Từ 1/6/2017: Cấm tiết lộ đời tư của trẻ em

09/05/2016 - 12:59
Luật Trẻ em là đạo luật thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật cũ. Trong đó, đáng chú ý là trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư…

Theo bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Luật Trẻ em 2016 quy định các chính sách cơ bản của Nhà nước để đảm bảo trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đảm bảo điều kiện vui chơi giải trí…

img_0257.JPG
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan giới thiệu về Luật Trẻ em.

Ngoài các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được nêu trong Luật năm 2004, Luật trẻ em quy định thêm các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc (Điều 10).

Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, Luật Trẻ em 2016 đã có các quy định nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, như: Cấm tước đoạt quyền sống của trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em;...

Điều 21 về Quyền bí mật đời sống riêng tư, quy định:

  1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;
  2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư).
    te1.jpg
    Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân...

Về các quyền và bổn phận của trẻ em, bà Lan cho rằng, trên cơ sở Hiến pháp 2013 và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật trẻ em quy định 25 nhóm quyền của trẻ em với một số quyền được bổ sung hoặc cụ thể hơn như: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột lao động, không bị bạo lực, không bị mua, bán bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.

Về bảo vệ trẻ em, Luật Trẻ em 2016 quy định cụ thể các yêu cầu bảo vệ trẻ em, các cấp độ bảo vệ trẻ em; trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em…

Các biện pháp bảo vệ trẻ em được quy định cụ thể từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp cùng với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình… để đảm bảo trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại.

Ngoài ra, Luật Trẻ em 2016 cũng quy định rõ phạm vi, hình thức và các biện pháp để bảo đảm trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em trong quá trình xây dựng, triển khai chính sách… có liên quan đến trẻ em trong gia đình, nhà trường…

Luật trẻ em sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2017.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm