Lúc con còn bé, vợ chồng anh Nguyễn Duy Tùng (Văn Quán, Hà Đông) không mâu thuẫn vì việc chăm sóc con anh “nhường” cho vợ. Thế nhưng, khi con gái lớn lên một chút, cần phải dạy dỗ, hai vợ chồng suốt ngày lục đục, cãi vã vì bất đồng quan điểm trong việc giáo dục con.
Anh Tùng chiều con vô đối, hễ con đòi gì anh cũng sẵn sàng đáp ứng. Anh làm hộ con mọi việc, từ cầm cặp sách cho con đến việc tắm rửa, đút cho con ăn dù con đã 8 tuổi. Trong khi đó, vợ anh lại muốn rèn con bằng “kỷ luật thép”: Đến giờ thì phải học, ngủ cũng phải đúng giờ, con tự lo vệ sinh, ăn uống…
Cứ nhìn thấy vợ rèn con là anh Tùng "gầm ghè" với vợ. Anh xót con và cho rằng, con gái thì phải chiều chuộng, yêu thương. Nhiều hôm, thấy vợ bắt con ngồi vào bàn học, anh liền rủ con đi siêu thị. Đến giờ con ngủ, anh rủ con cùng xem phim trên ipad.
Với cách chiều con vô điều kiện nên không cần nói cũng biết cô con gái rất yêu bố. Những quy định của mẹ trở nên vô nghĩa vì không thích là con quay sang cầu cứu bố. Cô con gái cũng vì thế mà trở nên bướng bỉnh, chống đối mẹ, không coi mẹ ra gì…
Chị Minh Loan (vợ anh Tùng) vô cùng điên tiết với chồng. Không có ngày nào hai vợ chồng không hậm hực, cãi vã vì con. Ai cũng bảo thủ, muốn dạy con theo cách của riêng mình. Có những lúc mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, họ còn nghĩ đến chuyện… ra tòa.
Theo chuyên gia tâm lý Đặng Phương (Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật), cha mẹ bất đồng trong việc giáo dục con, đứa trẻ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bởi, trong khi mải tranh cãi xem cái gì tốt nhất cho đứa trẻ, cha mẹ chỉ mải bảo vệ cái tôi của mình, bảo vệ quan điểm và thành kiến của mình chứ không muốn mở lòng để lắng nghe và thấu hiểu người còn lại.
Điều quan trọng hơn là, trong khi khi người lớn mải tranh phần đúng, họ vô tình phớt lờ chính đứa trẻ và những nhu cầu quan trọng của đứa trẻ. Người lớn rất dễ mất tỉnh táo để rồi mất khả năng quan sát và thấu hiểu đứa trẻ.
Theo chị Đặng Phương, việc người lớn lựa chọn vì đứa trẻ thể hiện qua việc: Dành nhiều thời gian cho đứa trẻ, biết chơi với nó, biết lắng nghe nó và hiểu nó. Làm được điều đó, đứa trẻ cực kỳ tin tưởng người lớn ấy, sẵn sàng thể hiện bản thân nó cũng như nói được cho người lớn biết nó cảm thấy như thế nào và suy nghĩ gì trong khả năng nhận thức và ngôn ngữ của trẻ. Ngoài ra, người lớn đó liên tục điều chỉnh chính suy nghĩ và hành vi của bản thân trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Một người lớn khăng khăng rằng, đứa trẻ cần được giáo dục theo cách nào đó nhưng lại không dành thời gian để hiểu nó và không tôn trọng nó thì khó có thể lựa chọn những thứ thích hợp cho đứa trẻ.
“Cha mẹ cần cố gắng lên một kế hoạch chung vì đứa trẻ. Người trực tiếp dành thời gian chăm sóc và dạy đứa trẻ nên có tiếng nói nhiều hơn vì người đó hiểu đứa trẻ hơn. Người không trực tiếp nuôi dạy nhiều cũng có thể có những đóng góp rất quý vì người ấy có thể quan sát người kia và đứa trẻ để nhận ra những thay đổi tích cực cũng như tiêu cực. Việc này chỉ có thể thực hiện được khi cả người cha và người mẹ không bị chi phối bởi nhu cầu khẳng định bản thân và kiểm soát người khác. Sự căng thẳng của cha mẹ đã tạo nên môi trường không tốt cho sự phát triển của trẻ”, chị Đặng Phương đưa ra lời khuyên cho các bố mẹ.