U máu gan hầu như không có biến chứng ác tính, thường diễn biến ổn định nếu như không có biến chứng tắc mạch hay phát triển về số lượng hoặc kích thước.
Sự phát triển của một số u máu tùy thuộc vào lượng oestrogen và progesteron trong cơ thể. Điều này giải thích cho tần số xuất hiện cao u máu ở những phụ nữ trẻ và một số u máu tăng kích thước nhanh trong thời kỳ phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà khoa học học vẫn chưa tìm thấy mối liên quan giữa u máu gan và việc sử dụng thuốc tránh thai qua đường uống.
Hầu hết các u máu gan không có triệu chứng lâm sàng, được phát hiện tình cờ trên siêu âm, hoặc chụp cắt lớp. Tuy nhiên, những u máu lớn có thể có biểu hiện lâm sàng như đau hạ sườn phải, gan to, hoặc xuất hiện khối u bướu trong ổ bụng.
Những u máu lớn có thể có biểu hiện lâm sàng như đau hạ sườn phải, gan to, hoặc xuất hiện khối u bướu trong ổ bụng. (Ảnh minh họa)
Để chẩn đoán u máu gan chủ yếu dựa vào hình ảnh trên siêu âm, chụp cắt lớp và đặc biệt là hình ảnh chụp trên xạ hình hạt nhân. Chụp xạ hình SPECT với Tc-99 gắn hồng cầu tự thân là phương pháp chẩn đoán không chảy máu, có thể thực hiện nhiều lần. Vì vậy, phương pháp này được coi như là chỉ định hàng đầu trong chẩn đoán u máu gan ở các nước có nền y học hạt nhân phát triển.
Biến chứng u máu gan có thể gặp là chảy máu trong khối u, hay khối u vỡ chảy máu trong ổ bụng do chấn thương hoặc sau khi chọc sinh thiết. U máu hầu như không có biến chứng ác tính hoá. Biến chứng tắc mạch trong u máu cũng có thể gặp với các biểu hiện lâm sàng như đau hạ sườn phải và sốt.
Không có thuốc nào có thể làm cho u máu nhỏ lại hay tiêu đi. Nếu u không gây triệu chứng gì thì chỉ cần theo dõi bằng siêu âm, khoảng 3-6 tháng siêu âm 1 lần, tùy theo việc u thay đổi kích thước nhanh hay chậm.
Chỉ cần điều trị khi u máu gây biến chứng. Điều trị tốt nhất là phẫu thuật, nhưng cũng có thể làm tắc động mạch máu nuôi u, thắt động mạch đến u, hoặc đốt hay chiếu điện… tuỳ vào kích thước, vị trí u và thể trạng sức khoẻ của mỗi người. Bạn có thể đến các bệnh viện đa khoa để xét nghiệm và có hướng điều trị thích hợp.
U máu gan thường đơn độc, kích thước dưới 3cm, hay gặp ở thuỳ gan phải. Khoảng 10% bệnh nhân có nhiều u và khoảng 10%-20% các khối u có đường kính trên 4cm, được coi là u máu có kích thước lớn. Các u máu lớn thường kèm theo cấu trúc xơ, huyết khối và đôi khi có vôi hóa. |