UNESCO thành lập Quỹ bảo vệ nhà báo trên toàn cầu

14/07/2019 - 08:55
Bà Audrey Azoulay - Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) - hoan nghênh việc thành lập Quỹ bảo vệ truyền thông toàn cầu theo sáng kiến của Vương quốc Anh và Canada. Hai nước này cam kết cung cấp nguồn lực trong 5 năm lần lượt là 3,8 triệu USD (Anh) và 765.000 USD (Canada).
unesco-2.jpg
Ra mắt Quỹ bảo vệ truyền thông toàn cầu

 

Mục đích của Quỹ truyền thông toàn cầu là hỗ trợ Kế hoạch của Liên hợp quốc về việc bảo đảm an toàn cho các nhà báo. Quỹ được thành lập nhằm tài trợ cho công tác tư vấn pháp lý và cải thiện tình hình an ninh cho các phóng viên làm việc trong các tình huống xung đột và nguy hiểm, giúp họ duy trì quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.
 
“Tôi đề nghị các quốc gia thành viên khác noi gương của Anh và Canada trong việc đóng góp cho việc tăng cường bảo vệ pháp lý cho nhân viên truyền thông trên toàn thế giới. Chúng ta cần những chiến lược đa phương để thúc đẩy quyền tự do truyền thông và sự an toàn của các nhà báo hơn bao giờ hết”, bà Audrey Azoulay nói.
 
unesco-4.jpg
Bà Audrey Azoulay - Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)

 

Tuyên bố này được đưa tại Lễ ra mắt của Quỹ bảo vệ truyền thông toàn cầu do Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh, Jeremy Hunt và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada Chrystia Freeland đồng tổ chức Hội nghị Toàn cầu về Tự do Truyền thông trong ngày 11/7 vừa qua. Hơn 50 bộ trưởng truyền thông và ngoại giao cùng hơn 1.000 chuyên gia truyền thông và đại diện của các tổ chức phi chính phủ chuyên ngành đều đóng góp nhiều ý kiến thiết thực khi tính mạng nhiều nhà báo bị đe dọa khi tác nghiệp ở những vùng xung đột, bạo lực.
 
Từ lâu, nghề báo bị liệt vào danh sách những nghề nguy hiểm nhất thế giới. Để cung cấp cho bạn đọc những thông tin xác thực nhất, những bức ảnh chân thực nhất, các nhà báo phải xông pha vào những nơi nguy hiểm như vùng có xung đột vũ trang, chiến tranh. Vì thế, đằng sau nhiều bài báo, bức ảnh là mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu của các nhà báo. Ngay cả ở những nơi không có chiến tranh thì tính mạng của nhà báo cũng không được bảo đảm. Vì đặc thù công việc luôn đấu tranh vì sự thật, bảo vệ sự công bằng, đạo lý tốt đẹp, nên nhiều lúc các nhà báo gặp không ít tình huống cam go. Họ phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không cung cấp thông tin, mua chuộc, thu giữ phương tiện tác nghiệp, cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, giữ người, quấy rối tình dục, vu khống, tấn công, gây thương tích, trả thù. Đặc biệt là trong các vụ việc “gai góc” liên quan đến lý do chính trị, tham nhũng, nhân quyền hay tội phạm, không ít trường hợp các nhà báo bị trả thù, thậm chí bị thủ tiêu trong lúc tìm cách đưa tội ác ra ánh sáng.
 
nha-bao-2.jpg
Nghề báo luôn gặp nhiều nguy hiểm

  

Theo Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York (Mỹ), số lượng các nhà báo bị giết hại trong năm 2018 đã tăng gấp 2 lần so với năm trước đó. Báo cáo của CPJ cho thấy có 53 nhà báo trên toàn thế giới thiệt mạng trong khi tác nghiệp và 34 trường hợp trong số đó bị giết hại có chủ đích. CPJ cũng cho rằng, vẫn chưa có sự bảo vệ tiêu chuẩn quốc tế đối với quyền của các nhà báo. Còn theo báo cáo của tổ chức Các nhà báo không biên giới cho biết số người làm báo thiệt mạng trong năm 2018 là 80 người, bao gồm cả blogger, nhà báo công dân và những người làm trong lĩnh vực truyền thông.
 
Mặc dù giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng con số các nhà báo trên thế giới bị sát hại trong nửa đầu năm 2019 vẫn “rất đáng lo ngại” và nghề báo vẫn nằm trong nhóm nghề nguy hiểm nhất thế giới. Tổ chức phi chính phủ Press Emblem Campaign (PEC) có trụ sở tại Geneve (Thụy Sĩ) công bố, trong nửa đầu năm 2019 có 38 nhà báo đã bị sát hại tại 20 quốc gia và khu vực trên thế giới. Tình trạng nhà báo bị giết hại vẫn rất đáng lo ngại, đặc biệt là ở hai quốc gia Mexico và Afghanistan. Ở Mexico, 9 nhà báo đã bị sát hại trong 6 tháng đầu năm nay, con số này ở Afghanistan là 6 người. Các nhóm khủng bố ở Afghanistan và các băng đảng tội phạm ở Mexico là thủ phạm chính gây ra các vụ sát hại nhà báo. Xét theo khu vực, Mỹ Latinh là nơi xảy ra nhiều vụ việc nhất với 15 nhà báo bị sát hại trong 6 tháng qua. Tại Trung Đông, số nhà báo bị sát hại giảm trong bối cảnh xung đột ở Syria và Iraq đang giảm.
 
nha-bao-1.jpg
Một cuộc tuần hành kêu gọi đừng giết hại các nhà báo

  

Tổng thư ký PEC Blaise Lempen hối thúc cộng đồng quốc tế tạo ra một cơ chế độc lập chống lại vấn nạn sát hại nhà báo. PEC đã kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp bảo vệ tính mạng của các nhà báo như tiến hành các cuộc điều tra độc lập kết hợp với những cuộc điều tra khác để đưa thủ phạm của các vụ sát hại nhà báo ra xét xử. Được thành lập năm 2004 bởi một nhóm các nhà báo từ một số quốc gia, PEC là một tổ chức phi chính phủ với tư cách tư vấn đặc biệt tại Liên hợp quốc. PEC hoạt động để thúc đẩy bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong các vùng xung đột, bạo lực và các nhiệm vụ nguy hiểm.
 
Để ghi nhận công sức của các nhà báo, các quốc gia trên thế giới đều có những ngày kỷ niệm cũng như trao tặng các giải thưởng báo chí để vinh danh các nhà báo, trong đó có những giải danh giá như giải thưởng Pulitzer, giải thưởng Guillermo Cano… Tuy nhiên, chỉ tôn vinh thôi chưa đủ. Bảo vệ các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, nhất là tại các nơi xung đột, là đòi hỏi cấp thiết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm