Choáng với những... tuyệt chiêu
Câu em tôi là Trưởng phòng kỹ thuật của một công ty kinh doanh máy tính có trụ sở tại Hà Nội. Trong một dịp gặp gỡ, khi đã... ngà ngà say, cậu mới “bật mí” một “bí quyết kinh doanh” mà mới nghe qua, tôi đã... toát mồ hôi hột: “Công ty em rất giàu. Mặc cho bao siêu thị máy tính, điện tử thi nhau phá sản, lợi nhuận công ty em vẫn cứ tăng đều đặn. Bởi bọn em có một “tuyệt chiêu”, đó là “luộc” linh kiện “xịn”, thế vào những linh kiện “dỏm” có giá rẻ hơn nhiều lần”.
Mặc dù hàng nhập về vẫn mang thương hiệu của các hãng nổi tiếng, nhưng linh kiện bên trong thì vô cùng ‘bát nháo’. Ảnh minh họa: internet
Để chứng minh cho “tuyệt chiêu” này, cậu cho biết: Có lần nhập về vài trăm máy laptop của một hãng nổi tiếng, bọn em tháo hết ổ cứng “xịn” ra. Riêng em đem một cái lên Lạng Sơn, liên hệ với một tay “đại diện” của một hợp tác xã bên Trung Quốc, nhờ gia công loại ổ cứng có mẫu mã y chang như vậy. Cứ ngỡ họ phải hẹn một tuần, nửa tháng, ai dè họ bảo ở khách sạn ăn chơi nhảy múa thoải mái, 2 ngày sau họ cung cấp đợt đầu cho 3.000 chiếc, giá chỉ bằng 30% hàng “xịn” trên thị trường. Có nhu cầu thì cứ đặt hàng tiếp, họ sẽ giảm giá thêm cho”.
Là dân đã “chinh chiến” lâu năm trong nghề, nên ngoài “chiêu luộc đồ”, cậu em tôi còn có nhiều “tuyệt chiêu” khác. Ví dụ như đặt hàng tại chính hãng với tiêu chuẩn riêng, tất nhiên là làm thế nào để giá thành càng thấp càng tốt. Và thế là, mặc dù hàng nhập về vẫn mang thương hiệu của các hãng nổi tiếng, nhưng linh kiện bên trong thì vô cùng “bát nháo”. Máy chạy thời gian đầu thì vẫn tốt, nhưng cứ hễ hết thời hạn bảo hành là... lòi ra đủ thứ “bệnh nan y”. “Chị không để ý, chứ dân rành về máy tính thường thắc mắc, tìm những mã máy phổ biến ở nước ngoài tại Việt Nam rất khó. Ngược lại, mang nhiều mã máy của mình ra nước ngoài để tìm một cái y hệt như vậy, có khi đốt đuốc bảy ngày cũng chẳng kiếm ra. Vì những mã ấy chỉ sản xuất riêng cho thị trường nước mình thôi!”.
Bảo hành rồi lại... bảo hành
Cách đây ít lâu, tôi có ý định đổi máy tính. Một số bạn bè khuyên, nên mua máy tại các siêu thị trong nước để được bảo hành. Còn một số người khác lại khuyên, nên gửi người ra nước ngoài mua cho chắc ăn. “Phe” ủng hộ hàng bán ở trong nước bảo là, hàng mua ở nước ngoài lỡ trục trặc chẳng biết kêu ai, chẳng biết đem đến đâu để bảo hành hay... bắt đền. Còn “phe” ủng hộ mua hàng ở nước ngoài thì nói rằng, bảo hành kiểu như mấy siêu thị trong nước thì có cũng như không. Máy gặp trục trặc mang đến, thường bị nhân viên ở đó bảo để máy lại kiểm tra. Sau vài ngày đến nhận máy, dùng mà còn trục trặc nữa thì lại tiếp tục... bảo hành. Cho đến khi chủ máy... phát bực, hết kiên nhẫn vì cứ “bảo hành” hoài mà máy vẫn không hết bệnh, đành tìm cách “tẩy” chiếc máy đi với giá rẻ để tậu chiếc khác...
Lúc ấy, tôi lại chợt nhớ tới câu chuyện về những “tuyệt chiêu” trong kinh doanh của cậu em. Nhưng vẫn hy vọng, những “thông tin” lúc “trà dư tửu hậu” ấy là không có thật. Biết đâu, khi ấy cậu em đang... say rượu nên mới bịa chuyện ra nói cho vui miệng!