Việt Nam có gần 1 triệu trẻ tự kỷ, 8 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp

02/04/2019 - 11:50
Chia sẻ trong buổi ra mắt seri Sách cho trẻ tự kỷ do mình chủ biên, GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh: Không ai khác ngoài phụ huynh mới là người quyết định trong sự tiến bộ của trẻ tự kỷ. Giáo viên chỉ can thiệp được 1-2 giờ/ngày, còn 14-15 giờ trong ngày phải do chính bố mẹ.
 

GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm, người đã có hơn 15 gắn bó với trẻ tự kỷ, cho biết, ở nước ta ước tính có gần 1 triệu trẻ tự kỷ. Đồng nghĩa là 2 triệu bố mẹ, 4 triệu ông bà, 1 triệu anh/chị/em bị tác động trực tiếp. Như vậy, có gần 8 triệu người ảnh hưởng trực tiếp - đó là vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến nhiều người nhưng tự kỷ chưa được quan tâm.

Theo GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm, mặc dù đa số trẻ tự kỷ có thể hòa nhập và có cuộc sống tương đối bình thường nếu được phát hiện và can thiệp sớm nhưng ở nước ta, rất nhiều trẻ tự kỷ được can thiệp muộn hoặc thậm chí không được can thiệp, nhất là trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi. Đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên về lĩnh vực giáo dục can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ còn rất ít. Các cơ sở giáo dục chuyên biệt hầu như chỉ có ở các thành phố. Bố, mẹ và gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục can thiệp cho trẻ nhưng đa số phụ huynh rất lúng túng vì thiếu kiến thức.

 

GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liềm: Đa số trẻ tự kỷ có thể hòa nhập và có cuộc sống tương đối bình thường nếu được phát hiện và can thiệp sớm

 

GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh, không ai khác ngoài phụ huynh mới là người quyết định trong sự tiến bộ của trẻ tự kỷ. Các phụ huynh phải dũng cảm đối mặt với thực tế, chấp nhận tình trạng của con mình. Nhiều phụ huynh giấu diếm, không dám công khai, không dám đưa con đi can thiệp hoặc đưa can thiệp quá muộn khiến cơ hội tiến bộ của các con không nhiều.

 

Theo GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm, chính cha mẹ giữ vai trò quyết định cho sự tiến bộ và quá trình hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Ảnh minh họa 

 

“Trường nào can thiệp nhiều nhất hiện nay cho trẻ tự kỷ cũng chỉ trong 2 tiếng, thông thường là 1 tiếng, còn các giờ khác là hoạt động bình thường. Thế nên 14-15 giờ phải nhờ đến bố mẹ can thiệp cho con. Bố mẹ phải nhẫn nại, dạy con từng li từng tí. Chính các bố mẹ giữ vai trò quyết định cho sự tiến bộ và quá trình hòa nhập cho trẻ tự kỷ”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết.

Ở các nước phát triển, một đứa trẻ tự kỷ cần 4-5 chuyên gia khác nhau phối hợp: Bác sĩ tâm thần nhi, chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục đặc biệt, trị liệu ngôn ngữ, bác sĩ phục hồi chức năng. Ở Việt Nam, trẻ tự kỷ có rất nhiều thiệt thòi. Khi có con tự kỷ, cha mẹ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn như thông tin thiếu thốn, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Với các cha mẹ thành đạt thì có sự sĩ diện lớn, giấu diếm, không đưa con đi can thiệp. Các cha mẹ bận công việc, không có thời gian, thiếu kinh nghiệm thực hành, không có sự kiên trì để dạy con. Trong khi đó, học phí cho trẻ tự kỷ khá cao. Việc không học thường xuyên sẽ khiến kết quả rất hạn chế.

Một trong những khó khăn nổi bật, theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, đó là đội ngũ giáo viên can thiệp rất thiếu, chưa được đào tạo can thiệp chuyên nghiệp, bài bản, trung tâm can thiệp rất ít. “Chúng ta chưa có một chính sách quốc gia nào dành cho trẻ tự kỷ. Quá trình điều trị các bệnh khác có vai trò chủ đạo là của ngành y tế thì điều trị bệnh tự kỷ cần sự kết hợp chặt chẽ giữa y tế và giáo dục. Tuy nhiên, sự kết hợp này hiện nay còn rời rạc và tách biệt. Cần xây dựng một chương trình giáo dục, can thiệp dựa vào gia đình, bằng các lớp đào tạo cho cha mẹ và giúp họ trở thành giáo viên cho chính con mình. Đây là cách tiếp cận tốt nhất trong bối cảnh hiện nay - đòi hỏi ít kinh phí nhất nhưng có thể giúp cho nhiều trẻ em ở nông thôn, miền núi, các gia đình có thu nhập thấp tiếp cận được các phương pháp can thiệp hiện đại. Vì vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ của các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh. 

 
Trước thực trạng tài liệu hướng dẫn can thiệp giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam, đặc biệt là những tài liệu hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” không nhiều, GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm (cùng các cộng sự nhóm từ thiện Nhịp Cầu Yêu Thương) và NXB Phụ nữ đã chung tay xuất bản một bộ SÁCH CHO TRẺ TỰ KỶ.
Bộ sách nhằm cung cấp cho các bậc cha mẹ, ông bà và người chăm sóc trẻ những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất, thực tế nhất, dễ áp dụng nhất để có thể hướng dẫn, giáo dục can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ tại nhà.

Bộ sách gồm 5 cuốn, trong đó có 3 cuốn sách của các tác giả nước ngoài - những chuyên gia, huấn luyện viên có chứng chỉ quốc tế về can thiệp và chăm sóc trẻ tự kỷ - được dịch sang tiếng Việt (Thúc đẩy giao tiếp - 300 trò chơi và hoạt động cho trẻ tự kỷ; Can thiệp phổ tự kỷ hằng ngày - Kết hợp giáo dục trong những hoạt động hằng ngày cho trẻ và gia đình; Hướng dẫn cha mẹ thực hành kỹ năng trị liệu hoạt động cho trẻ tự kỷ - Thực hành kỹ năng vận động, phối hợp cảm giác, tự đi vệ sinh…) và 2 cuốn sách viết bằng tiếng Việt (Nuôi dạy trẻ có rối loạn phổ tự kỷ trong môi trường gia đình; Những đứa trẻ mộng mơ) của các tác giả Việt - những bác sĩ, chuyên gia tâm lý, chuyên gia can thiệp trị liệu đặc biệt… có nghiên cứu chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm điều trị và can thiệp cho trẻ tự kỷ.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm