Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, tại sân vận động của xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang), một trận thi đấu bóng đá vô cùng hấp dẫn đã diễn ra khi các cô gái mang trang phục truyền thống chính là các cầu thủ thi đấu trên sân.
Trên sân, hơn 20 cô gái rực rỡ trong sắc màu của những bộ váy áo truyền thống hăm hở lao theo trái bóng tròn. Một đội mặc trang phục của người Mông, đội còn lại thì mang trang phục người Tày. Đây là trận giao hữu giữa hai đội bóng đá nữ xã Thổ Bình và xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang). Cứ thế, những bóng hồng bật tường, lừa bóng, qua người, rồi dốc bóng lật cánh và sút.
Ở bên ngoài sân, hàng ngàn người già trẻ lớn bé vây quanh, tiếng reo hò át cả tiếng loa. Những cổ động viên là chồng, con và thậm chí là cả bố mẹ chồng cũng đang hò reo cổ vũ nhiệt tình cho họ. Bên này có mấy người ôm đầu tiếc nuối sau pha bỏ lỡ thì bên kia mấy người nhảy lên cổ vũ reo mừng. Một anh không giấu nổi niềm vui hét lên: "Giỏi quá, vợ ơi...!"
Anh Vương Quốc Long, chồng của một nữ cầu thủ đội Thượng Lâm, cho biết: "Ở địa phương chúng tôi, những trận bóng đã nữ như thế này đều được các ông chồng và đấng mày râu ủng hộ, cổ vũ rất nhiệt tình".
Chị Ma Kim Thoa, thành viên đội bóng xã Thượng Lâm cho biết, những cầu thủ nữ tham gia vào đội bóng thì trước đó đều phải tham gia đá tập vào những buổi chiều. Các công việc nhà cửa, con cái… đều do các ông chồng gánh vác. Cho đến nay, không hề có chị em nào bị chồng kêu than nên chị em càng phấn khởi hăng say tập luyện.
Ông Thái Phong Hào, một du khách đến từ Quảng Trị, vui vẻ cho biết: "Lần đầu tiên tôi được xem một trận bóng đá độc lạ thế này. Các cô ấy mặc trang phục truyền thống đá bóng, còn nam giới ở địa phương thì vô cùng nhiệt tình cổ vũ. Bình đẳng giới là đây chứ là đâu!".
Còn ông Trần Quang Khởi, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: "Để tổ chức những phong trào như thế này cho chị em thi đấu trong dịp lễ lớn của dân tộc, tôi nghĩ không có nhiều địa phương làm được. Đây là điều đáng khen ngợi cho nhân dân địa phương này!".
Là một huyện thuộc vùng sâu vùng xa nhất tỉnh Tuyên Quang, mới chỉ được thành lập từ năm 2011, huyện Lâm Bình xác định một trong những khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là: "Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện".
Theo đó, UBND huyện Lâm Bình đã giao cho Phòng Văn hóa Thông tin phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức các phong trào thể dục thể thao, nhằm tạo điểm nhấn phát triển sản phẩm du lịch địa phương.
Giải bóng đá nữ tại Lâm Bình lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2022 và được UBND huyện xác định là một trong những hoạt động thường niên.
Bà Hứa Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Bình, cho biết, hiện nay chị em tham gia phong trào thể thao ở Lâm Bình phát triển khá mạnh, không chỉ môn bóng đá, mà cả bóng chuyền hơi, cầu lông… Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lâm Bình đều đã thành lập đội bóng đá nữ, các đội bóng thường xuyên luyện tập đã tạo thành phong trào sâu rộng và vô cùng sôi nổi đặc biệt vào các dịp lễ, Tết… Hội LHPN huyện cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tuyên truyền vận động chị em tham gia thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao. Đến nay trên toàn huyện có 165 đội thể thao ở cơ sở, với 2.500 thành viên.
"Huyện Lâm Bình xác định, người dân tham gia luyện tập thể thao để nâng cao sức khỏe, để gắn bó đoàn kết, và còn tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, như mặc trang phục cổ truyền thi đấu bóng đá là điển hình" - bà Hứa Thị Phương cho biết.