pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từ vụ thu hồi kẹo trứng Kinder Surprise: Quyền lợi người tiêu dùng ở đâu?
Kẹo trứng chocolate Kinder Surprise - Ảnh: Reuters
Vừa qua, trước thông tin kẹo trứng chocolate Kinder Surprise của Công ty Ferrero sản xuất tại Bỉ khiến 150 trẻ tại 9 nước châu Âu nhiễm khuẩn Samonella, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thực phẩm, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam thu hồi một số dòng sản phẩm kẹo chocolate Kinder (người tiêu dùng trong nước quen gọi là kẹo trứng). Bộ cũng đề nghị các nhà cung cấp không tiếp tục bán sản phẩm kẹo này cho tới khi có thông báo mới.
Kẹo trứng chocolate Kinder là loại kẹo được nhiều trẻ em Việt Nam yêu thích và sưu tầm. Theo quan sát của phóng viên, loại kẹo trứng này thường được đặt ở vị trí quầy thu ngân, nơi dễ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng khi đến siêu thị, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện ích.
Cơ chế kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu như thế nào?
Đây không phải lần đầu tiên thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam có cảnh báo mất an toàn thực phẩm. Đầu tháng 2/2022, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đã nhận được báo cáo của văn phòng đại diện Công ty Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội về việc thu hồi tự nguyện sản phẩm sữa bột Alimentum đã bán tại Việt Nam do có cảnh báo nguy cơ bị nhiễm cronobacter sakazakii và salmonella newport.
Đề cập đến cơ chế kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu ở Việt Nam, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, những vụ phát hiện thực phẩm có lỗi chất lượng trên phạm vi toàn cầu như vụ nghi có vi khuẩn salmonella trong kẹo trứng Kinder thì thông thường, các nước ghi nhận vụ việc sẽ báo tin cho Infosan, mạng lưới các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quốc tế. Infosan sẽ trích xuất thông tin từ nhà sản xuất xem sản phẩm xuất khẩu đi nước nào và báo cho quốc gia nhập sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... cũng chủ động theo dõi thông tin an toàn thực phẩm ở nước ngoài để cảnh báo sớm.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, cơ chế hậu kiểm được lồng ghép vào các đợt kiểm tra liên ngành hằng năm. Ngoài ra còn có cơ chế giám sát chủ động trên cơ sở phân tích, đánh giá từng sản phẩm cho từng thời kỳ, lấy mẫu kiểm nghiệm. Các cơ quan kiểm tra Nhà nước với thực phẩm nhập khẩu (gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương) đã được phân công theo từng nhóm sản phẩm nên sẽ phối hợp kiểm tra, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, để việc kiểm tra, hậu kiểm với sản phẩm nhập khẩu hiệu quả hơn, cần bố trí thêm kinh phí để lấy được nhiều mẫu thường xuyên. Bởi hiện nay, kinh phí chưa cho phép làm việc này thường xuyên và trên diện rộng.
Cùng quan điểm trên, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho rằng, lượng thực phẩm có trên thị trường rất lớn. Số thực phẩm được hậu kiểm chỉ chiếm một tỉ lệ nhất định. Quản lý chất lượng thực phẩm phải cả quá trình, từ nuôi trồng, thu hái, giết mổ, bảo quản đến chế biến chứ không chỉ quản lý sản phẩm cuối cùng.
"Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với hậu quả do việc thu hồi gây ra"
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các loại thực phẩm nhập khẩu khi giá các mặt hàng này đang rẻ hơn so với trước đây nhờ thuế nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng như thế nào khi sản phẩm không an toàn thì còn nhiều điều cần làm.
Mới đây, chia sẻ tại tọa đàm "Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới", bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cho biết, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến vào dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trên cơ sở thống nhất với các luật khác và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trong dự thảo Luật sửa đổi này dự kiến sẽ bổ sung quy định về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng bền vững, những điều liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người dân vùng cao… và những quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong những giao dịch từ xa như giao dịch qua mạng.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, doanh nghiệp sẽ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, chứng cứ về giao dịch, bảo hành hàng hóa hay thu hồi sản phẩm lỗi và chịu trách nhiệm với những hậu quả do việc thu hồi hàng hóa lỗi gây ra.