Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Cẩn trọng với những biến chứng nguy hiểm

22/06/2019 - 09:40
Lộ tuyến cổ tử cung là một trong những bệnh phụ khoa thường xảy ra ở phụ nữ đã kết hôn hay trong độ tuổi sinh đẻ. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm khác.
Chị Quỳnh Nga (35 tuổi, Hải Dương) đã sinh con hai lần, con thứ 2 mới được 9 tháng tuổi. Gần đây, dù vẫn dùng bao cao su khi quan hệ tình dục nhưng chị bị ngứa ở vùng kín và ra nhiều khí hư, đặc biệt là sau kỳ kinh nguyệt. Khi đi khám ở phòng khám tư nhân, bác sỹ dự đoán có thể chị bị lộ tuyến cổ tử cung, đề phòng nguy cơ bị ung thư.
anh-bs-thuan.jpg
Bác sĩ Phan Thị Bích Thuận đang thăm khám cho bệnh nhân
 
Bác sĩ Phan Thị Bích Thuận, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, theo mô bệnh học, cổ tử cung bình thường được bao phủ bởi lớp biểu mô lát tầng (các tế bào gai) ở phía ngoài và lớp biểu mô tuyến (biểu mô trụ đơn) ở phía trong. Vùng chuyển tiếp ở lỗ ngoài cổ tử cung là ranh giới giữa biểu mô lát và biểu mô trụ.
 
Lộ tuyến cổ tử cung tức là các tế bào tuyến của lớp biểu mô tuyến ở phía trong cổ tử cung phát triển ra ngoài, xâm lấn mặt ngoài cổ tử cung, vẫn tiết dịch như ở trong cổ tử cung. Vì vậy, bệnh nhân thường có triệu chứng tăng tiết dịch trong âm đạo, khó chịu, khí hư có mùi hôi, có thể ra ít máu âm đạo giữa chu kì, đau, chảy máu trong hoặc sau quan hệ… Tình trạng này dễ dẫn đến viêm nhiễm - khi đó gọi là viêm lộ tuyến cổ tử cung. Lộ tuyến cổ tử cung hay gặp nhất là phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, những phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh rất ít gặp.
 
Nguyên nhân gây ra lộ tuyến cổ tử cung có thể do mang thai; sử dụng thuốc tránh thai; thay đổi nội tiết. Ngoài ra có một tỷ lệ nhỏ là do bẩm sinh.
 
Theo bác sỹ Thuận, lộ tuyến cổ tử cung là một tổn thương lành tính, không phải ung thư cổ tử cung như chị Nga lo ngại. Tuy nhiên cổ tử cung của người bị lộ tuyến rất giống với cổ tử cung của người phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Do đó, những phụ nữ bị lộ tuyến cổ tử cung cần làm các xét nghiệm sàng lọc loại trừ như: soi cổ tử cung, xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung, HPV định kỳ 6 tháng - 1 năm.
 
Để điều trị lộ tuyến cổ tử cung cần khám kỹ càng để xác định tình trạng bệnh. Nếu chỉ bị lộ tuyến, không có tình trạng viêm thì lộ tuyến sẽ tự khỏi do cổ tử cung có sự tái tạo: lớp biểu mô lát ở vùng lộ tuyến bò vào trong che phủ biểu mô trụ thành biểu mô lát. Nếu vùng lộ tuyến rộng hoặc lộ tuyến tái phát có thể kèm theo viêm thì điều trị bằng thuốc đặt đặc hiệu có chứa estrogen tác dụng tại chỗ. Sau khi đặt thuốc, tùy mức độ tổn thương có thể tiến hàng đốt vùng viêm lộ tuyến để tiêu diệt tế bào trụ giúp tế bào biểu mô lát tái tạo trở lại.
 
Điều kiện để đốt lộ tuyến cổ tử cung: Bệnh nhân phải làm xét nghiệm sàng lọc không có tổn thương nghi ngờ ung thư, không trong tình trạng viêm cấp, không mang thai. Các phương pháp đốt lộ tuyến cổ tử cung hiện nay: đốt điện (sử dụng nhiệt từ điện để đốt lộ tuyến), laser (dùng tia laser để tiêu diệt vùng lộ tuyến), áp lạnh (dùng khí ni- tơ lỏng, bay hơi ở nhiệt độ cực thấp, được dẫn qua một dụng cụ kim loại có thể áp sát vùng lộ tuyến cổ tử cung để đóng băng các miệng tuyến). Thường tiến hành đốt khi sạch kinh 3-5 ngày và kiêng quan hệ sau đốt ít nhất 4 tuần. Sau đó, khám lại sau 1-2 tháng. Nếu có bất thường như: khí hư hôi, đau bụng, chảy máu nhiều, có máu cục thì bệnh nhân khám lại ngay.
 
Sau quá trình điều trị lộ tuyến có thể sẽ để lại các di chứng lành tính như nang Naboth (là do biểu mô lát che phủ miệng tuyến nhưng chưa tiêu diệt triệt để, các tuyến này vẫn chế tiết, sau nhiều ngày tạo thành nang), cửa tuyến (giữa vùng biểu mô lát đã tái tạo vẫn còn vài miệng tuyến chưa bị tiêu diệt còn đang tiết nhày), đảo tuyến (là tập hợp của một số tuyến chưa bị tiêu diệt vẫn tiếp tục chế tiết). Đối với các di chứng lành tính trên, chỉ cần chống viêm nhiễm bằng cách khám phụ khoa định kì 6 tháng một lần nhằm phát hiện sớm các tổn thương, bệnh lí để điều trị và theo dõi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm