiện hữu trong nhiều chữ cái khác nhau. Nếu để ý kỹ, sẽ thấy nguyên tắc một chữ ghi một âm của PGS đã không triệt để ngay trong chính hệ thống của ông.

Bà dẫn chứng, theo nguyên tắc chính tả hiện hành, nếu nguyên âm đôi uô/ươ/iê là âm giữa vần thì ghi uô (rau muống), ghi ươ (tương đương), ghi iê (tiếng Việt), còn nếu đứng độc lập không có âm cuối vần thì chuyển thành ua (mua); ưa (mưa); ia (tia). Hàng trăm năm nay, sự chuyển âm này không còn là vấn đề với người sử dụng tiếng Việt.

Nay theo đề xuất của PGS Bùi Hiền, chữ a chỉ ghi âm a, và các trường hợp a đọc là ô (mua) sẽ trả lại là "muô"; a đọc là ơ (mưa) sẽ trả lại là "mươ"; a đoc là ê (tia) sẽ trả lại là "tiê"; a đọc là ă (tay) sẽ trả lại là "tăy". Tuy nhiên, trường hợp âm â ghi â và ớ như trong các âm tiết: "tân" và "tớ" sẽ là hiện tượng một âm xuất hiện ở hai chữ cái trong khi nếu tuân thủ hệ thống cải tiến theo nguyên tắc một chữ ghi một âm thì chữ "tớ" phải chuyển thành "tấ".

Không biết hai hệ thống ngôn ngữ, con cháu sẽ tiếp nhận di sản văn hóa thế nào?

Một điều nữa cũng được TS. Trịnh Thu Tuyết chỉ ra trong rất nhiều năm gắn bó với văn học và ngôn ngữ nước nhà, đó là sự cải tiến đồng bộ chữ viết tiếng Việt sẽ tạo ra sự đứt đoạn của một giai đoạn văn hoá dân tộc.

“Lần thứ nhất, số đông người Việt Nam đã khó khăn trước những di sản văn hoá, lịch sử sử dụng Hán ngữ, còn lần này lại là khó khăn thật trớ trêu trước di sản sử dụng Việt ngữ!”- TS Tuyết chia sẻ.

Cũng theo TS Trịnh Thu Tuyết, dù PGS Bùi Hiền nói không cần in lại toàn bộ sách báo, ấn phẩm, sách giáo khoa, hợp đồng kinh tế, giấy tờ..., vì cho rằng những người biết quốc ngữ vẫn yên tâm sử dụng tất cả những thứ đó tới hết đời! Tuy nhiên, nếu đề xuất này được thực hiện, những thế hệ con cháu chúng ta sẽ tiếp nhận di sản văn hoá sử dụng chữ quốc ngữ hiện tại như thế nào nếu không biết đồng thời hai hệ thống ngôn ngữ?

Còn với giải pháp "in một số tác phẩm văn thơ cần thiết để phổ cập nhanh chóng" như thời dùng chữ quốc ngữ thay chữ Hán đầu thế kỉ trước, bà cho rằng điều này sẽ mặc nhiên loại bỏ một phần lớn di sản văn hoá dân tộc. Nếu in lại nhiều sẽ là một vấn đề quá lớn cho ngân sách.

“PGS dẫn chứng giấy khai sinh thời Pháp in ba thứ chữ: chữ Pháp, chữ Nho, chữ quốc ngữ (!). Nếu theo sáng kiến này, lượng tiền của, công sức, thời gian... in ấn sẽ lớn gấp bao nhiêu lần 9% tiết kiệm được mà ông cho rằng cải tiến mới sẽ đem lại?”- TS Tuyết đặt câu hỏi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm