U vú ở tuổi dậy thì

An Khê
02/08/2023 - 16:19
U vú ở tuổi dậy thì

Ảnh minh họa

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân mà trẻ em gái dậy thì sớm hơn. Khi tuyến vú phát triển, ở một số người có thể xuất hiện các tổn thương u vú với kích thước lớn.

Trần Thu Minh (sinh năm 2002) là một du học sinh tại Pháp. Trong thời gian nghỉ hè về Việt Nam, Minh đi khám sức khỏe tổng quát. Minh tự sờ thấy khối u, tuy nhiên khi đi khám tại một cơ sở thì bác sĩ khẳng định, ở độ tuổi này không có u được. 

Sau khi tìm hiểu qua người thân, Minh liên hệ với bác sĩ thuộc Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam và được tư vấn kiểm tra. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Cố vấn chuyên môn Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, đã thực hiện kiểm tra và phát hiện Minh có 3 khối u vú. 

Qua trường hợp này, bác sĩ Thu Hương khuyến cáo, các bậc cha mẹ khi có con gái đến tuổi dậy thì nên hướng dẫn con cách tự phát hiện bất thường tuyến vú. Nếu có bất thường, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở khám chuyên sâu để phát hiện kịp thời.

Bác sĩ Hương cho biết thêm, phần lớn các khối u vú ở thanh thiếu niên là lành tính. Các khối u vú thường gặp ở thanh thiếu niên bao gồm biến đổi xơ nang, u xơ tuyến vú, u xơ tuyến khổng lồ, u Phyllodes. 

U vú ở tuổi dậy thì	 - Ảnh 1.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Cố vấn chuyên môn Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam

Thiếu nữ ở tuổi đôi mươi, nắn ngực thấy có những cục tròn, láng, cỡ hạt lạc, hạt nhãn, hạt mít, đụng tới thì "chạy" chỗ khác, đó là loại u lành sợi tuyến. U sợi tuyến không có gì đáng lo ngại, ngay cả khi thấy hơi đau hoặc tăng kích cỡ một chút khi tới chu kỳ kinh nguyệt. 

Bác sĩ chuyên khoa chỉ cần chích thuốc tê, mổ lấy trọn u, nếu vài tháng hoặc vài năm sau có một cục khác mọc ở chỗ khác cũng không đáng lo ngại vì phần lớn là u sợi tuyến lành. Trường hợp một bên vú to lên nhanh trong vài tháng, sờ thấy có một cục lớn bằng trái cam, thì đó vẫn là u lành, gọi là u sợi tuyến khổng lồ, chỉ cần mổ lấy trọn u là hết bệnh.

U diệp thể thường thấy ở tuổi 15-16 đến khoảng 30 tuổi. Trong vú có một "hạt mít" hoặc "trứng cút" giống như u sợi tuyến, để 1-2 năm bỗng phát triển nhanh. Da vú căng mỏng, có nhiều lằn xanh vắt qua vắt lại ở da vú. Đây là một loại u lành, được gọi là u diệp thể lành tính, nhưng phải giải phẫu bệnh mới có thể xác định có lành tính hay không, vì còn có loại u diệp thể ác tính (ung thư).

Cách tiếp cận ban đầu đối với bệnh nhân vị thành niên có khối u vú gồm khai thác bệnh sử, khám lâm sàng. Siêu âm là phương pháp chẩn đoán nhanh chóng, chính xác với các khối u vú ở trẻ vị thành niên. Việc xử trí đối với thanh thiếu niên có khối u ở vú phụ thuộc khối rắn hay nang dịch. Diệt nang có thể áp dụng với các nang có chỉ định. Sinh thiết hút chân không phù hợp với các khối u lành tính có chỉ định loại bỏ.

Trẻ em gái đến tuổi dậy thì do sự tăng và giảm hormone sinh dục sẽ làm cho tuyến vú phát triển to lên, thậm chí có cả các loại u cục khác thường. May mắn là hầu hết các khối u ở vú trong độ tuổi vị thành niên đều là u xơ. 

Do sự phát triển quá mức của mô liên kết trong vú gây ra u xơ, chứ không phải ung thư. Bé gái dưới 14 tuổi hiếm khi bị ung thư vú. Nguy cơ ung thư vú sẽ tăng nhẹ khi trẻ em gái bước qua tuổi thiếu niên với tỷ lệ ca mắc ung thư vú là 1/1 triệu người ở tuổi này. 

Song, dù hiếm nhưng vẫn có thể là ung thư vú nên các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con tự phát hiện những bất thường của bản thân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm