pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tự nhiên miệng bị ngứa là bệnh gì? Miệng ngứa nổi mụn có nguy hiểm không?
Ảnh minh họa
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bạn có thể gặp phải một loạt triệu chứng kèm theo ngứa miệng như:
- Cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran trong miệng - lưỡi hoặc cổ họng.
- Cổ họng, lưỡi và môi bị sưng.
- Có cảm giác ngứa như kiến bò ở một hoặc cả hai ống tai.
- Sổ mũi, hắt hơi.
- Ho khan.
- Chảy nước mắt.
1. Nguyên nhân gây ngứa miệng là gì?
Có một số lý do khiến miệng bạn tự nhiên bị ngứa, một số nguyên nhân phổ biến gồm:
1.1. Dị ứng
Nếu bạn bị ngứa miệng, bạn có thể bị dị ứng với thực phẩm hoặc phấn hoa gọi là hội chứng dị ứng miệng. Hội chứng này bắt đầu ở tuổi thiếu niên tới khi trưởng thành.
Ngoài ngứa miệng thì dị ứng có thể khiến bạn bị sưng các mô trong và xung quanh miệng, ngứa ran trong miệng, ngứa ống tai và miệng có vị kì lạ.
Mặc dù triệu chứng dị ứng có thể nhẹ và thường không kéo dài quá 20 phút nhưng đôi khi có thể trở thành phản ứng nghiêm trọng nguy hiểm tới tính mạng với các triệu chứng như khó thở, da tím tái, nôn mửa, tim đập nhanh, họng căng cứng, ngất xỉu, phát ban, sưng đường thở,...
1.2. Herpes môi
Herpes môi còn gọi là vết loét lạnh (cold sore), là những mụn nước nhỏ, chứa dịch nằm trên và xung quanh môi. Bệnh do virus Herpes simplex gây ra và rất dễ lây lan. Khi mụn rộp xuất hiện, bạn có thể bị ngứa miệng, ngứa ran quanh môi.
Herpes môi sau khi vỡ sẽ đóng vảy và tạo thành vết loét trên miệng tới 2 tuần.
1.3. Nhiễm trùng nấm men
Nếu miệng thường xuyên bị ngứa, có thể là bạn bị nhiễm trùng nấm men trong miệng hay còn gọi là nấm miệng (oral thrush).
Các loại nấm Candida albicans tích tụ trên niêm mạc miệng. Gây tổn thương răng miệng màu trắng kem, thường là trên lưỡi, má trong, amidan, nướu hoặc vòm miệng. Các tổn thương có thể gây đau và bị chảy máu một chút khi cạo.
Triệu chứng của bệnh nấm miệng bao gồm khô miệng, nóng rát hoặc đau nhức trong miệng, chảy máu, da bên ngoài miệng cũng bị nứt nẻ - đặc biệt là ở khóe miệng. Một số trường hợp bị nấm miệng có thể bị mất hương/mùi vị.
1.4. Sốc phản vệ
Nếu bạn bị tức ngực đột ngột, khó nuốt hoặc khó thở kèm theo sưng lưỡi, sưng cổ họng hoặc sưng môi thì bạn có thể đang bị sốc phản vệ. Sốc phản vệ là tình trạng quá mẫn nghiêm trọng với chất gây dị ứng gây ra phản ứng miễn dịch toàn thân một cách "quá mức".
Sốc phản vệ có thể được kích hoạt do dị ứng với vết côn trùng cắn, nọc độc, thuốc (chẳng hạn như thuốc kháng sinh), thực phẩm, phấn hoa,... Sốc phản vệ đe dọa tính mạng và cần phải tiêm epinephrine ngay lập tức. Nếu không được điều trị, sự kết hợp của huyết áp thấp nghiêm trọng (hạ huyết áp), sưng tấy làm hẹp đường thở và viêm toàn thân có thể dẫn đến suy nội tạng và tử vong.
1.5. Tác dụng phụ của thuốc gây ngứa miệng
Một số loại thuốc có thể gây viêm niêm mạc miệng (nhiệt miệng) hoặc khô miệng - một trong hai tình trạng này đều có thể khiến bạn bị ngứa miệng. Những loại thuốc gây ngứa miệng thường là thuốc trong điều trị ung thư:
- Afinitor hoặc Zortress (everolimus)
- Gilotrif (afatinib)
- Nexavar (sorafenib)
- Tarceva (erlotinib)
- Vizimpro (dacomitinib).
Nói chuyện với bác sĩ chủ trị nếu bạn bị ngứa miệng sau khi bắt đầu dùng thuốc hoặc điều trị ung thư.
1.6. Nhiễm virus
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus như cúm, cảm lạnh thông thường và COVID-19 cũng có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch dẫn đến viêm trong khoang miệng và các triệu chứng như đau hoặc ngứa cổ họng và ngứa miệng.
Nhiễm virus cũng có nhiều khả năng là nguyên nhân gây ngứa miệng nếu bạn cũng có các triệu chứng như mệt mỏi, hắt hơi, sốt và đau nhức toàn thân.
1.7. Một số dạng ngứa miệng khác
- Ngứa miệng và cổ họng là bị gì?
Nếu bạn bị ngứa miệng và cổ họng, nguyên nhân gây ra có thể là do dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, dị ứng thuốc, dị ứng theo mùa hoặc nấm miệng. Lưu ý dị ứng nghiêm trọng có thể gây sốc phản vệ.
- Ngứa miệng và ngứa môi
Nếu cả môi và miệng của bạn đều bị ngứa, điều này có thể do Herpes miệng, nấm miệng hoặc dị ứng thực phẩm thể nhẹ.
- Ngứa miệng sau khi ăn
Ngứa miệng sau khi ăn có thể do bị dị ứng thực phẩm từ nhẹ tới nặng, dị ứng thuốc, hội chứng dị ứng miệng.
2. Bị ngứa miệng khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngứa miệng là gì bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị ngứa miệng khác nhau. Nếu bạn gặp các triệu chứng ngứa miệng tái phát nhiều lần, các triệu chứng toàn thân liên quan như phát ban hoặc nổi mề đay hay các triệu chứng này của bạn kéo dài hơn 30 phút, hãy thăm khám bác sĩ.
Nếu ngứa miệng kèm theo sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, đó có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng và bạn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp ngay lập tức.
Nếu miệng bị ngứa có nguyên nhân do vi khuẩn (chẳng hạn như nấm Candida,...) bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh để loại bỏ yếu tố gây viêm nhiễm.
Trong trường hợp ngứa miệng là do dị ứng, bạn cần kiểm tra bằng các xét nghiệm dị nguyên có thể gây dị ứng để phòng tránh sau này, dùng thuốc kháng histamine hoặc một vài lựa chọn khác để giảm nhẹ triệu chứng.
Để phòng tránh ngứa miệng, ngoài việc phòng tránh các dị nguyên gây dị ứng đã biết, bạn cũng cần có lối sống lành mạnh và vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày chẳng hạn như đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, súc miệng sau khi sử dụng thuốc hít corticosteroid, bỏ hút thuốc lá, tránh hút thuốc thụ động,...
Trên đây là một số nguyên nhân khiến bạn tự nhiên bị ngứa miệng. Bất cứ khi nào nghi ngờ miệng bị viêm nhiễm bạn đều cần thăm khám bác sĩ để tránh nguy hiểm tới tính mạng.