Tỷ lệ an toàn thực phẩm tại Hồng Kông đạt 99,9%

02/05/2018 - 13:05
Ngày 30/4, Trung tâm an toàn thực phẩm (CFS), thuộc Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm Hồng Kông (Trung Quốc), đã công bố kết quả báo cáo an toàn thực phẩm tháng 3 cho thấy, chỉ 4/khoảng 12.000 mẫu thực phẩm thử nghiệm không đạt tiêu chuẩn, tương đương tỷ lệ an toàn 99,9%.

Một phát ngôn viên của Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, khoảng 1.300 mẫu thực phẩm được thu thập để thử nghiệm vi sinh nhằm phát hiện các tác nhân gây bệnh và các chỉ tiêu vệ sinh. Khoảng 3.200 mẫu được thử nghiệm hóa học để xác định dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, chất ô nhiễm kim loại, chất màu, dư lượng thuốc thú y và các chất khác… 7.500 mẫu còn lại (bao gồm khoảng 7.100 mẫu thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản) được kiểm tra mức độ bức xạ.

Hàng nghìn mẫu thực phẩm trên bao gồm: khoảng 3.600 mẫu rau, trái cây và sản phẩm từ trái cây; 700 mẫu thịt, gia cầm và sản phẩm thịt; 1.600 mẫu thủy sản và các sản phẩm liên quan; 800 mẫu sữa, các sản phẩm từ sữa và đồ đông lạnh; 800 mẫu ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc; 4.500 mẫu thực phẩm khác như đồ uống, đồ ăn nhẹ…

ty-le-an-toan-thuc-pham-tai-hong-kong-dat-999.jpg
Kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm tại Hồng Kông trong tháng 3 cho thấy, chỉ 4/12.000 mẫu thực phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn.

Trong 4 mẫu không đạt yêu cầu, có 2 mẫu rau bị phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn pháp lý; 1 mẫu mù tạt có lượng cadmium (một trong 3 kim loại được coi là nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người sau chì và thủy ngân) quá mức; 1 mẫu trái cây cắt có chứa vi khuẩn Salmonella.

Sau thử nghiệm, CFS đã thực hiện theo dõi các mẫu không đạt yêu cầu, bao gồm việc thông báo cho các nhà cung cấp về kết quả thử nghiệm, hướng dẫn họ ngừng bán các mặt hàng thực phẩm không đạt yêu cầu an toàn và truy tìm nguồn của các mặt hàng này.

Kể từ ngày 31/8/2014 khi dư lượng thuốc trừ sâu trong Quy chế thực phẩm (Cap 132CM) có hiệu lực, CFS đã lấy hơn 139.400 mẫu thực phẩm nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ để thử nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu. Tỷ lệ không đạt yêu cầu rất thấp, chỉ dưới 0,2%.

Phát ngôn viên của CFS cho biết, dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm có thể phát sinh từ việc thiếu giám sát trong quá trình canh tác, ví dụ: sử dụng thuốc trừ sâu quá mức hay thu hoạch sớm khiến thuốc sâu không đủ thời gian để phân hủy. Cơ quan quản lý cũng nhắc nhở các cơ sở buôn bán thực phẩm phải đảm bảo thực phẩm bán ra thị trường phù hợp với người tiêu thụ và đáp ứng đủ các yêu cầu pháp lý nhằm giảm thiểu rủi ro từ thực phẩm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm