Vì sao phụ nữ bị xâm hại tình dục ngại tố cáo?

21/03/2018 - 21:22
Định kiến, thái độ và hành vi phân biệt đối xử, thủ tục tố tụng kéo dài nhưng không nhạy cảm với những thương chấn tâm lý của nạn nhân... khiến nhiều người nản lòng, không muốn tố cáo tội phạm cũng như bỏ dở cuộc chiến pháp lý.
Chiều 21/3, tại Hà Nội, Liên hợp quốc tại Việt Nam đã công bố nghiên cứu: "Xét xử tội hiếp dâm: Hiểu rõ cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam".
Đây là nghiên cứu so sánh đầu tiên được thực hiện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cùng với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức.

Phát biểu khai mạc, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh, chính sách và ứng phó của cơ quan nhà nước đối với bạo lực đối với phụ nữ cần được điều chỉnh cho phù hợp với những nhu cầu, những ưu tiên cụ thể, đa dạng của phụ nữ, trẻ em gái.

kamal-malhotra.jpg
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam


Ông Malhotra chia sẻ: “Cùng với những nỗ lực để ngăn chặn ngay bạo lực, các hoạt động ứng phó của ngành tư pháp là vô cùng quan trọng để có thể chấm dứt chu kỳ bạo lực. Cần truyền tải một thông điệp rõ ràng rằng bất kỳ hành động bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nào cũng đều không thể chấp nhận được. Các nhà cung cấp dịch vụ tư pháp có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”.

anna-karin-jatfors.jpg
Bà Anna-Karin Jatfors - Phó Giám đốc UN Women khu vực châu Á-Thái Bình Dương 


Trình bày nội dung của nghiên cứu, bà Anna-Karin Jatfors - Phó Giám đốc UN Women khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên tiếng: “Nghiên cứu cho thấy có những rào cản phổ biến trong việc tiếp cận công lý mà những nạn nhân bị xâm hại tình dục đang gặp phải không chỉ là những khó khăn trong việc nhận được sự trợ giúp, mà còn ở thái độ, sự phân biệt đối xử của cảnh sát và các quan chức tư pháp được giao nhiệm vụ hỗ trợ. Hiểu được những rào cản này, là bước đầu quan trọng để đảm bảo công lý cho phụ nữ và chấm dứt tình trạng vụ án bạo lực tình dục không được xử lý một cách công bằng. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ là khởi đầu cho sự thay đổi ở cả hai nước".

Những phát hiện chính trong nghiên cứu chỉ ra rằng, phần lớn các nạn nhân bị hãm hiếp ở Thái Lan và Việt Nam đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận công lý. Đó là những rào cản về định kiến và khuôn mẫu đối với chính nạn nhân, thái độ và hành vi phân biệt đối xử, thủ tục tố tụng kéo dài nhưng lại không nhạy cảm với những thương chấn tâm lý của nạn nhân. Nạn nhân thường phải kể đi kể lại nhiều lần với nhiều người thực thi công vụ. Một nạn nhân cho biết đã phải tới sở cảnh sát hơn 10 lần để báo cáo. Những khó khăn, thách thức này khiến các nạn nhân cảm thấy nản lòng, không muốn tiếp cận và tự ti ở mọi giai đoạn của quá trình xét xử, từ khâu trình báo ban đầu cho đến phiên tòa xét xử.
nan-nhan.jpg
Nạn nhân bị xâm hại tình dục thường tự ti, lo sợ


Nghiên cứu cũng chỉ ra sai lầm khi cho rằng kẻ hãm hiếp thường là người xa lạ với nạn nhân. Trên thực tế, nạn nhân thường quen biết kẻ hãm hiếp. Cụ thể, 86% số vụ bạo lực tình dục tại Việt Nam có nghi phạm là người quen của nạn nhân.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những định kiến đã ăn vào gốc rễ cả người Việt và người Thái rằng không có chuyện chồng cưỡng bức vợ. Ngay cả cán bộ thực thi pháp luật cũng giữ những định kiến như vậy.
 
Ngoài ra, thủ tục tố tựng còn quá phụ thuộc vào chứng cứ pháp y, trong khi 76% nạn nhân bị bạo lực tại Việt Nam thương tích không nhìn thấy được. Cách thức xác định tội danh tình dục có thể dẫn đến việc chuyển trọng tâm sang hành vi của nạn nhân thay vì chú trọng tới hành vi của bị cáo. Đó là sự chú trọng vào mức độ tin cậy đối với nạn nhân thay vì chú trọng vào mức độ tin cậy của sự việc…
 
Dựa trên những phát hiện này, báo cáo khuyến nghị các xây dựng các dịch vụ tư pháp thiết yếu có chất lượng cho nạn nhân trong đó ưu tiên an toàn, bảo vệ và hỗ trợ cho họ; xây dựng năng lực thể chế để thay đổi văn hóa tổ chức và nâng cao nhận thức, sự nhạy cảm giới; đồng thời thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý và lập pháp toàn diện; lồng ghép bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ và các chính sách, thực hành và nguồn lực; xây dựng các cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình nội bộ và bên ngoài hiệu quả…
 
Ngoài ra, Việt Nam cần thiết lập dịch vụ tư pháp thiết yếu có chất lượng cho nạn nhân, thúc đẩy hoạt động ứng phó tích hợp, có điều phối giữa ngành tư pháp hình sự, chính phủ và các tổ chức xã hội… Ngoài ra, sẽ có thêm các cán bộ công an, tư pháp là nữ được đào tạo chuyên sâu vì ‘phụ nữ hiểu nhau hơn’.
nguyen-thi-kim-thoa.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa -Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính Bộ Tư pháp


Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa -Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính Bộ Tư pháp, nếu trước đây nạn nhân các vụ hiếp dâm không biết phải bắt đầu từ đâu khi đi tố cáo thì trong năm 2017, Bộ Tư pháp xây dựng cuốn sổ tay hướng dẫn kỹ năng áp dụng các quy định của bộ luật hình sự và bộ luật tố tụng hình sự trong các việc giải quyết bạo lực tình dục với phụ nữ. Theo đó, hướng dẫn chi tiết ‘từng bước’ cho nạn nhân bị xâm hại tình dục cần phải đi đâu, báo cáo với ai. Sổ tay cũng hướng dẫn cho cán bộ phụ trách pháp l‎ý các bước cần thực hiện có tính đến vấn đề nhạy cảm giới sao cho quy trình tiếp cận công lý‎ của phụ nữ được nhanh chóng, thuận tiện hơn, được tôn trọng hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm