Vì sao một thẩm phán tòa quận chặn được sắc lệnh Tổng thống Trump?

07/02/2017 - 07:00
Sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới lo ngại và hoang mang nhưng cũng chính từ nước Mỹ lại có 1 thẩm phán công tác tại toàn án quận ra phán quyết dừng sắc lệnh trên. Đây là nét đặc trưng về kiểm soát quyền lực ở Mỹ.
james-robart.jpg
Sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump bị thẩm phán liên bang James Robart (phải) chặn đứng.
Ngày 3/2, thẩm phán James Robart ra phán quyết ủng hộ đơn kiện của ông Bob Ferguson, Tổng chưởng lý Washington, trong đó đề nghị bác bỏ các điều khoản chính của sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump. Phán quyết lập tức có hiệu lực và được áp dụng trên phạm vi toàn nước Mỹ.

Hiện tổng chưởng lý của gần 20 bang tại Mỹ đã ra tuyên bố chung khẳng định “sẽ dùng tất cả mọi công cụ trong quyền hạn để chống lại sắc lệnh vi hiến" của ông Trump. Các bang đều cho rằng sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump đã vi phạm Tu chính án thứ 10 của Hiến pháp Mỹ.

Ông Robart được bổ nhiệm làm thẩm phán liên bang năm 2004 dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông làm việc tại tòa quận Tây Washington. Tuy ở cấp thấp nhất nhưng đây vẫn là tòa liên bang nên phán quyết định Robart có hiệu lực trên liên bang. Muốn khôi phục sắc lệnh hành pháp của mình, ông Trump sẽ phải tiếp tục kháng cáo tại tòa án khu vực và tòa tối cao, nơi các thẩm phán đưa ra phán quyết cuối cùng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao một vị thẩm phán làm việc ở một tòa quận lại có thể ra phán quyết dừng thực thi sắc lệnh của Tổng thống? Câu trả lời đến từ cơ chế phân chia quyền lực kiểu "tam quyền phân lập" của nước Mỹ do Hiến pháp qui định. 

Hiến pháp Mỹ qui định: Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội bao gồm Thượng viện và Hạ viện (còn gọi là "lưỡng viện"); Quyền hành pháp thuộc về Tổng thống. Tổng thống vừa đứng đầu nhà nước vừa đứng đầu bộ máy hành pháp, vừa thực hiện chức năng của nguyên thủ quốc gia, lại gần như độc lập với Quốc hội nên có quyền hành rất lớn và thực sự là trung tâm quyền lực của bộ máy nhà nước. Chủ thể của quyền tư pháp là tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới, hệ thống tòa án Mỹ được pháp luật trao cho những quyền năng hoàn toàn độc lập để giữ thế "kiềng 3 chân" trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Độc lập với hành pháp và lập pháp. Thẩm phán được hình thành bằng con đường bổ nhiệm và sau khi được bổ nhiệm, thẩm phán sẽ giữ chức vụ suốt đời nếu vẫn giữ đức hạnh xứng đáng.
tamquyenphanlap.png
 Minh họa về cơ chế tam quyền phân lập theo hiến pháp Hoa Kỳ. Nguồn: wikipedia
Trong điều hành của mình, tổng thống có quyền ban hành sắc với việc có hiệu lực ngay mà không cần Quốc hội thông qua. Vì vậy, sắc lệnh hành pháp luôn được các tổng thống Mỹ ưa chuộng để thể hiện quyền lực của mình. Chỉ mới nhậm chức từ ngày 20/1 nhưng Tổng thống Trump đã ký ban hành 20 sắc lệnh hành pháp có tác động lớn đến xã hội Mỹ và tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu. Sắc lệnh gây tranh cãi nhất của ông đến nay là chỉ thị ngừng tiếp nhận người tị nạn và cấm công dân 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Sắc lệnh đã khiến hàng nghìn người bị mắc kẹt tại các sân bay ở nước ngoài khiến lãnh đạo của nhiều nước đồng minh thân cận lên tiếng phản ứng. 
 
 
donald-trump-2.jpg
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm nhập cư hôm 27/1

Sự can thiệp của thẩm phán Robart giúp chặn đứng sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump đã thể hiện một góc độ đặc trưng của hệ thống chính trị Mỹ là cơ chế “kiểm soát và cân bằng”.

Tổ chức Tư pháp Mỹ có tổng cộng 94 đơn vị liên bang đặt trên khắp cả nước và 13 tòa phúc thẩm liên bang. Mô hình “tam quyền phân lập” đảm bảo một hệ thống kiểm soát và cân bằng với mỗi nhánh có thể hạn chế quyền lực của nhánh kia để không một bên nào trở nên quá mạnh, đảm bảo rằng quyền lực giữa ba bên cân bằng.
Người Mỹ tin tưởng mạnh mẽ rằng cơ chế “kiểm soát và cân bằng” đủ khả năng bảo vệ đất nước khỏi những nhà lãnh đạo độc đoán và lạm dụng quyền lực. Diễn biến vừa qua giúp nhiều người tin tưởng rằng ông Trump vẫn có thể bị kiểm soát.
bieu-tinh.JPG
Biểu tình của người dân chống sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 4/2 gửi đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang Mỹ Khu vực 9 (cao hơn tòa của ông Robart một bậc) để yêu cầu đảo ngược phán quyết của ông Robart. Thế nhưng, ngày 5/2, Tòa án phúc thẩm liên bang đã bác bỏ đơn kháng án của Bộ Tư pháp, yêu cầu bộ này và thẩm phán liên bang James Robart nộp bản tóm tắt quy phạm pháp luật trước khi tòa án này đưa ra quyết định cuối cùng.

Điều này có nghĩa là phán quyết của thẩm phán liên bang James Robart đình chỉ lệnh cấm thực hiện sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump tiếp tục có hiệu lực.
 
*Hệ thống tòa án liên bang Mỹ có 3 cấp độ gồm tòa án địa phương (tòa sơ thẩm), tòa án khu vực (cấp phúc thẩm thứ nhất) và tòa án tối cao (cấp phúc thẩm cao nhất). Các tòa này có quyền thẩm định một đạo luật hoặc một quy định nào đó của chính quyền xem nó có vi hiến hay xâm phạm quyền cá nhân của người dân hay không. Việc xem xét này thông qua các vụ kiện, tức là có người đâm đơn.
 
*Lịch sử Mỹ đã chứng kiến hai lần sắc lệnh hành pháp của tổng thống bị ngành tư pháp bãi bỏ: Sắc lệnh đầu tiên do Tổng thống Harry Truman ban hành năm 1952, yêu cầu chính phủ kiểm soát các nhà máy thép để tiếp tục sản xuất trong thời gian công nhân đình công thời kỳ chiến tranh Triều Tiên. Sắc lệnh thứ hai do Tổng thống Bill Clinton ban hành năm 1995 nhằm ngăn chính phủ ký hợp đồng với các công ty thuê người thay thế công nhân đình công.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm