Năm lần bảy lượt tôi tìm gặp nhân viên của nhà mạng này để hỏi thăm, thì họ đều làm “mặt lạnh”, trả lời “chưa có chủ trương phát triển ở khu vực này”. Gọi điện vào đường dây nóng để hỏi, thì cô nhân viên trả lời điện thoại cũng trả lời... y chang!
Khi có những hình thức ‘độc quyền trá hình’ thì cuối cùng chỉ người tiêu dùng là phải chịu thiệt. Ảnh minh họa: shutterstock
Cảm thấy khó chịu vì có vẻ như nhà cung cấp dịch vụ không cần... khách hàng, tôi tính chuyển sang sử dụng dịch vụ của một nhà mạng lớn khác là FPT. Hy vọng bùng lên khi nhân viên của FPT tỏ ra sốt sắng, hứa sẽ cử nhân viên đi khảo sát thực địa và lên phương án lắp đặt hệ thống chỉ trong... 3 phút, nhưng ngay sau đó đã bị... tắt ngấm. Nhân viên của FPT sau khi đi thực địa đã báo cáo lại: Khu vực này không có cáp quang của FPT chạy qua.
Thất vọng nhưng tôi cũng hết sức ngạc nhiên, bởi thật khó tin là một nhà cung cấp dịch vụ mạng chịu khó “săn” khách hàng như FPT mà lại có thể “bỏ qua” một khu vực đầy tiềm năng như vậy. Tôi gặng hỏi một cán bộ quản lý khu vực của FPT, ban đầu anh này cố tình lảng sang chuyện khác để khỏi trả lời, nhưng cuối cùng thì anh cũng bật ra câu nói lộ rõ sự bất bình: “Bọn em có mạng ở khắp khu vực xung quanh chỗ chị nhưng riêng dự án nơi có nhà của chị thì không thể vào được!”.
Tôi càng ngạc nhiên hơn, hỏi tại sao, thì anh từ tốn giải thích: Ở các khu dân cư hiện hữu thì các nhà mạng đều có thể cạnh tranh bình đẳng với nhau nhưng riêng một số dự án thì đã có người khác “đăng ký độc quyền” dựa vào các mối quan hệ “tế nhị”. Ở những dự án ấy, ban quản lý có quyền cho hoặc không cho các nhà cung cấp dịch vụ vào phát triển mạng lưới. Cụ thể, dự án nơi tôi ở thì đã có nhà mạng nọ “đặc cục gạch” rồi, coi như họ nắm thế độc quyền. Các nhà mạng khác coi như không có chỗ ở đó!
Hóa ra là vậy. Tiếng là cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng nhưng đây đó vẫn có những hình thức “độc quyền trá hình” như thế. Cuối cùng chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt.