pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tự truyện đậm chất văn chương của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị

Tác giả Phạm Quang Nghị trong buổi ra mắt sách "Đi tìm một vì sao"
Sáng 21/4, buổi ra mắt cuốn tự truyện Đi tìm một vì sao của tác giả Phạm Quang Nghị đã được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam và Văn hóa đọc 2022.
Tới dự chương trình có ông Ngô Văn Du (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm UB Kiểm tra TW Đảng), nhà báo Hà Đăng (nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW), ông Đào Đức Toàn (Trợ lý Tổng Bí thư), ông Nguyễn Văn Phong (Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)… cùng bạn bè của tác giả trong giới văn hóa nghệ thuật cùng đông đảo độc giả.

Tự truyện "Đi tìm một vì sao" của tác giả Phạm Quang Nghị
Trong Đi tìm một vì sao, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Phạm Quang Nghị đã kể lại câu chuyện đời mình một cách trung thực với một tình yêu cuộc sống mãnh liệt. Cùng với những ký ức sống động là những chiêm nghiệm sâu sắc mà chính tác giả nhận ra trong đời sống, mỗi câu chuyện thường ngày được tác giả kể đều chứa đựng trong đó những tầng sâu suy tưởng và những thông điệp đong đầy yêu thương.
"Không ít lần tôi tự hỏi, vậy vì sao nào là chính tinh, định mệnh cuộc đời mình trên bầu trời bao la và sâu thẳm ấy? Tôi nhìn thật lâu lên khoảng không bao la, hết đêm này qua đêm khác, qua một thời tuổi thơ và cho tới tận bây giờ tôi cũng không thể nào biết được. Tôi không nhìn thấy vì sao nào là của mình, nhưng tôi biết tất cả các vì sao trên bầu trời, cho dù có nhỏ bé li ti đến mấy, mỗi vì sao cũng đều tỏa ra ánh sáng lấp lánh, xa gần khác nhau. Giống như sự muôn vẻ của con người sống trên thế gian, ai cũng đã góp một phần làm nên vẻ đẹp, sự hấp dẫn và phong phú đến lạ thường của cuộc sống".
Phạm Quang Nghị
Chia sẻ về lý do ra đời của cuốn sách, tác giả Phạm Quang Nghị cho biết: Trong quá trình được sống, được đi, được tiếp xúc, được lắng nghe và trò chuyện, ông thấy có rất nhiều điều bổ ích và đáng nhớ. Vì vậy, ông muốn kể cho nhiều người cùng nghe và hồi tưởng lại chặng đường đã đi qua với biết bao điều đáng nhớ, đáng kể.
"Những vấn đề được đề cập trong sách là những câu chuyện tôi nhớ không bao giờ quên, từ khi bắt đầu có sự nhận biết, lúc bé thơ theo mẹ ra đồng, ngồi bên quang gánh của mẹ, một bên là tôi, một bên là phân gio... Cuốn sách trải dài theo thời gian trong suốt gần 70 năm cuộc đời, từ khi tôi bắt đầu có lý trí cho tới khi về hưu, ít phải lo nghĩ công việc riêng, chung. Không gian trong cuốn sách thì mênh mông, từ Trường Sơn tới Trường Sa, từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, những nơi tôi đã đi qua trong chiến tranh, lúc hòa bình", tác giả Phạm Quang Nghị cho biết.
Nhận xét về cuốn sách, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng: "Đi tìm một vì sao là một tự truyện đậm chất văn chương", "Có nhiều trang viết là những trang văn chân thực, đẹp và có sức quyến rũ mạnh mẽ với người đọc".

Buổi ra mắt tự truyện "Đi tìm một vì sao" của tác giả Phạm Quang Nghị thu hút sự quan tâm của giới văn hóa nghệ thuật và độc giả
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, cuốn tự truyện như là bộ hồ sơ cá nhân của một con người. "Là lịch sử của một con người nhưng từ đó người đọc nhìn thấy những thời khắc lịch sử của một dân tộc. Đồng hành cùng dân tộc trong những biến động lớn của lịch sử từ những năm tháng chiến tranh cho đến những năm tháng hòa bình, mỗi ngày của ông đều chứa đựng một phần những sự kiện của đất nước và trong những sự kiện của đất nước có đời sống cá nhân ông. Đấy chính là sự hấp dẫn và là giá trị của cuốn tự truyện Đi tìm một vì sao", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định.
Còn nhà báo Hà Đăng – nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW thì cho rằng: "Đi tìm một vì sao có rất nhiều trang viết hấp dẫn khiến người đọc ước ao một lần trải nghiệm… Rất nhiều trang gây xúc động bởi cách viết, cách kể mộc mạc, chân thật, sống động của một thứ văn chương không cần đến sự tưởng tượng và hư cấu. Từ ngôn từ đến sự kiện, không gian, thời gian, địa danh, tên người và những nghĩ suy, cảm xúc của tác giả. Tất cả đều chân thật và có thật".