Tuần khó khăn nhất trong nhiệm kỳ làm thủ tướng Anh của bà Theresa May

14/01/2019 - 17:54
Ngày 15/1, Quốc hội Anh sẽ đưa ra quyết định đối với thỏa thuận mà bà Theresa May đạt được với Liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rời khối, hay còn gọi là Brexit. Việc này không chỉ định đoạt thỏa thuận Brexit mà còn có thể quyết định chiếc ghế Thủ tướng của bà May.
Cuộc chiến Brexit trong lòng nước Anh
 
Quốc hội Anh đang chờ đợi một cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa lịch sử to lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai vào ngày 15/1 mà kết quả dự đoán không mấy khả quan. Với những tiến triển trong mấy ngày gần đây, có thể thấy rõ khả năng cao dự thảo thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May khó lòng nhận được đủ số phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh. Đây là trở ngại cuối cùng, cửa ải hiểm trở nhất mà Thủ tướng May phải vượt qua trong lộ trình Brexit. Quyết định của Hạ viện Anh có thể mở màn cho một "cuộc chiến Brexit" trong lòng nước Anh, khiến xã hội Anh càng rối ren, đất nước càng bị chia rẽ sâu sắc.
 
quoc-hoi-anh.jpg
Quốc hội Anh

  

Đối mặt với sự bấp bênh lớn như vậy, bà May lên tiếng cảnh báo rằng, sự bác bỏ của Hạ viện đối với thỏa thuận có thể sẽ đồng nghĩa với việc Brexit bị hủy, thay vì nước Anh sẽ ra khỏi EU mà không có thỏa thuận. Theo bà May, việc nước Anh rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu mà không có thỏa thuận sẽ đe dọa an ninh, kinh tế và việc làm của người dân Anh. Bà May cũng nói rằng, thỏa thuận Brexit cần phải được Quốc hội Anh thông qua để giữ các mối quan hệ kinh tế-thương mại của Anh với EU, theo đó đáp ứng mong muốn của những cử tri đã bỏ phiếu chọn ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 6/2016. "Tôi muốn gửi đến quốc hội cuối tuần này một thông điệp đơn giản: Đã đến lúc quên đi những trò chơi chính trị và làm điều đúng đắn cho đất nước", bà nhấn mạnh.
 
Bà May đã mất gần 2 năm để đạt thỏa thuận Brexit với EU. Hiện nữ Thủ tướng Anh đang phải chạy đua với thời gian, cố gắng đạt được thỏa thuận "ly hôn" với EU trước khi Brexit chính thức có hiệu lực vào ngày 29/3. Trước những bế tắc tại quốc hội, nhiều ý kiến lo ngại nước Anh sẽ rơi vào cảnh mất phương hướng sau Brexit, thậm chí không thể rời khỏi EU.
 
theresa-may-brexit-2.png
Bà May giữ vững lập trường Anh có thể rời khỏi EU

  

Một câu hỏi đặt ra lúc này là bà sẽ làm gì tiếp theo nếu thỏa thuận bị Quốc hội Anh bác bỏ? Sự bác bỏ của Quốc hội Anh đối với thỏa thuận đồng nghĩa với việc Anh sẽ phải ra khỏi EU mà không giữ được các mối quan hệ thương mại và kinh tế như hiện nay với khối. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo rằng, một cuộc "ly hôn" như vậy sẽ gây "hỗn loạn", khiến giá đồng Bảng và giá nhà ở Anh lao dốc, đẩy nước này rơi vào một cuộc suy thoái còn tệ hơn cả khủng hoảng tài chính cách đây 1 thập kỷ.
 
Những người ủng hộ Brexit cho rằng, bà May nên đàm phán lại với EU về những điều khoản còn gây nhiều tranh cãi trong thỏa thuận nhưng EU không muốn có thêm nhượng bộ. Yếu tố EU hiện rất quan trọng và EU cũng hiểu nếu không giúp Thủ tướng May bằng cách đưa ra "những cam kết" theo yêu cầu của bà thì kết quả đàm phán 2 năm với Anh có thể sẽ bị "đổ xuống sông, xuống biển", uy tín của EU cũng bị sứt mẻ.
 
Trong khi đó, Công đảng đối lập muốn lật đổ chính phủ của bà May bằng cách tổ chức một cuộc tổng bầu cử mới. Ngày 13/1, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn đã phát tín hiệu muốn có một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ sau vài ngày nếu bà May hứng thất bại trong cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, những nhân vật cao cấp trong Công đảng cũng thừa nhận, việc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhiều khả năng không đạt kết quả như ý vì đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại vùng lãnh thổ Bắc Ireland, vốn giúp đảng Bảo thủ có số phiếu ủng hộ quá bán trong các cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, tuyên bố sẽ ủng hộ chính phủ.
 
Có thể thấy trước "viễn cảnh" quyền lực kiểm soát đàm phán Brexit sẽ được chuyển dần từ chính phủ sang quốc hội. Đó là điều đáng lo ngại nhất bởi nó sẽ tạo ra tiền lệ, quyền điều hành của chính phủ sẽ bị suy yếu khi phải chịu sự can thiệp mạnh mẽ từ quốc hội.
 
Ngành dịch vụ tài chính ảnh hưởng nặng nề
 
Tuy Anh chưa chính thức ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU) nhưng vụ "ly dị" mang tên Brexit này đã khiến ngành dịch vụ tài chính của Anh suy giảm. London lâu nay vốn là trung tâm tài chính số 1 của châu Âu trong nhiều thập kỷ qua, là nơi nhiều ngân hàng toàn cầu chọn đặt trụ sở quốc tế. Ngành dịch vụ tài chính tạo khoảng 2,2 triệu việc làm tại Anh và đóng góp 12,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này. Theo dữ liệu của City of London Corporation, ngành dịch vụ tài chính đóng góp số tiền thuế khoảng 72 tỷ Bảng, tương đương 100 tỷ USD, mỗi năm cho nước Anh. Đến nay, nền kinh tế Anh đã chịu nhiều tác động từ Brexit. Lạm phát tăng mạnh và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm, gây tổn thất cho ngành bán lẻ của nước này.
 
theresa-may-brexit-4.jpg
Thủ tướng Anh Theresa May trao đổi với lãnh đạo EU

  

Trang CNN Business dẫn một báo cáo do công ty tư vấn và kiểm toán EY cho biết, các ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển lượng tài sản trị giá ít nhất 800 tỷ Bảng, tương đương 1 nghìn tỷ USD, từ Anh sang EU vì Brexit. Nhiều ngân hàng đã mở văn phòng mới tại các nước EU nhằm đảm bảo hoạt động tại khu vực sau Brexit, đồng nghĩa với việc họ phải chuyển những tài sản quan trọng hơn đến các văn phòng mới này để thỏa mãn các yêu cầu của EU. Các công ty khác thì dịch chuyển tài sản nhằm bảo vệ khách hàng khỏi biến động thị trường và những thay đổi bất ngờ về quy chế giám sát.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm