Theo giới phân tích tài chính, nếu như những lần tăng giá trước đây chủ yếu có nguyên nhân từ sự “kích động” của giới đầu cơ và phần lớn là do… tùy hứng, thì lần tăng giá này lại có nguyên nhân rất cụ thể có liên quan tới cấu trúc tài chính truyền thống.
Cụ thể, Tập đoàn tài chính JPMorgan Chase của Mỹ - một tổ chức tài chính hàng đầu thế giới hiện nay, được cho là có thể sẽ cung cấp danh mục đầu tư liên quan Bitcoin cho khách hàng. Thông tin này được loan bởi Bloomberg – hãng tin chuyên về tài chính cũng uy tín nhất nhì thế giới hiện nay.
Diễn biến mới liên quan đến JPMorgan Chase thực sự khiến nhiều người sửng sốt. Trong đó, rất nhiều “antifan” tiền ảo (những người chủ trương tẩy chay tiền ảo) đã buộc phải nhìn nhận lại quan điểm của mình. Bởi chỉ mới trước đó ít lâu, chính ông Jamie Dimon, Tổng giám đốc JPMorgan Chase, đã lớn tiếng cảnh báo rủi ro về Bitcoin, thậm chí cho rằng “chỉ những người ngu ngốc mới đầu tư vào tiền ảo”.
Không chỉ riêng JPMorgan Chase, mà nhiều tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới khác cũng không còn giữ thái độ “quay lưng” với tiền ảo như trước. Những ngày gần đây, báo chí dồn dập đưa tin: Sàn giao dịch CME (Mỹ) sắp đưa ra dịch vụ giao dịch có kỳ hạn dành cho Bitcoin; Citibank và Goldman Sachs (Mỹ) cũng úp mở chuyện xem xét nghiên cứu công nghệ nền tảng của tiền ảo; Công ty quản lý quỹ Tobam ở châu Âu đang đưa Bitcoin vào danh mục đầu tư…
Như vậy, có thể thấy là mặc dù tiền ảo nói chung, Bitcoin nói riêng, không định vị giá trị theo phương pháp truyền thống, cũng không được quản lý theo phương pháp thông thường như các đồng tiền khác, nhưng sự tồn tại với quá nhiều diễn biến bất ngờ vượt ngoài sức tưởng tượng của hầu hết mọi người của tiền ảo đã khiến những tổ chức tài chính lớn trên thế giới không thể ngồi yên giữ thái độ bảo thủ.
Lợi nhuận mà tiền ảo mang tới cho một số “tín đồ ruột” của mình là vô cùng lớn – đó là thực tế không thể phủ nhận. Và chỉ riêng khoản lợi nhuận béo bở ấy cũng đủ khiến các “ông lớn” tài chính cảm thấy cần phải nhanh chóng nhập cuộc.
Và, theo quy luật cộng hưởng, một khi có sự góp mặt của những tổ chức tài chính – với những khối tiền vật chất khổng lồ hiện hữu, thì chắc chắn sức hấp dẫn của Bitcoin sẽ còn lớn hơn nữa, và khả năng đồng tiền ảo tiếp tục tăng giá mạnh mẽ trong thời gian tới là điều không khó dự báo.
Bởi lúc này, Bitcoin không còn là “tiền ảo” như trước nữa, mà nó sẽ trở thành tài sản thật. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình “phình to” của quả bong bóng trở nên nhanh chóng hơn. Để đến một lúc nào đó – có thể là không quá xa, khi giới đầu tư quá “say máu”, thì “bong bóng” Bitcoin sẽ phát nổ. Đó sẽ là thảm họa thật sự, bởi những nạn nhân khi ấy không chỉ là những “tín đồ” của tiền ảo, mà còn là nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác – có thể là cả những “đế chế” kinh doanh hùng mạnh cũng sụp đổ theo!
và có thể tăng với cấp số nhân trong thời gian tới. Nhưng cùng với đó, nhiều ẩn họa cũng lớn dần với cấp độ tương đương.
Đón nhận những thông tin “gây sốc” từ Bitcoin, nhiều người đang tỏ ra rất hào hứng, nhưng xen vào đó là những nỗi lo sợ…