Vận động hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay

An Khê
07/07/2023 - 10:45
Vận động hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay

Nhiều chị em dân tộc thiểu số ở Vũ Chấn đã thoát nghèo

Trong những năm qua, Hội LHPN xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, đã tích cực triển khai công tác xóa đói, giảm nghèo và đạt được kết quả khả quan.

Với đặc thù là địa bàn có số đông chị em là dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, Hội LHPN xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã có những hoạt động tích cực, cụ thể giúp chị em làm kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Vận động hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay - Ảnh 1.

Bà Mai Kim Quyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên

Tuy nhiên, làm thế nào để khơi dậy được ý chí tự vươn lên thoát nghèo của hội viên, nhất là hội viên là người dân tộc thiểu số vẫn là vấn đề quan trọng để giảm nghèo bền vững. Bà Mai Kim Quyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Chấn chia sẻ về vấn đề này.

Được biết Hội LHPN xã Vũ Chấn đã đạt được những kết quả rõ rệt trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Xin bà chia sẻ kết quả và những kinh nghiệm của mình trong công tác này?

Tại xã Vũ Chấn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày và dân tộc Dao. Chị em đều là những người chăm chỉ làm ăn tuy nhiên cũng có những hạn chế nhất định, như khó thích nghi với công nghệ, vẫn còn nhiều phong tục tập quán, nếp sống còn lạc hậu. Chị em còn chưa biết cách làm giàu, có đồng nào tiêu đồng đó... 

Chính vì thế, Hội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức chuyển giao công nghệ.  Vận động hội viên tích cực lao động sản xuất, vệ sinh môi trường, tham gia các hoạt động như: giúp đỡ hội viên nghèo về ngày công, cây con giống, xây dựng quỹ hội, mô hình tiết kiệm để giúp đỡ hội viên nghèo phát triển kinh tế, qua đó đã giúp nhiều hội viên từng bước giảm nghèo, có cuộc sống ổn định.

Vận động hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay - Ảnh 2.

Chị Triệu Thị Luyến (dân tộc Dao) đã mạnh dạn vay vốn, phát triển kinh tế và tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo

Hiện toàn xã có 500 hội viên phụ nữ, trong số đó có gần 200 hội viên phụ nữ nghèo. Từ phong trào này đã giúp các chị em có hoàn cảnh khó khăn vay đầu tư, phát triển kinh tế và tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2022 chúng tôi đã giúp được 3 gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo và thoát cận nghèo.

Công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội, những năm qua Hội LHPN xã đã đẩy mạnh phong trào hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế với nhiều hoạt động thiết thực đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đông đảo hội viên phụ nữ, thu hút đông đảo chị em tham gia.

Nguồn vốn hỗ trợ luôn là vấn đề quan trọng và cần thiết đối với hội viên, xin bà cho biết Hội đã hỗ trợ thế nào về nguồn vốn?

Hội LHPN xã đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho gần 200 hội viên vay hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra Hội cũng đã chỉ đạo các chi hội xây dựng được 8 mô hình tiết kiệm với tổng số gần 60 triệu đồng cho 17 lượt hội viên vay phát triển kinh tế. Cùng với đó, Hội tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; duy trì, nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay.

Qua kiểm tra, đa số chị em sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, vai trò làm chủ kinh tế gia đình của chị em được phát huy. Nhiều chị em không còn tự ti mặc cảm, mạnh dạn đứng ra vay vốn đầu tư vào sản xuất để làm kinh tế VACR, mô hình trồng cây vú sữa, trồng cây cam Vinh, trồng bưởi Diễn…

Vận động hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay - Ảnh 3.

Chị Lý Thị Hệ (trái), dân tộc Tày, sau khi tham gia những buổi tập huấn của Hội đã thay đổi suy nghĩ, cách làm để cuộc sống được khấm khá hơn

Đến nay, công tác xóa đói giảm nghèo có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa bà?

Thuận lợi là do cán bộ, hội viên đã nỗ lực phấn đấu trên mọi lĩnh vực, gắn bó và ủng hộ tổ chức hội. Cán bộ hội từ xã đến các chi hội đều gắn bó với hội viên phụ nữ; đoàn kết, quyết tâm cao trong thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đội ngũ cán bộ hội ở cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với phong trào phụ nữ và công tác hội. Đặc biệt Hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính sách tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp chính quyền, sự ủng hộ, hợp tác thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài xã.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là còn không ít hộ nghèo vẫn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo, thiếu quyết tâm vượt lên chính mình, còn lãng phí thời gian, công lao động kể cả lãng phí đất đai. Cũng không ít đối tượng nghèo nhưng không chí thú làm ăn mà rơi vào các tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, phong trào tại các Chi hội phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo và tính chủ động của hội viên. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục phẩm chất đạo đức còn thiếu chiều sâu, công tác tư tưởng chưa nhạy bén, tuyên truyền về hoạt động hội còn mờ nhạt.

Việc tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới còn nhiều hạn chế, thiếu chủ động. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ duy trì việc làm ổn định sau dạy nghề và giảm nghèo hiệu quả chưa cao. Công tác vận động phụ nữ xây dựng gia đình chưa bắt kịp tình hình mới, kết quả chưa rõ nét. Phát triển hội viên gặp nhiều khó khăn; kinh phí hoạt động của hội, trình độ của cán bộ, hội viên còn nhiều hạn chế.  

Từ những khó khăn trên, theo bà nguyên nhân là gì? Hội sẽ làm gì để khắc phục các tồn tại này?

Nguyên nhân chủ quan là do việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phụ nữ trong tình hình mới và nhu cầu ngày càng đa dạng của các tầng lớp phụ nữ. Một bộ phận cán bộ hội nhận thức chưa đầy đủ về tôn chỉ, mục đích, vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ của tổ chức hội, cũng như yêu cầu công tác vận động phụ nữ trong điều kiện mới, còn làm việc theo lối hành chính.

Nguyên nhân khách quan là do phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đều giữa các xóm; mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; diễn biến phức tạp của các tệ nạn xã hội, tội phạm, bạo lực gia đình… đã tác động trực tiếp đến đời sống, lối sống của một bộ phận phụ nữ, ảnh hưởng đến khả năng huy động, vận động phụ nữ và chất lượng hoạt động của phong trào phụ nữ.

Bởi vậy, yếu tố quan trọng đầu tiên chính là phải bắt đầu từ việc nâng cao ý thức của con người. Làm thế nào để khơi dậy được ý chí tự vươn lên thoát nghèo của những người nghèo là vấn đề quan trọng và không phải làm được trong ngày một, ngày hai. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hội tập trung đổi mới phương thức hoạt động, kiên trì, bền bỉ và đồng hành với phụ nữ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đồng thời phát huy hơn nữa tinh thần tương thân, tương ái, nâng cao trách nhiệm của từng tổ chức Hội cho đến mỗi cán bộ, hội viên trong việc trợ giúp hội viên, phụ nữ nghèo.

Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm