Vẻ đẹp mê ảo của thanh đồng trong tranh sơn mài

20/02/2017 - 09:00
Với chất liệu sơn mài truyền thống, họa sĩ Trần Tuấn Long đã mô phỏng chân thực nhất hồn phách của các thanh đồng khi nhập giá.
3.jpg
 Họa sĩ Trần Tuấn Long bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của sắc màu đạo Mẫu

Những bức tranh sơn mài độc đáo này của họa sĩ Trần Tuấn Long sẽ được trưng bày trong triển lãm “Giá Thánh”, diễn ra từ ngày 8 đến 15/3/2017 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Không phải đến khi UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, họa sĩ Trần Tuấn Long mới quan tâm tới sắc màu của Đạo Mẫu. Từ gần 20 năm trước, anh đã bị mê hoặc bởi những khoảnh khắc phiêu đẹp đến mê hồn của sắc diện các giá hầu, bị đắm chìm vào những giai điệu, tiết tấu rộn ràng của nhạc văn, thả giấc mơ vào những nghi thức nhập hồn của các thầy đồng, bà cốt khi họ nhập giá hầu.

Nghi thức hầu đồng là nơi chứa đựng nguồn tư liệu sống phong phú về văn hóa Việt, bởi ở đó người ta nhìn thấy khía cạnh tâm linh, nghệ thuật diễn xướng cùng hòa quyện. Trong một không gian nhỏ mà các thanh đồng lần lượt trải qua các vai khác nhau, hóa thân thành những Ông Hoàng, Bà Chúa và cảm nhận được những uy quyền vô hình từ cõi trời cao đang tiến nhập vào bản thể. Sự thăng hoa đã đến một cách thật tự nhiên vào con người qua các vũ điệu, nghi lễ cúng tế, trong tiếng nhạc và những bộ trang phục sặc sỡ, tất cả những điều đó tạo nên sức cuốn hút diệu kỳ của tín ngưỡng dân gian này với con người.

Chính sự thăng hoa, cảm xúc nâng bản thể lên tầm mức thần linh đó đã được họa sĩ Trần Tuấn Long nắm bắt để đưa vào tác phẩm của mình. Sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống, anh đã nhuần nhuyễn tạo nên các đường nét uyển chuyển của trang phục, mô phỏng chân thực nhất hồn phách của các thanh đồng khi nhập giá.

2.jpg
Chất sơn ta mang lại cho tranh về hầu đồng vẻ đẹp lung linh, huyền ảo 

Đặc thù của hầu đồng là với mỗi giá, thanh đồng lại thay các bộ trang phục khác nhau, tiến hành các nghi thức cúng tế, múa hát và ban tài lộc khác nhau, từ đó tạo nên những chất liệu sống vô cùng phong phú để họa sĩ đưa vào tác phẩm. Chất sơn ta khi được xử lý đúng kỹ thuật cổ truyền đã mang lại cho tác phẩm vẻ đẹp lung linh và huyền ảo toát ra từ vàng son, bạc thếp…

Các nét vẽ nhân vật chính do họa sĩ thể hiện có thể được quy chiếu về trường phái cực thực bởi thần thái sống động và khuôn mặt rất có thần, sắc diện được thể hiện cực kỳ phong phú, song những mảng màu và họa tiết bổ trợ lại nghiêng về dòng siêu thực với những hình tượng thần, thánh, quỷ, tiên đồng, ngọc nữ…

Qua mỗi bức tranh, người xem nhận ra không gian của các gian điện thờ ở đâu đó đang vào mùa hội, cũng nhìn thấy ở đó một thế giới tâm linh đa sắc và có phần hoang dại của người Việt, hệt như những giấc mơ thời thơ ấu dưới mái nhà tranh, cũng hệt như những lời kể của các bà cụ về thế giới Thiên tào; Địa phủ cho lũ trẻ thơ trong đêm khuya thanh vắng hoặc giữa trưa hè của làng quê Bắc Bộ rợp bóng tre xanh…

“Hương lửa tam sinh” hoặc “Sống dầu đèn, chết kèn trống” là những câu đúc kết dân gian về đời sống của người Việt, từ đó nói lên ý với mọi nghi thức tâm linh thì lửa là yếu tố không bao giờ thiếu được. Trong tranh của Trần Tuấn Long, người xem như sẽ bị hút hồn vào những ngọn lửa thần thánh được bao phủ quanh nhân vật. Lửa bập bùng khơi lên lòng nhiệt thành tín ngưỡng, lửa dẫn dắt nhãn tuyến để đưa con người vào niềm say mê thuần thành với các cõi trời cao. Qua hương lửa mà con người tiếp xúc với thần linh, còn trong tranh, lửa tỏa sáng để nuôi dưỡng những giấc mơ đưa tâm hồn thăng hoa tới cõi vô cùng…

1.jpg
Ngọn lửa thần thánh bao phủ quanh nhân vật là một điểm hút hồn người xem của tranh Trần Tuấn Long 

Họa sĩ Trần Tuấn Long sinh năm 1967, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1995. Anh chuyên sáng tác chất liệu sơn mài cổ truyền, đã tham gia các triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm tại Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm