Từ vụ cháy chung cư Carina: Cần giải mã 2 nội dung chính

26/03/2018 - 07:45
Vụ cháy chung cư Carina ở TPHCM gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với 13 người chết, nhiều tài sản bị hư hỏng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ nguyên nhân cũng như đảm bảo quyền lợi cho cư dân.

Rạng sáng 23/3/2018 vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina Plaza, TP. Hồ Chí Minh đã làm cho 13 người tử vong, nhiều người bị thương. Hậu quả mà bà hỏa để lại là những nỗi đau, nhiều mất mát và xót xa cho thân nhân của người bị nạn và toàn xã hội. Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, các cơ quan chức năng cần sớm xem xét, giải quyết vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Có lẽ cần đặt vụ việc tại chung cư Carina Plaza trong tổng thể những tranh chấp tại các chung cư hiện nay. Tranh chấp chung cư thì có nhiều dạng, từ tranh chấp về phí dịch vụ, chất lượng dịch vụ, chất lượng các hạng mục công trình, sở hữu chung, sở hữu riêng… Đa số những tranh chấp này kéo dài, xảy ra thường xuyên, liên tục tại một số chung cư.

Để giải quyết vấn đề này, cần giải mã 2 nội dung chính đó là quy định pháp luật liên quan và cơ quan nào kiểm tra, giải quyết.

Quy định pháp luật về chung cư thì đã có và tương đối đầy đủ, đơn cử như trong Tiêu chuẩn Việt Nam về phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình-trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng...

Tiêu chuẩn Việt Nam 3890:2009 quy định phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình gồm: Bình chữa cháy (loại xách tay, loại có bánh xe, loại tự động); hệ thống báo cháy tự động; hệ thống chữa cháy; phương tiện chữa cháy cơ giới; phương tiện cứu người trong đám cháy; phương tiện bảo hộ chống khói (khẩu trang lọc độc, mặt trùm lọc độc); phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn; dụng cụ phá dỡ thông thường; dụng cụ chữa cháy thô sơ; chất chữa cháy (nước, bọt, bột, khí).

Ngoài ra, Quy chuẩn Việt Nam 06:2010/BXD cũng quy định Cửa thoát hiểm phải luôn đóng kín. Cửa của các lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Trong các nhà chiều cao lớn hơn 15m, các cánh cửa này, ngoại trừ các cửa của căn hộ, phải là cửa đặc hoặc với kính cường lực. Đối với các buồng thang bộ, cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa trong buồng thang bộ mở trực tiếp ra ngoài cho phép không có cơ cấu tự đóng và không cần chèn kín khe cửa. Các cửa của lối ra thoát nạn từ các gian phòng hay các hành lang được bảo vệ chống khói cưỡng bức, phải là cửa đặc được trang bị cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa này nếu cần để mở khi sử dụng, thì phải được trang bị cơ cấu tự động đóng khi có cháy…

chay-chung-cu-carina1.jpg
Lực lượng chức năng đang kiểm tra hiện trường vụ cháy kinh hoàng làm 13 người chết tại chung cư Carina Plaza. ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 

 

Quy định pháp luật là vậy nhưng để những quy định này đi vào thực tiễn của đời sống chung cư thì phải có tổ chức, cá nhân thường xuyên kiểm tra, theo dõi. Mà cách tốt nhất, phù hợp nhất đó là cư dân phải tự theo dõi và khi phát hiện có vấn đề thì cần thông báo cho các cơ quan chức năng và cơ quan chức năng cần sớm xem xét, giải quyết.

Thực tế cho thấy, cư dân rất chủ động trong việc phát hiện vấn đề, phát hiện những bất cập của chung cư và thường xuyên khiếu nại nhưng đôi lúc, đôi chỗ, cơ quan chức năng còn chậm chạp trong giải quyết. Chính vì vậy, cũng phải đặt ra vấn đề về trách nhiệm của cơ quan chức năng để không nên tái diễn các vụ việc tương tự như xẩy ra tại chung cư Carina Plaza.

Thiết nghĩ, căn cứ quy định của Bộ luật hình sự hiện hành đã có cơ sở để cơ quan cảnh sát điều tra xem xét tiến hành khởi tố vụ án tại chung cư Carina Plaza và tổ chức điều tra về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (điều 313 BLHS) và hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của cá nhân có trách nhiệm trong vụ việc này.

Thiết nghĩ trong thời gian này, những cư dân bị thiệt hại và thân nhân của những người đã bị tử vong hoặc bị thương ngoài việc cần sự “chung tay, góp sức” của tổ chức, cá nhân để sớm bình ổn cuộc sống thì cũng nên bình tĩnh chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền về vụ việc trên, sau đó sẽ yêu cầu tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp nếu có khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự trong vụ án hình sự được đặt ra. Tòa án có thẩm quyết sẽ giải quyết phần bồi thường dân sự trong vụ án hình sự. Nhưng bất luận trong trường hợp nào, cư dân cũng nên tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm để tư vấn, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân.

Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm