Vay tiêu dùng giảm, nợ xấu vẫn tăng

Minh Anh
17/11/2023 - 20:10
Vay tiêu dùng giảm, nợ xấu vẫn tăng

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Cho vay tiêu dùng và thu hồi nợ là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm

Chiếm 21,2% tổng dự nợ, tín dụng cho vay tiêu dùng đang là nỗi lo cho các ngân hàng và công ty tài chính khi tình trạng "bùng nợ" dẫn đến nợ xấu ngày càng gia tăng.

Tính đến hết tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính chiếm khoảng 5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.

Do vậy, đây vẫn là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội - ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nêu ý kiến.

Song, trước bối cảnh tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tạo ra thách thức trong hoạt động cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng, khiến tỷ lệ tăng trưởng thấp.

Cụ thể, cuối tháng 9 vừa qua, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng rất thấp trong 5 năm qua. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu lại có xu hướng tăng, khoảng 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng (trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên dưới 2%), tại các công ty tài chính còn có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty rơi vào tình cảnh khó khăn, thua lỗ khi phải trích dự phòng rủi ro.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tại hội thảo "Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tín dụng tiêu dùng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, các diễn giả đại diện từ các bộ, ngành liên quan, tổ chức tín dụng (TCTD) cùng nhau thảo luận, đưa ra ý kiến.

Vay tiêu dùng giảm, nợ xấu vẫn tăng mạnh- Ảnh 1.

Quang cảnh buổi hội thảo "Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tín dụng tiêu dùng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay"

Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng trưởng tín dụng thấp là do nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp giảm, thu nhập của người dân cũng giảm theo, nhu cầu tiêu dùng bị thắt chặt dẫn đến nhu cầu vay giảm sút và khả năng trả nợ gặp khó khăn.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác được ông Nguyễn Đình Đức, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Hiệp hội ngân hàng, đưa ra. Từ phía khách hàng, chủ yếu khách hàng vay là nhóm có thu nhập trung bình thấp, chưa đủ điều kiện để tiếp cận ngân hàng thương mại cấp tín dụng, hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm nhân sự làm suy giảm khả năng thanh toán; nhiều người còn có thái độ thiếu trung thực khi khai báo thông tin cá nhân và trách nhiệm trong việc hoàn trả khoản vay; đặc biệt trào lưu "bùng nợ tập thể" diễn ra tràn lan trên mạng xã hội.

Còn về phía công ty tài chính, những vụ việc tiêu cực tại một số công ty tài chính thời gian qua đã phần nào làm ảnh hưởng tới uy tín của toàn ngành, khiến người vay hiểu nhầm các công ty hoạt động phi pháp nên họ không cần trả nợ.

Tất cả những điều này đã khiến hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt đối với nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, một số TCTD còn buộc phải cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng để tránh nợ xấu phát sinh, điều này phần nào tác động tới hoạt động vay vốn của người dân bị thu hẹp lại.

Hướng tới thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng vay tín dụng, hạn chế nợ xấu, các chuyên gia, diễn giả tại hội thảo đều cho rằng, cần xây dựng khung pháp lý cụ thể nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay đối với các TCTD.

Ví như xây dựng quy định đối với nợ xấu, nợ xấu càng cao thì lãi suất cũng sẽ cao; quy định cụ thể để phân biệt các công ty tài chính được Ngân hàng nhà nước cấp phép hoạt động.

Ngoài ra, một số giải pháp được đề xuất gồm: tăng cường tuyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; Bộ Công an xem xét tạo điều kiện cho các TCTD, công ty tài chính tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần giảm thiểu gian lận trong trộm cắp, giả mạo danh tính; xây dựng hành lang pháp lý cho phép các tổ chức thu hồi nợ trung gian hoạt động thu hồi nợ, hỗ trợ ngân hàng và công ty tài chính trong hoạt động cho vay tiêu dùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm