Từ 1/6, kinh doanh karaoke quá 12 giờ đêm sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng

Hà Khê
31/05/2021 - 11:52
Từ 1/6, kinh doanh karaoke quá 12 giờ đêm sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng

Ảnh minh họa

Nói tục, chửi thề, ăn mặc phản cảm ở lễ hội sẽ bị phạt tiền tới 500 nghìn đồng; kinh doanh karaoke quá 12 giờ đêm bị phạt tới 30 triệu đồng… Đó là những quy định có hiệu lực từ 1/6/2021.

NÓI TỤC, CHỬI THỀ, ĂN MẶC PHẢN CẢM Ở LỄ HỘI BỊ PHẠT TỚI 500.000 ĐỒNG

Từ ngày 1/6/2021, Nghị định 38/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thay thế Nghị định 56/2006/NĐ-CP, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo.

Nghị định này đã quy định về xử phạt hành chính đối với một số hành vi trong tổ chức lễ hội.

Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng nếu bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích…

Ngoài ra, Nghị định nêu rõ mức phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng đối với hành vi chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/6/2021.

KINH DOANH KARAOKE QUÁ 12 GIỜ ĐÊM BỊ PHẠT ĐẾN 30 TRIỆU ĐỒNG

Cũng tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động kinh doanh karaoke.

Theo đó, phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm một trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày; sửa chữa, tẩy xoá hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke.

Từ 1/6/2021, kinh doanh karaoke quá 12 giờ đêm sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng (ảnh minh họa)

Từ 1/6/2021, kinh doanh karaoke quá 12 giờ đêm sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng (ảnh minh họa)

Đáng lưu ý, phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng với hành vi chốt cửa bên trong phòng hát karaoke.

Nghị định cũng quy định mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với hành vi không mặc trang phục hoặc không đeo biển tên do người sử dụng lao động cung cấp. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp trang phục hoặc không cung cấp biển tên cho người lao động.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/6/2021.

THÀNH LẬP TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM PHẢI KÝ QUỸ 300 TRIỆU ĐỒNG

Nghị định 23/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Theo đó, để được cấp giấy phép, doanh nghiệp cần thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng, có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh thuộc sở hữu của mình hoặc thuê ổn định theo hợp đồng từ 3 năm trở lên.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên hoặc có từ đủ 2 năm kinh nghiệm làm chuyên môn, quản lý về dịch vụ việc làm.

Ngoài ra, theo Nghị định này, để thành lập Trung tâm dịch vụ việc làm, một trong những điều kiện bắt buộc là phải có ít nhất 15 người làm việc là viên chức.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/6/2021.

THÊM CÁCH TRA CỨU THÔNG TIN VỀ BẢO HIỂM

Từ ngày 1/6/2021, Nghị định 43/2021 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm của Chính phủ có hiệu lực. Cơ sở dữ liệu này có nhiều thông tin liên quan đến BHXH, BHYT của người tham gia.

Cụ thể về BHYT: Có mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 5 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng.

Về BHXH: Có mã số bảo hiểm xã hội; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội…

Về bảo hiểm thất nghiệp: Có quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đồng thời, cá nhân được trích xuất thông tin của mình; dữ liệu trích xuất được ký số bởi BHXH Việt Nam và có giá trị như văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, ngoài các cách tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT đang áp dụng hiện nay là qua website của BHXH Việt Nam, qua việc gửi tin nhắn đến đầu số 8079 hoặc qua ứng dụng VssID, thì sắp tới, người tham gia bảo hiểm còn có thêm một cách khác là tra cứu thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.

ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CÔNG NHẬN VĂN BẰNG DO NƯỚC NGOÀI CẤP

Đây là nội dung được thể hiện tại Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo Thông tư, văn bằng do các trường ở nước ngoài cấp được công nhận tại Việt Nam nếu chương trình học có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng 1 trong 2 điều kiện sau:

- Chương trình học đã được kiểm định chất lượng giáo dục tương ứng với hình thức đào tạo;

- Trường được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng…

Thủ tục công nhận văn bằng do nước ngoài cấp được thực hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, cần gửi thêm các loại giấy tờ sau để minh chứng để xác thực văn bằng:

-  Bản sao văn bằng hoặc bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt và bản sao văn bằng, chứng chỉ có liên quan trực tiếp;

- Bản sao phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt;

Thời gian trả kết quả là 20 ngày làm việc, hoặc tối đa 45 ngày làm việc trong trường hợp cần xác minh.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/6/2021.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm