Viêm não Nhật Bản dễ bùng phát trong mùa hè

06/05/2016 - 11:07
Thời điểm này, các bệnh viện tại Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc viêm não. Tuy nhiên, theo dự báo, mùa hè năm nay sẽ nắng nóng gay gắt nên nguy cơ bệnh viêm não bùng phát sẽ cao.
Ngày 5/5, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay Hà Nội chưa ghi nhận ca viêm não Nhật Bản nào. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đây được xem là một trong những bệnh nguy hiểm và gây tỉ lệ tử vong, di chứng cao ở trẻ nhỏ cao (từ 25-35%)... Nếu bị những di chứng do viêm não, khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
viem.jpg
 Tiêm vaccine là một trong những biện pháp phòng bệnh viêm não hiệu quả 
Tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, ThS. Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, cho hay: BV cũng chưa ghi nhận ca viêm não Nhật Bản nào. Trước đó, BV từng tiếp nhận một số ca viêm não mô cầu, không có chùm ca bệnh nào.
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, mùa hè năm nay được dự báo nắng nóng sẽ gay gắt. Nhiều đợt nắng nóng kéo dài sẽ xảy ra. Cao điểm nhất của mùa hè ở miền Bắc là từ tháng 5 đến tháng 7. Trung bình mỗi tháng xảy ra 3 đợt nắng nóng, mỗi đợt kéo dài từ 5-7 ngày.

Thời tiết nóng, ẩm của miền Bắc là một trong những nguyên nhân chính gia tăng bệnh viêm não và một số bệnh. Virus viêm não Nhật Bản được truyền sang người qua vết đốt của muỗi  bị nhiễm bệnh, thường là muỗi vằn. Chim lội nước là ổ chứa virus trong thiên nhiên và lợn là ổ chứa quan trọng nhất virus này. Khi muỗi đốt các vật chứa virus này, rồi đốt người, người trong cuộc dễ bị bệnh. Bệnh thường bùng phát vào mùa hè và mùa thu. Trong vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới, sự lan truyền bệnh có thể xảy ra quanh năm, thường có một đỉnh cao trong mùa mưa.
 
“Viêm não Nhật Bản hay còn gọi là viêm não B, là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động. Viêm não Nhật Bản diễn biến theo 3 giai đoạn: Ủ bệnh-toàn phát-lui bệnh” , ThS. Nguyễn Trung Cấp nói.

Phân tích rõ hơn về bệnh cảnh viêm não Nhật Bản, TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ cho rằng: Ít hơn 1% số người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản biểu hiện bệnh cảnh lâm sàng. Ở những người có các triệu chứng, thời gian ủ bệnh (thời gian từ nhiễm trùng cho đến khi bị  bệnh) thường là 5-15 ngày. Triệu chứng ban đầu thường bao gồm sốt, đau đầu và nôn mửa.

Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Tiêm 2 lần cách nhau 7 – 14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ mỗi 3-4 năm tiêm nhắc lại. Ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt. Vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy... cũng là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm