Văn sĩ Helen Keller và hành trình ra khỏi bóng tối

02/06/2016 - 21:31
Cuộc đời của Helen Keller - nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội khiếm thị, khiếm thính nổi tiếng người Mỹ đã trở thành tấm gương về nghị lực phi thường cho biết bao người noi theo. Bà được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu trong thế kỷ XX.

Helen Adams Keller sinh ngày 27/06/1880 tại Tuscumbia, một thị trấn miền quê thuộc vùng tây bắc Alabama (Hoa Kỳ). Trong 19 tháng đầu tiên của cuộc đời, Helen là một bé gái bụ bẫm, xinh xắn, đáng yêu. Tuy nhiên, bước sang tháng thứ 20, Helen bị một cơn sốt bại não tấn công. Thời đó, nguyên nhân căn bệnh của Helen vẫn là một bí ẩn đầy thách thức đối với giới y khoa. Các bác sĩ đương thời gọi đó là “bệnh sốt não” trong khi các chuyên gia y tế ngày nay cho đó là bệnh ban đỏ hay chứng “viêm màng não”.

3.jpg
 Chân dung Hele Keller - người khiếm thị khiếm thính đầu tiên tốt nghiệp đại học.

Helen rơi vào tình trạng sốt cao kéo dài nhiều ngày trong tình thế hết sức nguy cấp. Rồi cơn sốt bỗng dưng biến mất nhưng thị lực và thính lực của cô bé đã không còn nữa. Phải một thời gian sau khi Helen bình phục, mẹ cô bé mới phát hiện ra sự thật đau buồn đó khi không thấy em có phản ứng gì mỗi khi tiếng chuông báo giờ cơm gia đình vang lên, hoặc không hề chớp mắt khi bà huơ tay trước mặt.

Cô bé liên tục làm vỡ bát đĩa, chụp đèn, và mọi thứ vật dụng trong nhà. Cô sống trong nỗi bực dọc, cáu kỉnh triền miên và luôn làm phiền mọi người. Họ hàng cô bảo rằng cô cần phải được vĩnh viễn đưa vào một dưỡng viện dành cho trẻ khuyết tật, nhưng mẹ cô kịch liệt phản đối.

Năm lên 6, Helen được mẹ đưa đi gặp các chuyên gia y tế để tìm kiếm một cơ may nhưng họ xác nhận cô hoàn toàn mù và điếc. Họ không thể làm gì khác hơn để giúp đỡ cô bé ngoài việc động viên và giới thiệu mẹ con bà đến gặp một chuyên gia về các vấn đề của trẻ khiếm thính là Alexander Graham Bell (nhà phát minh ra điện thoại). Nhưng Bell cũng chỉ có thể giới thiệu Helen cho Michael Anagnos, hiệu trưởng Học viện Y khoa Perkins kiêm giám đốc Bệnh viện Tâm thần Massachusetts. Anagnos sau khi xem xét trường hợp Helen lại giới thiệu mẹ con bà đến gặp Anne Sullivan, một học trò cũ của ông.

Anne Sullivan, 20 tuổi, người Irland, là một người có hoàn cảnh khá đặc biệt. Cô mồ côi cả cha lẫn mẹ, cũng từng sống trong thế giới mù lòa suốt 15 năm trời. Cô đã tốt nghiệp Học viện Y khoa Perkins và nhờ hai lần phẫu thuật mắt nên đã lấy lại được một phần thị lực. Thấm thía nỗi đau của một người đã từng sống trong bóng tối, khi được Anagnos giới thiệu làm gia sư cho Helen, Anne đã nhận lời. Thật khó có thể kể hết những gian nan vất vả của Helen trên hành trình tìm đến với “ánh sáng”.

Khi bố mẹ Helen đề nghị Anne giúp đứa con gái 6 tuổi của họ, Anne thực sự không biết phải bắt đầu với cô bé như thế nào. Không giống như những đứa trẻ Anne tiếp xúc ở trường, Helen là một cô bé vừa bị mù vừa bị điếc. Một đứa bé học giao tiếp bằng cách nào khi nó không thể người khác nói để bắt chước, không thể nhìn để đoán biết ý nghĩa của lời nói qua nét mặt, cử chỉ và điệu bộ của người khác? Làm thế nào để một đứa bé không thể nghe, không thể nhìn có thể biết được những khái niệm, có thể hình dung được thế giới xung quanh nó?

Cô giáo Anne không nghĩ ra được cách truyền đạt thông tin nào khác ngoài việc dùng các ngón tay.

Rồi một lần trong lúc Helen rửa tay dưới vòi nước, cô bé đã hiểu được nước là gì khi cô Anne dùng ngón tay tác động lên lòng bay tay của Helen để biểu tượng hóa từ “nước”. Lần đầu tiên Helen biết tên thứ cô bé vẫn uống hàng ngày khi khát, thứ mà cô dùng để tắm rửa, thứ thỉnh thoảng rơi từ trên cao xuống đầu cô.

Một lần khác cô Anne đưa cho Helen một con búp bê do những trẻ em trường Perkin làm. Trong khi Helen chơi với con búp bê, cô Sullivan đánh vần từ “doll” (búp bê) lên lòng bàn tay của Helen. Cô bé rất thích thú với trò chơi dùng ngón tay này ngay lập tức và đã bắt chước cô giáo rất nhanh. Cô bé đi tìm mẹ và khoe với mẹ từ mới mà cô học được bằng ngôn ngữ của riêng mình. Mấy ngày sau, cô bé học được một loạt tên của những đồ vật quen thuộc như cái trâm, cái mũ, cái chén và biết được những động từ thông dụng như đi bộ, đứng, ngồi...

helen-v-c-gio-nm-1888.jpg
 Helen và cô giáo Anne Sullivan - người có vai trò rất lớn cho những thành công của bà.

Năm 1890 khi Helen 10 tuổi, cô giáo Anne đã dạy cho cô biết cách trao đổi thông tin qua bàn tay. Họ không những thực hiện được những giao tiếp thông thường với nhau mà cô Anne còn có thể truyền đạt nội dung của những mẩu chuyện trong những cuốn sách cho Helen. Sau khi cô Anne cho Helen biết câu chuyện về Ragnhild Kaata, một cô gái người Na Uy vừa mù vừa điếc đã học nói thành công, Helen bày tỏ với cô giáo của mình khao khát được học nói như cô gái ấy.

Cô Anne cùng với một cô giáo khác tên là Flutter đã bắt đầu dạy Helen học nói. Họ kết hợp phương pháp giao tiếp qua ngón tay và phương pháp Tadoma. Theo phương pháp này, Helen đặt tay lên mặt cô giáo cảm nhận vị trí của lưỡi và môi của cô giáo khi cô giáo phát âm sau đó bắt chước các cử động ấy để phát âm theo. Háo hức và kiên trì, Helen ngồi hàng giờ luyện phát âm theo cô giáo. Sau một thời gian ngắn, Helen đã thuộc được các yếu tố của tiếng nói. Lúc đầu Helen phát âm chưa thoát nên chỉ các cô giáo của cô mới có thể hiểu được những gì cô nói. Nhưng mỗi ngày qua đi, khả năng của Helen lại được cải thiện rõ rệt.

Nếu học phát âm được một từ chẳng phải là việc đơn giản, thì việc học được cả câu trọn vẹn là cả một sự gian khổ và mệt nhọc đối với Helen. Sau khi Helen phát âm được những từ cơ bản, cô giáo của cô đưa cho Helen bộ chữ nổi in trên những mảnh giấy cứng như một bộ bài. Helen sắp xếp các mảnh giấy theo các cấu trúc để tạo thành những câu nói đơn giản. Để sắp xếp được câu: “Con búp bê ở trên giường”, Helen đã để con búp bê của mình ở trên giường và sắp xếp các từ “búp bê”, “ở”, “trên”, “giường” để cô dễ hình dung và dễ ghi nhớ câu hơn. Từ học ghép câu, Helen học đọc, học viết bằng chữ nổi. Khả năng tiếp thu và sự siêng năng của Helen đã đưa cô tiến xa hơn những gì cô giáo của cô mong đợi. Không chỉ đọc thành thạo tiếng Anh, Helen còn học đọc được cả tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hi Lạp, tiếng La tinh bằng hệ thống chữ nổi Braille.

Sau khi theo học ở trường mù Perkin 6 năm, năm 1894, Helen đến New York vào học trường Wright-Humason dành cho người điếc. Năm 1896, Helen trở về Massachusetts theo học trường Cambridge dành cho nữ sinh. Năm 1900, Helen bắt đầu theo học trường đại học Radcliffe. Cuộc sống tại Radcliffe rất gian nan đối với Helen. Trong thời gian này Helen viết tự truyện “The Story of My Life” (Chuyện đời tôi) bằng máy chữ Braille lẫn máy chữ thông thường. Năm 1903, sách được xuất bản và là một trong những quyển sách kinh điển của nền văn học Mỹ. ”. Trong cuốn tự truyện này, Helen Keller đã kể với độc giá một cách trọn vẹn và sinh động hành trình tự giải thoát mình khỏi bóng tối và sự im lặng để đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống mà bà đã trải nghiệm. Ngày 28/6/1904, cô vinh dự và tự hào trở thành người mù và điếc đầu tiên tốt nghiệp đại học.

Năm 1913, cuốn “Out of the Dark” (Ra khỏi bóng tối) được xuất bản. Đó là một loạt những bài viết về chủ nghĩa xã hội và nhờ đó, ảnh hưởng của Helen trước công chúng trở nên rất mạnh mẽ. Từ đây mọi người được biết thêm về quan điểm chính trị của Helen.

1.jpg
 Vượt qua những thử thách khắc nghiệt, Helen đạt được nhiều thành công và trở thành nhà hoạt động xã hội tích cực vì người mù.

Với kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm phong phú của bản thân, Helen Keller trở thành một nhà hoạt động xã hội tích cực vì người mù. Năm 1915, bà thành lập tổ chức chống mù lòa mang tên mình. Tổ chức của Helen tập trung vào hai chương trình chính là sức khỏe của mắt và dinh dưỡng cho mắt. Các chương trình này cung cấp các thông tin nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về các nguyên nhân dẫn đến mù lòa, đồng thời triển khai cac hoạt động bổ sung vitamin A, sắt, và các vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng đặc biệt là trong các trường học.

Helen Keller đã đi đến 39 nước trên thế giới, thực hiện các bài diễn thuyết đầy thuyết phục. Đi đến đâu người phụ nữ đặc biệt này cũng được mọi người hoan nghênh và ngưỡng mộ. Bà đã gặp gỡ rất nhiều nhân vật nổi tiếng và làm bạn với nhiều danh nhân như Alexander Graham Bell, Charlie Chaplin, Mark Twain…

Thế giới không chỉ biết đến Helen là một người phụ nữ có nghị lực phi thường, một nhà hoạt động xã hội tích cực vì người mù mà còn biết đến bà như một tác gia nổi tiếng. Cho tới khi qua đời vào năm 1968 ở tuổi 87, bà đã có 11 cuốn sách và rất nhiều bài báo được xuất bản ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, trong đó có cuốn tự truyện vô cùng xúc động “Chuyện đời tôi”.

Cuộc đời của Helen Keller đặc biệt là quá trình học giao tiếp đáng kinh ngạc và cảm động của bà là nguồn cảm hứng của những nhà làm điện ảnh Mĩ. Nhiều bộ phim về Helen Keller đã ra mắt khán giả như bộ phim câm Giải thoát (Deliverance), hay các bộ phim nổi tiếng phóng tác từ vở kịch Người lao động phi thường (Miracle Worker), bộ phim Màu đen (Black) và bộ phim tài liệu Tâm hồn tỏa sáng (Shinning soul) được công chiếu năm 2005 thu hút được nhiều sự quan tâm của khán giả Mĩ và trên thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm