Hành trình từ túp lều nhân ái đến bệnh viện 35 giường
Sau khi kế hôn, năm 1992, cặp vợ chồng bác sĩ Regi M George và Lalitha rời bệnh viện thuộc thị trấn ở Gandhigram, bang Tripura (Ấn Độ) đến thăm thung lũng Sittilingi, một ngôi làng dân tộc thiểu số nằm dưới chân dãy đồi Kalrayan và Sitteri, thuộc quận Dharmapuri, bang Tamil Nadu. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông. Khi có vấn đề về sức khỏe, họ thường tìm đến các thầy cúng bởi để tới bệnh viện gần nhất, họ phải vượt qua 50 km. Với những bệnh cần phải phẫu thuật thì họ phải đi xa hơn, khoảng 100 km. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở nơi này là 150/1000, cứ 5 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ qua đời.
Sau chuyến đi này, bác sĩ Regi và vợ là bác sĩ Lalitha quyết định đến đây với những người dân đang cần họ. Giữa chốn núi rừng, khó khăn thiếu thốn trăm bề, những người dân địa phương đã xây cho họ một túp lều trên một mảnh đất công. Đây vừa là nơi ở, vừa là nơi khám chữa bệnh cho mọi người. Trong phòng khám chỉ có một bóng đèn 100W và một cái ghế dài cho bệnh nhân nằm. Những ca sinh nở và những ca phẫu thuật nhỏ không còn cách nào khác phải tiến hành trên sàn nhà.
Trước hoàn cảnh đó, bạn bè và mạnh thường quân đã quyên góp tiền để xây cho họ một bệnh viện đàng hoàng hơn. 3 năm sau thì túp lều của họ trở thành bệnh viện với 10 giường. Đến nay, bệnh viện của họ đã có 35 giường, có cả khu chăm sóc tích hợp và các phòng khám chuyên khoa riêng biệt được trang bị đầy đủ các thiết bị như: máy thở, máy siêu âm, máy nội soi… như bất kỳ một phòng khám hiện đại nào.
Do tập quán, một số người dân địa phương vẫn tìm đến các thầy phù thủy khi có người thân bị bệnh hay bị tai nạn. Bác sĩ Regi và vợ ông đã học được rằng: Nếu muốn chữa bệnh cho họ, phải tôn trọng niềm tin của họ. Đồng thời, giúp họ hiểu rằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe luôn có sẵn và phục vụ họ với giá cả phải chăng. Một ca sinh nở cho người nghèo chỉ tốn khoảng 1.000 rupee (khoảng 335 ngàn đồng). Mọi đứa trẻ được sinh ra ở đây đều được phát phiếu khám bệnh màu hồng, bảo đảm rằng trẻ được chăm sóc sức khỏe miễn phí đến 3 tuổi. Nhờ vậy mà tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở làng Sittilingi từ 150/1000 đã giảm xuống còn 22/1000. Trong 10 năm qua, không còn bà mẹ nào tử vong khi sinh con nữa. Trước đây, các ca sinh nở thường diễn ra tại nhà, tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ rất cao.
Ngoài việc khám chữa bệnh, ông bà Regi và Lathi đã tổ chức tập huấn kiến thức về sức khỏe sinh sản cho các tình nguyện viên ở địa phương. Trong các trường hợp thai phụ không được khỏe, các tình nguyện viên này sẽ đưa họ đến bệnh viện ngay khi chuyển dạ, hoặc giúp các bà mẹ có kiến thức bảo vệ sức khỏe của mình, chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách...
Thay đổi một vùng quê
Hiện nay, bệnh viện của bác sĩ Regi hoạt động dựa trên sự đóng góp của các nhà tài trợ. Bệnh nhân đóng góp theo khả năng họ có thể. 95% nhân viên của bệnh viện là người dân tộc thiểu số ở địa phương. Họ được đào tạo cẩn thận và thạo nghề đến mức có thể làm mà không cần giám sát, trong đó, phần lớn là phụ nữ. Đó là bước đột phá lớn cho cộng đồng vì nơi đây người ta đã quen với tập quán gái lớn lên là phải lấy chồng thay vì đi làm. Song song đó, bác sĩ Lalitha cũng giúp họ khôi phục nghề thêu truyền thống ở địa phương để mọi phụ nữ đều có công ăn việc làm. Ngoài ra, họ còn giúp người dân hiểu lợi ích của thực phẩm hữu cơ. Họ vận động người dân từ bỏ việc sử dụng thuốc trừ sâu và trồng thực phẩm không có hóa chất để tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe.
Lý giải về việc vì sao mình ôm đồm quá nhiều việc, bác sĩ Regi nói rằng: “Xây bệnh viện và khám bệnh cho người dân thôi thì chưa đủ. Chúng tôi muốn giúp họ có lối sống lành mạnh, điều này có lợi cho cộng đồng về nhiều mặt”. Nhìn lại cuộc hành trình đã qua, bác sĩ Regi nói: “Khi mới bắt đầu, chúng tôi không có gì ngoài tấm lòng thành. Đôi khi, phải nhắm mắt lại để đi theo những điều trái tim mách bảo và giữ vững niềm tin với những việc mình làm. Thấy người dân cần mình, chúng tôi muốn giúp họ một tay. Và may mắn thay, mọi chuyện diễn ra một cách thuận lợi, giống như nhà văn Paulo Coelho từng nói: “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó".