Ứng dụng công nghệ số để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào thị trường việc làm

21/09/2018 - 18:40
Đây là một trong những nội dung được PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - nêu lên tại phiên họp “Phụ nữ vì sự phát triển kinh tế cân bằng” trong khuôn khổ Diễn đàn phụ nữ Á-Âu lần thứ 2 ở Saint Petersburg (Nga) từ ngày 19 đến 22/9.
chu-tich-hoi-lhpnvn-nguyen-thi-thu-ha-tai-dien-dan-phu-nu-a-au-1.jpg
Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà (giữa) phát biểu tại phiên họp

 

Trong bài phát biểu tại phiên họp “Phụ nữ vì sự phát triển kinh tế cân bằng”, Chủ tịch Hội Thu Hà nhấn mạnh, nền kinh tế cân bằng chỉ có được khi có sự tham gia đầy đủ, bình đẳng cả của nam và nữ. Hiện nay, nhiều quốc gia vẫn chưa đạt được bình đẳng giới thực chất, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Việc hạn chế cơ hội tiếp cận thị trường lao động của phụ nữ sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế, giảm GDP của mỗi quốc gia. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, châu Á - Thái Bình Dương mất từ 42 đến 47 tỷ đô la mỗi năm do hạn chế cơ hội việc làm của phụ nữ.
 
Theo Chủ tịch Thu Hà, những doanh nghiệp có phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý thường có kết quả kinh doanh tốt hơn doanh nghiệp không có nữ tham gia lãnh đạo, tạo nhiều việc làm, đóng góp vào giảm nghèo và an sinh xã hội. Với tỷ lệ 65% phụ nữ kiểm soát chi phí hộ gia đình trong tổng chi tiêu toàn cầu, phụ nữ là người có vai trò quan trọng tạo nên tổng cầu của nền kinh tế. Ngoài ra, phụ nữ cân bằng tốt hơn giữa tiêu dùng và tiết kiệm, hoàn trả vốn tín dụng tốt hơn do thận trọng sản xuất kinh doanh, quan tâm hơn đến đầu tư cho giáo dục, phát triển của trẻ em, đồng nghĩa với việc tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng trong tương lai. Đây là những yếu tố cơ bản của nền kinh tế phát triển cân bằng.
 
Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết ưu tiên nguồn lực để thu hẹp khoảng cách về giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Có nhiều Bộ Luật, Luật, chính sách hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, phát triển doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ. Nhờ đó, phụ nữ Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn vào lực lượng lao động điều hành và quản lý: 28% trong tổng số các doanh nghiệp, 60% trong tổng số hộ gia đình; doanh nhân nữ đóng góp 30% GDP. Theo chỉ số khoảng cách giới GGI, Việt Nam đứng thứ 33/144 quốc gia về sự tham gia và cơ hội kinh tế cho phụ nữ.
chu-tich-hoi-lhpnvn-nguyen-thi-thu-ha-tai-dien-dan-phu-nu-a-au-3.jpg
Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thi Hà (Ảnh chụp qua màn hình)

 

Chủ tịch Hội Thu Hà cho biết, để tăng trưởng bền vững, xây dựng nền kinh tế phát triển cân bằng, mỗi quốc gia cần quan tâm đến việc xây dựng các chính sách thúc đẩy sự tham gia trực tiếp của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế; đồng thời đảm bảo sự công bằng cho phụ nữ trong thụ hưởng thông qua việc phân phối lại thành quả do tăng trưởng kinh tế mang lại. “Đặc biệt, trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, các quốc gia cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào thị trường việc làm linh hoạt thông qua ứng dụng mạng”, Chủ tịch Hội Thu Hà nói.
 
chu-tich-hoi-lhpnvn-nguyen-thi-thu-ha-tai-dien-dan-phu-nu-a-au-2.jpg
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Á- Âu 2 do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu 
 

Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu được tổ chức 3 năm/lần, lần đầu tiên vào tháng 9/2015 tại Saint Petersburg, theo sáng kiến của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) V. Matvienko.

Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu lần thứ hai với chủ đề “Phụ nữ vì an ninh toàn cầu và phát triển bền vững,” thu hút sự tham gia của gần 2.000 đại biểu đại diện cho 117 nước từ 5 châu lục, đại diện của 27 tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, Tổ chức Phát triển nông nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã đến dự và phát biểu chào mừng diễn đàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm