Người ta nhìn vào, ai cũng nghĩ Hằng sang Nhật Bản ở được 5 năm trời là quãng thời gian hưởng thụ. Thì đấy, cô chẳng phải đi làm, chỉ ở nhà chăm sóc con cái, nhà cửa. Hàng ngày Hằng có thời gian rảnh rỗi khi con cái đi học, muốn đi đâu chơi thì đi, làm gì thì làm. Nhưng mấy ai biết nỗi khổ của cô nơi xứ người. Rời Việt Nam sang Nhật Bản, Hằng bỏ luôn công việc ở một trung tâm tiếng Anh. Vốn tiếng Anh sau mấy năm đại học tích lũy, cùng theo đó mà mai một khi nơi Hằng sinh sống, phần lớn không ai sử dụng tiếng Anh.
Tính xin đi làm thêm cho đỡ buồn nhưng vì tiếng Nhật một chữ bẻ đôi chưa biết, cô đành ngậm ngùi ở nhà nội trợ. Nhiều lúc cô thấy mệt và buồn kinh khủng! Tâm lý là yếu tố chính khiến cô cảm thấy áp lực, khi mọi tài chính dồn hết lên vai chồng. Ở Nhật Bản, người ta đòi hỏi phụ huynh trong việc phối hợp chăm sóc con cái và dạy dỗ con ở trường. Hằng quay cuồng trong cơm nước, nhà cửa, đầu tắt mặt tối. Điều này không ai thấu hiểu.
Rồi Hằng mang thai bé gái thứ hai khi sức khỏe đang đi xuống. Cô nghén lên nghén xuống, ba tháng đầu không ăn uống được gì khiến cô kiệt sức mà nhập viện truyền nước. Ở xứ người không có ai, chồng đi làm từ sáng đến đêm, một mình Hằng vò võ ở bệnh viện trong những ngày bụng mang dạ chửa ấy.
Thật khổ sở, cô nghén đến tận tháng cuối, nên mọi sức lực gần như cạn kiệt sau khi sinh con. Mệt mỏi, buồn bã, cô tự nhủ sắp được về quê rồi, hãy cố gắng thêm một thời gian nữa. Cô không thể đòi hỏi nhiều ở chồng mình khi anh cũng bận rộn và mệt mỏi không kém. Công việc vắt kiệt sức nên về nhà, anh chỉ muốn nằm ngủ.
Năm năm của Hằng trôi qua trong khổ sở, vất vả như vậy. Tự mình biết mình khổ nhưng với sĩ diện cá nhân, cô thi thoảng vẫn đăng lên trang cá nhân những tấm hình tươi rói của những lần đi nghỉ hiếm hoi với chồng con, những bữa ăn nhà hàng đếm trên đầu ngón tay của gia đình. Cô muốn mọi người nghĩ rằng mình đang thật sung sướng, hạnh phúc khi được xuất ngoại ở một đất nước phát triển và chồng thì kiếm được nhiều tiền.
Những tưởng về Việt Nam, cô sẽ được “tái tạo” chính mình thì hỡi ôi, chồng Hằng lại nhất quyết không cho cô đi làm sau khi về nước. Anh bảo, hai đứa con đang cần mẹ chăm sóc. Cô đi làm kiểu gì cũng phải thuê người giúp việc, tốn kém ngang ngửa tiền lương hàng tháng của cô. Anh bảo, thà anh cố một tí để con cái được mẹ chăm lo chu đáo như hồi ở Nhật Bản vẫn tốt hơn. Tranh cãi nhiều lần, hai người vẫn chưa thống nhất được vấn đề công việc của Hằng.
Phần cô, Hằng vẫn âm thầm lên mạng tìm hiểu công việc. Dù gì sau 5 năm, tranh thủ học thêm về tiếng Nhật nên vốn tiếng của cô tạm ổn. Ở Hà Nội có nhiều công ty của Nhật Bản, họ cần người biết tiếng, biết văn hóa ứng xử, kể cả làm tạp vụ Hằng cũng chấp nhận. Thế rồi, con gái thứ 2 của cô cứ ốm đau dặt dẹo suốt, cô lại tối mắt tắt mũi lao vào chăm con, lo cho việc học của con gái đầu trong những ngày đầu về nước, phải làm quen lại mọi thứ.
Nhiều lúc, Hằng như vỡ tung. Cô với chồng như ở hai thái cực khác nhau và cô cho rằng anh không hiểu mình. Anh ích kỷ khi không nghĩ cho vợ, không hiểu được cảm xúc của vợ khi phải vùi đầu vào việc nội trợ, những việc không tên trong khi rất cần được ra ngoài xã hội để bản thân không bị tụt hậu. Loay hoay phải đến một năm trời sau khi về nước, Hằng mới sắp xếp mọi việc ổn thỏa. Con gái đầu học cũng quen trường, bé thứ 2 đã tròn 3 tuổi để sẵn sàng đi học, đỡ ốm vặt hơn. Còn cô đã lẳng lặng đi phỏng vấn ở một công ty của Nhật Bản chuyên về xuất nhập khẩu, với vai trợ lý chánh văn phòng. Mỗi tháng họ trả cho cô khoảng 500USD và có thưởng nếu làm tốt.
Khi nói chuyện với chồng và có đủ mọi phương án, công việc của cô cũng được chính thức nhận, chồng cô có phần ngỡ ngàng. Anh im lặng. Lần đầu tiên sau nhiều năm anh cảm thấy cần suy nghĩ, có lẽ đã đến lúc anh cần nghĩ nhiều hơn cho cô. Cô cũng cho anh thời gian để chấp nhận sự sắp xếp ấy và cô đã sẵn sàng để chứng minh cho chồng mình thấy cô có thể làm được, có thể chia sẻ với anh trách nhiệm tài chính trong gia đình, đặc biệt có thể trở thành một phụ nữ năng động, không bị tụt hậu, không bị già nua. Cô tin là anh sẽ ủng hộ mình!