Từ trẻ nhỏ đến trung niên đều gắng giữ hồn cho đờn ca tài tử
31/08/2018 - 14:17
Chị Cẩm Linh tâm sự: “Mặc dù kinh phí hoạt động của Câu lạc bộ đờn ca tài tử rất eo hẹp, mọi chi phí về quần áo, đạo cụ, trang điểm, đi lại, ăn uống… đều do thành viên đóng góp nhưng không ai thấy nản. Chỉ là bởi đam mê!”.
Mê đờn ca, dù về một mình đường xa, đêm khuya cũng không từ bỏ
Một buổi tối cuối tuần của tháng 8/2018, để đến tham dự đêm biểu diễn đờn ca tài tử dành cho những người chuyên và không chuyên ở Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, chị Cẩm Linh phải rời nhà từ rất sớm. Chị một mình chạy xe honda từ tận dưới xã Tân Dương, huyện Lai Vung - cách địa điểm biểu diễn phải gần 30km. Chị bảo: "Đấy là đêm nay mình không có suất biểu diễn, chỉ là anh trai được mời đến chơi đờn nên mình cũng đi theo”. Lý do phải “lặn lội”như vậy với đờn ca tài tử, chị chia sẻ: “Chỉ là bởi đam mê”.
Chị Cẩm Linh kể, ngay từ nhỏ mình đã mê mẩn bộ môn nghệ thuật này. Nhà chị có 6 anh chị em thì trong đó có tới 3 người là “chìm đắm” vào nó. Hai người anh trai theo đuổi bộ môn đờn (đờn cò và đờn guitar) còn chị thì thích ca. Hồi nhỏ, nhà không có điều kiện để đi nghe những buổi trình diễn trực tiếp nên chị chỉ có thể tìm đến với đờn ca tài tử thông qua radio. Ngày ấy, trên đài có phát sóng chương trình, lại còn dạy hát, chị cứ nghe rồi tập hát theo.
Đến năm 1997, ở trên Cao Lãnh có những nhóm người yêu thích đờn ca tài tử tụ hợp lại theo kiểu nhóm nhỏ, các anh chị theo người ta đi chơi đàn, vậy là chị cũng xin được đi theo luôn… Kể từ đó, tối thứ 7 cuối tuần, nhóm hay lại tụ hợp ở nhà của người trưởng nhóm để gặp gỡ, tập luyện. Dù đường sá xa xôi, có những đêm về khuya một mình chạy honda qua những quãng đường vắng vẻ, chị Cẩm Linh thấy rất sợ hãi. Tuy nhiên, tiếng đờn, nhịp điệu, lời ca… cứ gọi mời, nên chị hầu như không mấy khi vắng mặt.
Ban đầu, chị Cẩm Linh cùng anh chị em trong nhóm chỉ sinh hoạt, tập và biểu diễn cho nhau xem; về sau, nhóm phát triển lên thành Câu lạc bộ, được hơn 10 thành viên, quy mô hoạt động cũng lớn hơn nên cũng bắt đầu nhận được những lời mời đi biểu diễn ở địa phương rồi tham gia các hội thi.
Năm 2002, chị Cẩm Linh và nhóm từng đi tham dự cuộc thi đờn ca tài tử Nam bộ ở Bạc Liêu và đã vinh dự đoạt giải Huy chương bạc cá nhân, Huy chương Vàng cả đoàn. Chị bảo: “Mặc dù kinh phí hoạt động của Câu lạc bộ đờn ca tài tử rất eo hẹp, mọi chi phí về quần áo, đạo cụ, trang điểm, đi lại, ăn uống… đều do thành viên đóng góp nhưng không ai thấy nản”. Ngoài thời gian đi tham gia câu lạc bộ, ngay cả lúc ở nhà dù là rảnh rỗi hay đang dọn dẹp, nấu ăn… chị Linh cũng vẫn ngâm nga tập hát. Chị chia sẻ: “Mình không bao giờ có ý định từ bỏ nó, bởi một phần là mình được theo đuổi đam mê, phần khác là cũng muốn cố gắng duy trì loại hình nghệ thuật này để ngày càng có nhiều người được nghe, xem hơn, nhất là với khán giả trẻ, để đờn ca tài tử không bị mai một”.
Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (năm 2013). Đờn ca tài tử xuất hiện từ hơn 100 năm trước - tức cuối thế kỷ XIX do 3 nhạc sư gốc Trung bộ sáng tạo nên và trở thành một loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.
Đờn ca tài tử là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, cũng có cách tân bằng cách thay thế đàn bầu (độc huyền cầm) bằng cây guitar phím lõm. Giới chơi nhạc đờn ca tài tử lựa chọn ra được 20 bài bản tiêu biểu cho 4 hơi điệu, gồm: 06 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 03 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả những cảnh sầu não, đau buồn, chia ly). Tất cả được gọi chung là “20 bài bản tổ”.
Mong có nhiều bạn nhỏ cũng mê đờn ca tài tử như mình
Cùng xuất hiện trong đêm biểu diễn ở Bảo tàng thành phố Cao Lãnh đêm ấy còn có Tường Vi. Em còn rất nhỏ, năm nay mới lên lớp 9 (ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Tường Vi cho biết mặc dù ở nhà không có ai theo đuổi loại hình nghệ thuật này nhưng ngay từ nhỏ, em nghe thì thấy đã rất thích. Em có giọng hát hay nên đã thường khi vào lớp 5 thì được cha mẹ tìm thầy về đờn ca tài tử trong vùng để nhờ dạy em hát. Học được thời gian thì Tường Vi bắt đầu đi tham dự các hội thi về giọng ca nhí rồi thật bất ngờ là đã 2 lần từng đoạt được giải Huy chương đồng và Huy chương vàng của tỉnh. Kể từ đó đến nay, ngoài việc học, vui chơi Tường Vi thường xuyên tập ca để luyện giọng, thuộc lời. Em cũng hay được mời đi biểu diễn ở các buổi liên hoan văn nghệ trong tỉnh.
Tường Vi tâm sự: “Em thường thích biểu diễn đơn ca những bài như Ngũ đối hạ - Nhớ mùa thu lịch sử, những bài có nội dung ca ngợi về quê hương, đất nước, Bác Hồ… khi ấy, em vừa muốn truyền tình yêu đờn ca tài tử đến với nhiều khán giả vừa muốn có nhiều bạn bè bằng tuổi mình cùng được nghe”.
Cùng ở độ tuổi trung học cơ sở với Tường Vi còn có Hoàng Văn Luôn năm nay học lớp 9 ở Thành phố Cao Lãnh. Khác với Tường Vi, Luôn từ nhỏ sinh ra đã được đắm chìm vào từng tiếng đờn da diết vì cha em chơi các loại đờn rất giỏi. Ngay từ khi 4-5 tuổi, Luôn đã chạm vào đờn và làm bạn cùng đờn. Đến chừng lớp 4 lớp 5, Văn Luôn đã có thể theo cha đi tham dự các sự kiện - lễ và đánh đờn cò, đánh mõ… Năm 2018, cha mẹ bắt đầu đi tìm thầy để em được học một cách chuyên nghiệp.
Đến nay, mỗi khi ở địa phương có những buổi liên hoan, sinh hoạt văn nghệ về đờn ca tải tử là Văn Luôn lại được các Câu lạc bộ mời đi biểu diễn để độc tấu các loại độc huyền, đàn cò, đàn nhị… Văn Luôn khoe, hiện em đã có thể chơi được thành thạo 15 bài bản cổ.
Tại TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, hiện có khoảng 60 câu lạc bộ đờn ca tài tử, sinh hoạt khắp 15 xã/phường, duy trì sinh hoạt sinh theo tuần, tháng, hoặc quý… Mỗi câu lạc bộ trung bình có khoảng trên dưới 10 thành viên là những người yêu thích loại hình nghệ thuật này. Trong câu lạc bộ, có những nghệ nhân ca, chơi đờn hoặc tự sáng tác, tự ca và tự đờn…
Nội dung các bài hát, bên cạnh lời cổ còn là viết lời mới ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, con người, sự đổi thay của quê hương, những việc làm, cuộc sống giản dị của người dân vùng sông nước… Các câu lạc bộ đờn ca tài tử tại địa phương hiện được đánh giá là hoạt động tốt, mang đến cho khán giả niềm phấn khởi về tinh thần, là động lực giúp các thành viên trong câu lạc bộ, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể đảm nhiệm được vai trò là người “giữ hồn” cho loại hình nghệ thuật này và duy trì được ngọn lửa đam mê của bản thân...
* Xem trích đoạn "nghệ nhân nhí" Tường Vi ca bài "Nhớ mùa thu lịch sử":