“Virus kỳ thị” người châu Á tác động nặng nề hơn với phụ nữ

Nhu Thụy
27/03/2021 - 12:46
“Virus kỳ thị” người châu Á tác động nặng nề hơn với phụ nữ
Từ đại dịch Covid-19, một loại virus vô hình khác là sự "thù hận, phân biệt chủng tộc với người châu Á" đang nảy sinh và "lây lan" nguy hiểm khắp nước Mỹ.
Phụ nữ gốc Á bị kỳ thị nhiều gấp 2-3 lần so với nam giới

Tình trạng kỳ thị với người gốc Á đang trở thành một trong những thách thức hàng đầu và có nguy cơ lan rộng tại Mỹ. Hậu quả virus Covid-19 càng nghiêm trọng, tâm lý thù hận người châu Á tại các nước phương Tây, trong đó có Mỹ lại càng dâng cao, dẫn tới nhiều hậu họa vô cùng nghiêm trọng.

Đã có không ít người Á châu đã phải hứng chịu sự nhục mạ, thậm chí hành hung vô cớ vì những "thuyết âm mưu" và những hiểu nhầm liên quan tới dịch bệnh. Lý do là bởi virus Covid-19 được biết đến đầu tiên từ thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc nên nó đã kích động làn sóng phân biệt chủng tộc, kỳ thị và thù hận nhằm vào người gốc châu Á.

“Virus kỳ thị” người châu Á tác động nặng nề hơn với phụ nữ - Ảnh 1.

Biểu tình kêu gọi xóa bỏ nạn phân biệt đối với người gốc châu Á

Những hành động cực đoan, như phỉ báng, đánh đập, tấn công người châu Á, tẩy chay doanh nghiệp châu Á tại nhiều nước phương Tây cũng "lây lan" với tốc độ không thua gì virus Covid-19. Chưa kể, trên mạng xã hội còn nhan nhản bài viết mang tính bài ngoại như đổ thêm dầu vào ngọn lửa thù hận chủng tộc vốn âm ỉ. 

Stop Asian American Pacific Islander (AAPI) - một tổ chức chuyên theo dõi các vụ việc kỳ thị, thù ghét người Mỹ gốc Á và gốc vùng đảo Thái Bình Dương - cho biết trong một năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng lên tại Mỹ đã ghi nhận 3.800 vụ việc chống lại người châu Á trên toàn nước Mỹ, 68% số vụ nhắm vào phụ nữ. Riêng từ ngày 1/1 đến 28/2/2021, đã có ít nhất 503 vụ việc được ghi nhận. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến tới các vi phạm quyền công dân.

Điều đáng buồn, phụ nữ là nạn nhân của các vụ kỳ thị nhiều hơn gấp 2-3 lần so với nam giới. Người Trung Quốc là nhóm dân tộc lớn nhất (42,2%) bị kỳ thị, tiếp theo là người Hàn Quốc (14,8%) và Việt Nam (8,5%). Báo cáo cho thấy quấy rối bằng lời nói (68,1%), né tránh (20,5%) và hành hung thân thể (11,1%) trong tổng số các vụ kỳ thị và phân biệt chủng tộc. Theo báo cáo, các doanh nghiệp là nơi diễn ra chủ yếu các vụ phân biệt đối xử (35,4%), tiếp theo là đường phố (25,3%) và công viên (9,8%). Kỳ thị trực tuyến chiếm 10,8% tổng số vụ. Có 1.691 trong tổng số vụ (44,56%) diễn ra ở California, 517 (13,62 %) ở bang New York.

Hàng nghìn người Mỹ đã tuần hành hôm 21/3 trên khắp quốc gia để phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á, đặc biệt là sau khi 6 phụ nữ châu Á nằm trong số 8 người thiệt mạng trong vụ xả súng tại 3 tiệm massage ở bang Georgia. Tại California, hàng trăm người viết thông điệp kêu gọi "Chấm dứt thù ghét người châu Á" trên vỉa hè quảng trường Portsmouth. Còn tại bang Pennsylvania, nữ diễn viên Sandra Oh kêu gọi hàng trăm người tham dự biểu tình ở Pittsburgh giúp người Mỹ gốc Á đối mặt với nạn quấy rối.

Trong tuyên bố nhân Ngày quốc tế Xóa bỏ phân biệt chủng tộc (21/3), Tổng thống Joe Biden thừa nhận Mỹ đang đối mặt với rất nhiều vấn đề về phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bản địa bài ngoại. Ông kêu gọi nỗ lực chung nhằm chấm dứt tình trạng này và cam kết thay đổi các luật hiện hành ở Mỹ vốn được cho là "dung túng" sự phân biệt đối xử.

Lịch sử mang màu sắc kỳ thị màu da

Nước Mỹ là quốc gia đa sắc tộc nhưng luật bất thành văn, màu da vẫn là một tiêu chí để nhìn nhận, đánh giá một con người ở đây bởi nước Mỹ vốn là đất nước được biết đến một phần vì lịch sử gắn với nạn phân biệt chủng tộc. Việc phân biệt đối xử với người gốc Á từng được luật hóa trong đạo luật 1875 và đạo luật Loại trừ người Trung Quốc 1882. Đây là 2 đạo luật đầu tiên về vấn đề nhập cư, được thông qua để cấm những người lao động gốc Trung Quốc vào Mỹ do tâm lý bài ngoại và lo ngại người gốc Á cạnh tranh việc làm với người Mỹ lúc đó.

Cùng với việc hạn chế nhập cư, các đạo luật này của Mỹ cũng nhằm mục đích ngăn cản người gốc Trung Quốc hay người gốc Á không thể trở thành công dân Mỹ trong nhiều thập niên. Theo Giáo sư xã hội học Grace Kao của Đại học Yale thì ngay từ những ngày đầu khi nước Mỹ mới thành lập, người Mỹ đã luôn không muốn người gốc Á trở thành một phần cộng đồng của họ.

“Virus kỳ thị” người châu Á tác động nặng nề hơn với phụ nữ - Ảnh 2.

Biểu tình kêu gọi bảo vệ phụ nữ gốc châu Á

Những đạo luật mang tính chất kỳ thị người gốc Á ở Mỹ đã bị bãi bỏ từ năm 1940, nhưng sự kỳ thị thì vẫn còn đó, ngay cả vào những ngày này của thế kỷ 21. Cựu Thống đốc bang Washington, ông Gary Locke, người Mỹ gốc Hoa, từng phát biểu với báo giới rằng người Mỹ gốc Á, dù có thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, hay thứ tư thì vẫn bị coi là người nước ngoài.

Năm 1990, bệnh dịch hạch bùng phát ở San Francisco. Dịch bệnh được cho là bắt nguồn từ một con tàu từ Australia, tuy nhiên, khi bệnh nhân đầu tiên trên toàn bang California là một người nhập cư Trung Quốc, toàn bộ cộng đồng người Trung Quốc đã bị đổ lỗi vì dịch bệnh. Ngay trong đêm, cảnh sát thành phố San Francisco đã bao vây khu phố Trung Quốc và cấm mọi người dân trừ người da trắng ra vào nơi này. Các cư dân Trung Quốc phải đối mặt với việc bị khám xét nhà và phá hoại tài sản bằng vũ lực.

Tiếp đến, sau vụ tấn công khủng bố 11/09/2001, tội ác hận thù đã gia tăng trước những người theo đạo Hồi hoặc được cho là theo đạo Hồi bao gồm người dân có nguồn gốc từ Nam Á. Một cuộc khảo sát năm 2017 của trường Sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học Harvard cho thấy, người Mỹ gốc Á đối mặt với bất công trong các lĩnh vực như nhà cửa, việc làm và công lý xét xử ít hơn so với các nhóm chủng tộc da màu khác tại nước Mỹ.

Các cuộc biểu tình bạo loạn chống nạn phân biệt chủng tộc vừa qua ở Mỹ dường như cho thấy một thực tế rằng nước Mỹ đang ngày càng chia rẽ, không những về kinh tế, tôn giáo và văn hóa mà còn cả về sắc tộc. Bởi đây không phải lần đầu tiên làn sóng biểu tình phản đối nạn kỳ thị chủng tộc tại Mỹ biến thành các vụ bạo lực, thù hận sắc tộc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực toàn diện để chặn đứng cơn "sóng thần" thù hận và bài ngoại. "Có hai điều mọi người cần nhớ mỗi sáng thức dậy: Rửa tay và đừng trở thành kẻ phân biệt chủng tộc" - Thông điệp của Liên hợp quốc được nhắc đi nhắc lại trong những ngày đại dịch. Đây là lời cảnh báo rằng tư tưởng kỳ thị, cực đoan và thù hận chủng tộc có thể còn nguy hiểm hơn cả virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. 

Nhìn xa hơn, hiện tượng kỳ thị chủng tộc cũng tồn tại và lan rộng ở nhiều nước phương Tây như tâm lý thù ghét người di cư hay người Hồi giáo, người Do Thái... Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới cũng đã lên tiếng phản đối hành vi lợi dụng dịch bệnh để phân biệt chủng tộc, kích động thù hận.

Nguồn: Policio, Guardian, NYT
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm