Viết tiếp 'huyền thoại Điện Biên'

07/05/2019 - 08:05
Chỉ ít ngày nữa thôi, Điện Biên Phủ sẽ vào mùa gặt mới tưng bừng, trên cánh đồng Mường Thanh tưới bằng nước sông Nậm Rốm - một dòng sông chảy qua trận mạc, chảy qua truyền thuyết, chảy qua hoài niệm, chảy qua những mối tình lãng mạn và chảy qua những mùa vàng no ấm...
image001.jpg
Tượng đài chiến thắng Điên Biên Phủ.

 

Những ngày này, như một lẽ tự nhiên, danh từ riêng Điên Biên Phủ với ý nghĩa thiêng liêng nhất, đã được chuyển hóa thành động từ, để chỉ sự sum họp, sự quay về với tinh thần đồng tâm hiệp lực, san sẻ yêu thương.

Mấy tuần qua, từ trên tháp chuông Nghĩa trang - Quảng trường A1, cứ vài mươi phút lại có một hồi chuông nghẹn ngào vút lên không trung, xoáy vào lòng người và lắng lại những dư âm da diết trong thẳm sâu tâm sự của khách thập phương. Chúng tôi đã thấy và thấy không chỉ một lần mà là nhiều lần, nhiều người, đứng lặng lẽ trước những hàng bia trắng trong nghĩa trang như thể 65 năm qua, bao nhiêu tâm sự buồn vui dành lại cho một lần này...

 

Đó là những người mắt đã mờ, chân đã chậm, có chung một tên gọi giản dị mà rất đẹp: Cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Họ từng là người lính thuộc các đại đoàn: 304, 308, 312, 316 và 351 từng tham gia trận huyết chiến “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm”...

 

Hôm nay, đứng trước 644 phần mộ trong Nghĩa trang liệt sỹ A1, ông Hoàng Văn Bình, 87 tuổi, nguyên chiến sĩ đại đội súng cối 120 (đơn vị tăng cường cho trung đoàn 174, sư đoàn 312, đánh đồi A1 đợt 3), giọng ngập ngừng như một triết gia: “Không phải bia mộ vô danh mà là dòng tên riêng của mỗi chiến sĩ đã hòa vào sông núi Điện Biên, làm thành huyền thoại Điện Biên với tất cả niềm vinh quang và sự trường tồn vĩnh cửu”.

 

chien-truong-dien-bien-phu.jpg
Cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Nguồn ảnh: Báo quân đội nhân dân
 

 

Sau hơn nửa thế kỷ vật lộn mưu sinh, hôm nay họ về đây chụm mái đầu bạc, soi vào mắt nhau để gặp lại mình, gặp lại đồng đội; để tiếc nhớ những người đã mất khi tuổi đời còn rất trẻ, để không bao giờ quên cái quá khứ oai hùng với “mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”.

 

Giờ đây, sau 65 năm với bao nỗ lực của các thế hệ người Điện Biên, trên mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa, một thành phố trẻ đang vươn mình trong hội nhập và phát triển. Năm xưa, hồi chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ QĐND Việt Nam phải mất hàng tháng trời “đạp rừng cắt núi” mới tới được Điện Biên. Còn nay, từ thủ đô Hà Nội, chỉ hơn nửa giờ trên chuyến bay bất kỳ, bạn đã tọa giữa Mường Thanh, để khoan khoái vít cong ngọn rượu cần từ bàn tay ngọc ngà của các “nàng tiên” xứ sở “hoa ban nở thành người con gái Thái” (thơ Trần Mạnh Hảo).

 

Ông Phạm Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) - cho biết: Để hoàn thành mục tiêu xây dựng TP Điện Biên Phủ đạt đô thị loại II vào năm 2020, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã xây dựng lộ trình cụ thể, đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu trên tất cả các lĩnh vực. Quý I/2019, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt trên 1.260 tỷ đồng (tăng hơn 80 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018). Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt gần 280 tỷ đồng (tăng hơn 11 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018). Tổng thu ngân sách trong quý I/2019 ước đạt 109 tỷ đồng. Đời sống người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần, hiện tại thành phố chỉ còn 0,38% hộ nghèo.

bao-pnvn-huu-thiem-3-mua-vang-canh-dong-muong-thanh.JPG
Các cô gái Thái gặt lúa trên cánh đồng Mường Thanh hôm nay

 

Chúng tôi đến xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên), xã đầu tiên hoàn thành xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Điện Biên và là 1 trong 11 xã được Chính phủ chọn xây dựng điểm Nông thôn mới trong cả nước. Ông Cà Văn Pánh - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Chăn - cho biết: “Hiện giờ, giả sử ai đó nói cánh đồng Mường Thanh thẳng cánh cò bay, thì đấy không chỉ đơn thuần là cách ví von cho có hình ảnh mà là một thực tế sinh động ở khắp các làng bản trong thung lũng”.

 

Được biết, từ chủ trương xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” nhiều mảnh ruộng nhỏ hợp lại thành khu ruộng lớn, nhiều khu ruộng lớn hợp lại thành cánh đồng dài dọc rộng ngang. Vậy là, vào các buổi chiều hàng ngày, cánh đồng Mường Thanh có diện tích lớn nhất trong số 4 bồn địa vùng Tây Bắc như câu ca “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, từng đàn cò sải cánh chao nghiêng trên đồng, chao nghiêng trên bờ vai các cô gái Thái hay lam hay làm, đẹp người đẹp nết. Một khung cảnh thôn quê yên bình với ruộng đồng xanh mướt, cánh cò chớp trắng và những  người nông dân làm ruộng bằng cơ giới hóa toàn phần.

 

Chỉ ít ngày nữa thôi, Điện Biên Phủ sẽ vào mùa gặt mới tưng bừng, trên cánh đồng Mường Thanh tưới bằng nước sông Nậm Rốm - một dòng sông chảy qua trận mạc, chảy qua truyền thuyết, chảy qua hoài niệm, chảy qua những mối tình lãng mạn và chảy qua những mùa vàng no ấm; làm phong phú, ý nghĩa và hấp dẫn thêm tên đất tên người Điện Biên. Thêm một dịp hạt gạo Mường Thanh theo chân du khách về với mọi miền Tổ quốc, tỏa hương thơm trong bữa cơm đoàn viên của các gia đình. Hạt gạo Mường Thanh là hạt nghĩa hạt tình, nhỏ bé và khiêm nhường thế nhưng đó là một phần tất yếu của huyền thoại Điện Biên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm