pnvnonline@phunuvietnam.vn
Việt Nam - Australia: Hợp tác bền chặt trên hành trình thúc đẩy bình đẳng giới
Hình ảnh bà Phan Thị Phúc - phu nhân Cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong chuyến thăm Australia năm 1984 - một trong những bức ảnh đầu tiên có phụ nữ xuất hiện trong công tác ngoại giao giữa hai quốc gia
Nếu bạn đi ngang qua Đại sứ quán Australia tại Việt Nam trong tuần này, bạn sẽ thấy trên các bức tường ngoài Đại sứ quán là những hình ảnh mà Australia đã lựa chọn để đánh dấu cột mốc 50 năm kỉ niệm. Có lẽ, bạn cũng sẽ nhận thấy chỉ có nam giới xuất hiện trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng cho mối quan hệ của chúng ta trong hai thập kỷ đầu tiên.
Tôi thừa nhận điều này! Những bức ảnh đen trắng từ những năm 1974 – 1994 là về những nam giới xuất chúng, những con người kiến tạo đất nước, những con người đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta. Những người này đã đối thoại và đưa Australia trở thành quốc gia công nghiệp đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi ký kết Hiệp định Paris.
Có những bức ảnh cho thấy những chuyến thăm đầu tiên của các Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các Đại sứ của chúng ta. Có những bức ảnh kỷ niệm nhóm đầu tiên nhận học bổng đến Australia để học đại học và có những bức ảnh đánh dấu việc thiết lập quan hệ thương mại và kinh doanh. Và như những bức ảnh trước đó, những người đàn ông luôn xuất hiện trong khung hình, ngoại trừ bức ảnh của bà Phan Thị Phúc, phu nhân của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam lúc bấy giờ là ông Nguyễn Cơ Thạch, đang cho một chú kangaroo ăn tại Canberra năm 1984.
Tuy nhiên, những bức ảnh trưng bày bắt đầu thay đổi với sự xuất hiện của bà Susan Boyd, Đại sứ thứ 11 của Australia tại Việt Nam nhiệm kỳ 1994 đến 1997 và là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí này. Đây là nhà ngoại giao được kính trọng, là người tiên phong cho những người phụ nữ khác noi theo. Tiếp đến là các bức ảnh của Julia Gillard, nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia, trong cuộc gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Quentin Bryce, nữ Toàn quyền đầu tiên của Australia cũng được trưng bày, trong đó có chuyến đi quan sát các hoạt động của Australia trong việc phòng ngừa bệnh mù lòa với Tổ chức Fred Hollows.
Một bức ảnh khác là của Đại tá Nerolie McDonald, Tùy viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam và là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí này, đang chia tay một thành viên của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 của Việt Nam để đi Nam Sudan năm 2018. Đợt triển khai này có nhiều phụ nữ hơn so với hạn ngạch do Liên hợp quốc khuyến nghị cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (15%). Phần trưng bày kết thúc bằng bức ảnh về chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Australia Penny Wong. Đây là lần thứ ba một người phụ nữ đứng đầu bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và tất cả đều đến thăm Việt Nam nhiều lần trong nhiệm kỳ của mình. Thượng nghị sĩ Wong cũng đánh dấu là người đương nhiệm gốc Á đầu tiên và công khai là người đồng tính.
Chúng ta có thể thấy, nữ giới có sự nổi trội hơn trong mối quan hệ song phương bắt đầu ở cấp độ chính trị và ngoại giao. Từ năm 2010, Australia và Việt Nam bắt đầu khám phá các lĩnh vực có cùng lợi ích chung nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hợp tác phát triển. Ở thời điểm đó, Việt Nam xếp hạng 72 trên 134 quốc gia trong Báo cáo Khoảng cách Giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2010 và được xếp hạng 33 về cơ hội và sự tham gia làm kinh tế của phụ nữ.
Đây là điều ấn tượng đối với một quốc gia vừa thoát khỏi nghèo đói và chiến tranh thế kỷ 20, phản ánh văn hóa hỗ trợ dịch chuyển kinh tế và thu nhập độc lập của phụ nữ. Đến năm 2015, Việt Nam đã thành công trong việc giảm 2/3 tỷ lệ tử vong khi sinh và được coi là câu chuyện thành công toàn cầu về bình đẳng giới trong khả năng tiếp cận phổ cập giáo dục cơ bản, ngay cả trong so sánh với những nước có mức thu nhập cao hơn.
Australia xếp hạng 23 trong số 134 quốc gia trong báo cáo năm 2010. Quan hệ đối tác về bình đẳng giới đã có một nền tảng chung tốt đẹp. Hợp tác sớm tập trung vào quyền tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của phụ nữ. Australia hỗ hộ cho tổ chức MSI Reproductive Choices trong việc mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đến các huyện nông thôn và kết nối phụ nữ nông thôn biết đến các thông tin và sản phẩm liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục. Các phòng khám của MSI cũng được thành lập bên trong các nhà máy để công nhân nữ có thể tiếp cận. Australia đồng thời cũng hỗ trợ tổ chức CARE International các dự án tài chính vi mô và tạo thu nhập nhằm nâng cao sinh kế của phụ nữ nông thôn và giúp họ thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực.
Trong thập kỷ này, chương trình Học bổng Chính phủ Australia (Australia Awards) hàng đầu của chúng tôi đã hoạt động để khuyến khích phụ nữ Việt Nam đăng ký cơ hội học tập tại Australia. Sau các nhóm toàn nam giới ở những năm đầu, đến năm 2014, số lượng nữ giới được nhận học bổng đã vượt qua nam giới và kể từ đó điều này vẫn được tiếp tục. Đồng thời, quan hệ đối tác giáo dục của chúng tôi với Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo Phụ nữ (GeLEAD) tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng phát triển nhằm thiết kế chương trình ngoại khóa và hỗ trợ phụ nữ tham gia các chương trình lãnh đạo.
Việc ban hành Chiến lược Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ của Australia năm 2016 đã nâng cao quan hệ hợp tác về bình đẳng giới. Các dự án về bình đẳng giới của chúng ta trở nên lớn hơn về quy mô và phạm vi tiếp cận, đồng thời các mối quan hệ hợp tác của chúng ta phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là với Vụ Bình đẳng giới của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội dân sự. Sự hợp tác của chúng ta trải rộng trên nhiều chủ đề chính sách và khoảng cách giới.
Quan hệ đối tác ban đầu của chúng ta về bạo lực trên cơ sở giới bao gồm sự hợp tác của Đại học Flinders với Ngôi nhà Bình yên ở Hà Nội, cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Học viện Phụ nữ, để xây dựng các kỹ năng tập trung vào đối tượng được nhắm đến, hỗ trợ phục hồi tổn thương cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực. Chương trình đã kích hoạt thảo luận về vấn đề thành kiến và đổ lỗi cho nạn nhân, ngay cả giữa các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Australia tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Tổng cục Thống kê thông qua UNFPA để có các dữ liệu quan trọng về tỷ lệ bạo lực, vấn đề hạn chế trong việc tìm kiếm hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực, và vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật ngày càng gia tăng.
Hiện nay chúng tôi vẫn đang tiếp tục hỗ trợ Liên hợp quốc trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi ủng hộ Chính phủ và Quốc hội sửa đổi Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, bao gồm cả hỗ trợ chuyến thăm trao đổi tới Australia để gặp gỡ các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và các nhà hoạch định chính sách vào năm 2022. Luật này đã được thông qua vào tháng 10 năm ngoái, với số phiếu ủng hộ cao nhất so với bất kỳ đạo luật nào trong năm đó.
Cùng với đó, Việt Nam cũng được công nhận về khả năng dịch chuyển kinh tế của phụ nữ. Vì vậy, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ của quan hệ đối tác giữa hai nước. Chúng tôi ủng hộ nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất và phát triển thị trường, đặc biệt là trong nông nghiệp và du lịch ở các tỉnh Lào Cai và Sơn La, đồng thời tháo gỡ các rào cản của họ đối với thông tin, mạng lưới và công nghệ. Chúng tôi có sáng kiến đầu tư có tác động giới để tạo kênh tài chính cho các công ty do phụ nữ làm chủ, và chúng tôi làm việc với các công ty trong nước và công ty đa quốc gia tiên phong trong các hoạt động khuyến khích sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ tại nơi làm việc (dẫn đến tăng lợi nhuận) và thay đổi các chuẩn mực xã hội để hỗ trợ cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế với vị thế ngang bằng với đàn ông.
Các công việc của chúng tôi trong khu vực tư nhân cũng là phương tiện hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong đánh giá tác động giới và chuẩn bị hồ sơ lồng ghép giới để sửa đổi Bộ luật Lao động trong năm 2019. Bộ luật Lao động sửa đổi đã thu hẹp khoảng cách nghỉ hưu dựa trên giới tính, cũng như giải quyết vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Hiện chúng tôi đang làm việc với Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội về Luật Bình đẳng giới, trong đó việc xác định và công nhận bản dạng giới và các quyền không phân biệt giới là một vấn đề chính sách được ưu tiên thảo luận.
Australia cùng với Việt Nam, hiện đang quan tâm đến các khía cạnh về giới trong các chương trình nghị sự ưu tiên cao như biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, số hóa và đổi mới sáng tạo, các hiệp định thương mại và kinh doanh có trách nhiệm. Bằng cách nêu bật những tác động về giới trong các lựa chọn chính sách trong các lĩnh vực này, các quyết định có thể mở rộng khả năng tiếp cận các cơ hội tốt hơn và bảo vệ trước những tác động tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam trên khắp cả nước. Hỗ trợ bình đẳng giới giúp tăng cường sự thịnh vượng và ổn định của đất nước. Điều này cũng khẳng định phẩm giá và giá trị của phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả sự đa dạng của họ.
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với Việt Nam để tiếp tục hành trình thúc đẩy bình đẳng giới và hướng tới chặng đường tiến đến bình đẳng của hai đất nước.