Vẻ hấp dẫn khó cưỡng của nhà ga lâu đời nhất Đông Dương

Vy Ngọc
20/12/2019 - 14:59
Vẻ hấp dẫn khó cưỡng của nhà ga lâu đời nhất Đông Dương

Đến thành phố ngàn hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), không một du khách nào có thể bỏ qua địa điểm tham quan nhà ga Đà Lạt. Nơi này đang khiến các bạn trẻ mê đắm check in bởi vẻ đẹp cổ kính có một không hai ở nơi này.

Đến thành phố ngàn hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), du khách ít khi bỏ qua địa điểm tham quan nhà ga Đà Lạt. Nơi này đang khiến các bạn trẻ mê đắm check-in bởi vẻ đẹp cổ kính có một không hai, nhất là trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2019.

Nhà ga này cách trung tâm thành phố hơn 2km. Có ga Đà Lạt, phố núi lại lãng mạn thêm. Từ thế kỷ trước sang thế kỷ này, những yêu thương cứ được nhân lên trong lòng người từ những xứ sở khác ghé thăm ga Đà Lạt một cách thơ, tình lãng đãng.

Bạn trẻ háo hức check-in vẻ đẹp cổ kính ở nhà ga lâu đời nhất Đông Dương - Ảnh 1.

Ga Đà Lạt được coi là nhà ga đẹp nhất Đông Dương và cả nước Pháp thời bấy giờ

Đặt chân đến ga Đà Lạt, du khách không chỉ thấy một nơi chốn để rong chơi, chụp ảnh với thành phố ngàn hoa, mà tại nơi đây, dòng lịch sử đọng lại phố. Năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin (một người Pháp sinh ra ở Thụy Sĩ) dẫn đầu đoàn thám hiểm đi về vùng núi phía tây của khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Sau hơn 1 tháng băng rừng, vượt núi, vào lúc 15h30 ngày 21/6/1893, đoàn thám hiểm lần đầu nhìn thấy cao nguyên Langbiang tuyệt đẹp, mây mù bao phủ.

Bạn trẻ háo hức check-in vẻ đẹp cổ kính ở nhà ga lâu đời nhất Đông Dương - Ảnh 2.

Bây giờ, những toa tàu ở ga Đà Lạt trở thành quán cà phê đầy cảm xúc với du khách

Vào thời điểm này, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương là Paul Dumer đang tìm một địa điểm thích hợp để xây dựng một khu nghỉ dưỡng kiểu châu Âu tại Đông Dương. Do vậy, bác sĩ Yersin viết thư cho Paul Dumer khẳng định rằng, cao nguyên Langbiang hội tụ đầy đủ các yếu tố để xây dựng khu nghỉ dưỡng lớn. Bởi nơi đây cao trên 1.500m, khí hậu lạnh, nguồn nước dồi dào, đất đai có thể canh tác và khả năng thiết lập đường giao thông thuận lợi.

Bạn trẻ háo hức check-in vẻ đẹp cổ kính ở nhà ga lâu đời nhất Đông Dương - Ảnh 3.

Mặt sau nhà ga Đà Lạt, từ dãy hành lang nhìn ra là một đường hỏa xa chạy dài tượng trưng cho chí phiêu lưu tang bồng của Yersin

Sau khi đi thị sát cao nguyên Langbiang, Paul Doumer rất ưng ý để xây dựng khi nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, vấn đề trước tiên là phải có đường giao thông từ đồng bằng lên đây. Do đó, năm 1901, Paul Doumer ký sắc lệnh lập tuyến đường sắt Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) - Đà Lạt. Dù vậy nhưng mãi đến năm 1912, dưới thời của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương là Albert Sarraut, tuyến đường sắt này mới được khởi công xây dựng. Và đến năm 1932, tuyến đường sắt này mới hoàn thành với chiều dài 84km.

Bạn trẻ háo hức check-in vẻ đẹp cổ kính ở nhà ga lâu đời nhất Đông Dương - Ảnh 4.

Những giai điệu ngọt ngào đắm lòng du khách ở ga Đà Lạt

Sau khi hoàn thành tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, năm 1932, Albert Sarraut cho xây dựng ga Đà Lạt. Đây được xem là nhà ga lâu đời nhất Đông Dương. Nhà ga do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế. Công trình dài 66,5m, ngang 11,4m, cao 11m, hoàn thành vào năm 1938.

Năm 1972, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phải ngưng hoạt động do một số đoạn bị cài mìn. Tháng 5/1975, tuyến đường này được khôi phục nhưng chạy chưa đến 30 chuyến thì chính thức ngưng chạy.

Bạn trẻ háo hức check-in vẻ đẹp cổ kính ở nhà ga lâu đời nhất Đông Dương - Ảnh 5.

Chiếc đồng hồ đặt trên đỉnh ở mặt tiền nhà ga tượng trưng cho thời gian bác sĩ Yersin chinh phục cao nguyên Langbiang

Mãi tới tháng 9/1991, Liên hiệp Đường sắt khu vực III kết hợp với ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng mới khôi phục lại một đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát dài 7km để tổ chức các chuyến du lịch ngắn ra ngoại ô bằng tàu hỏa phục vụ du khách đến Đà Lạt tham quan. Hiện nay, hoạt động trên tuyến đường này có hai đầu máy hơi nước, một do Nhật Bản chế tạo năm 1941 và một do Liên Xô cũ chế tạo năm 1968.

Hàng ngày, từ 8h đến 18h, cứ một tiếng rưỡi lại có một chuyến tàu phục vụ khách du lịch. Giá vé được chia thành 3 hạng: hạng VIP 150.000 đồng, hạng mềm 120.000 đồng, vé cứng 90.000 đồng cho cả đi và về. Tuy tàu kêu to lúc hoạt động và có tốc độ chạy chậm, mất khoảng 25 phút cho đoạn đường 7km nhưng đây lại là những trải nghiệm khiến nhiều du khách thích thú.

Bạn trẻ háo hức check-in vẻ đẹp cổ kính ở nhà ga lâu đời nhất Đông Dương - Ảnh 6.

Đầu máy hơi nước phơi mưa nắng với vẻ cổ kính trở thành nơi cho du khách chụp ảnh kỷ niệm

Ở ga Đà Lạt, nổi bật nhất là chiếc đồng hồ đặt trên đỉnh ở mặt tiền nhà ga, tượng trưng cho thời gian bác sĩ Yersin chinh phục cao nguyên Langbiang. Mặt sau nhà ga, từ dãy hành lang nhìn ra là một đường hỏa xa chạy dài, tượng trưng cho chí phiêu lưu tang bồng của Yersin.

Ngoài ra, việc thiết kế trần nhà theo lối vòm cao, xung quanh có các ô kính màu vừa để trang trí vừa để tăng cường chiếu sáng cho nhà ga. Phòng bán vé, phòng khách, phòng nhận hàng… tạo thành một dãy dài nên không án ngữ và làm vướng mắt du khách. Đứng trong nhà ga, du khách có cảm giác như đứng trong lòng dãy núi cao ấm cúng, vui vẻ; tiếng ồn vang vọng tạo ra ấn tượng mạnh mẽ sâu sắc khó quên trong buổi gặp mặt cũng như lúc chia tay.

Về kiến trúc, nhà ga Đà Lạt được thiết kế theo kiểu mái xuôi của vùng Massif Central (miền Trung nước Pháp) nên mái đủ độ dốc như sườn núi. Điều này cũng rất hợp với vùng có nhiều mưa như Đà Lạt, giúp thoát nước nhanh, khó bám rêu làm bẩn mái. Ga còn mang nét đặc thù riêng của Đà Lạt, đó là kiến trúc mặt trước của nhà ga lấy hình dáng đỉnh núi cao của cao nguyên Langbiang làm biểu trưng.

Bạn trẻ háo hức check-in vẻ đẹp cổ kính ở nhà ga lâu đời nhất Đông Dương - Ảnh 7.

Du khách lưu lại kỷ niệm khi tham quan nhà ga Đà Lạt

Với lối kiến trúc độc đáo, ga Đà Lạt được coi là nhà ga đẹp nhất Đông Dương và cả nước Pháp thời bấy giờ; đồng thời còn là nhà ga cao nhất Việt Nam vì nó nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển. Năm 2008, nhà ga Đà Lạt được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Ngoài 2 đầu máy hoạt động cho tuyến đường dài 7km, ở ga Đà Lạt hiện còn một đầu máy hơi nước phơi mưa nắng và nghiễm nhiên trở thành nơi cho du khách chụp ảnh kỷ niệm, cùng với đó là những toa tàu trở thành quán cà phê. Buổi sáng sớm hay chiều mờ sương, ga Đà Đạt vẫn sừng sững như lâu đài ẩn hiện dáng dấp của châu Âu, của núi rừng Langbiang, cùng hài hòa với nhà rông của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên khiến du khách không khỏi ngẩn ngơ.

Chi phí cho chuyến đi: Vé máy bay khứ hồi Hà Nội - TP Đà Lạt khoảng 4 triệu đồng; TP.HCM - TP Đà Lạt khoảng 2 triệu đồng. Vé xe khứ hồi Hà Nội - TP Đà Lạt khoảng 1,4 triệu đồng; TP.HCM - TP Đà Lạt khoảng 400.000 đồng. Ở Đà Lạt có hàng trăm khách sạn với mức giá phù hợp chỉ từ 300.000 đồng/đêm/phòng. Gà nướng cơm lam, lẫu gà lá é, nem nướng, các loại rau xanh, hoa quả tươi tại vườn… là những món ăn rất đặc trưng của thành phố ngàn hoa mà du khách nào khi đến đây cũng muốn thưởng thức.

Thung lũng tình yêu, đồi Mộng Mơ, hồ Tuyền Lâm, hồ Xuân Hương, thiền viện Trúc Lâm, quảng trường Lâm Viên, nhà thờ Con Gà, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt… là những địa điểm du lịch nổi tiếng mà du khách không nên bỏ qua khi khám phá thành phố mộng mơ này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm