Vòng luẩn quẩn giữa 'tiêu chảy và suy dinh dưỡng' do thực phẩm không an toàn

18/10/2018 - 22:39
Chia sẻ tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Hà Nội, nhiều nhà khoa học nữ cho rằng an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và an ninh thực phẩm có mối liên quan mật thiết với nhau. Thực phẩm không an toàn gây ra bệnh tật và suy dinh dưỡng, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Tránh gánh nặng kép về suy dinh dưỡng
 
Một trong những vấn đề được tập trung bàn thảo tại Hội nghị lần này là "Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm". Đó là mối quan tâm lớn của GS.TS Lê Thị Hợp - Phó Ban Khoa học Công nghệ và Kinh tế tài chính, Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam.
 
cac-nha-khoa-hoc-vn.jpg
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và Ban tổ chức chụp ảnh chung với các nhà khoa học nữ Việt Nam

  

Theo bà Hợp, gánh nặng kép về suy dinh dưỡng (SDD) là sự tồn tại cả thiếu dinh dưỡng và thừa cân béo phì, hay các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng trong mỗi cá thể, hộ gia đình và cộng đồng xuyên suốt cả cuộc đời. An toàn thực phẩm, dinh dưỡng và an ninh thực phẩm có mối liên quan mật thiết với nhau. Thực phẩm không an toàn gây ra bệnh tật và SDD, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi và người bệnh. Ước tính khoảng 600 triệu người - khoảng 1/10 dân số trên thế giới bị bệnh sau khi ăn phải thực phẩm ô nhiễm và 420.000 người chết hàng năm. Trẻ em dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng 40% gánh nặng bệnh tật với 125.000 trẻ chết hàng năm. Các bệnh do thực phẩm kìm hãm phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến hệ thống y tế, gây thiệt hại cho kinh tế quốc gia, du lịch và thương mại.
 
an-toan-thuc-pham-2.jpg
Các bà mẹ cần chọn lựa thực phẩm an toàn cho trẻ

 

Bà Hợp còn nhấn mạnh rằng, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, khi nhiệt độ tăng làm thay đổi các yếu tố nguy cơ liên quan đến sản xuất, bảo quản và phân phối thực phẩm. Thực phẩm không an toàn gây ra mối đe dọa đối với y tế thể giới, gây nguy hiểm cho tất cả mọi người. Thực phẩm không an toàn gây ra vòng luẩn quẩn giữa “Tiêu chảy và suy dinh dưỡng”, đe dọa những đối tượng có nguy cơ cao. Hàng năm khoảng 220 triệu trẻ em bị mắc tiêu chảy và 96.000 tử vong.
 
le-thi-hop-3.jpg
GS.TS Lê Thị Hợp (bìa trái) trao phần thưởng cho những cá nhân có nhiều đóng góp trong Hội nghị Khoa học Dinh dưỡng toàn quốc lần thứ 9 (tháng 5/2018)

 

Cũng theo bà Hợp, an toàn thực phẩm hỗ trợ cho phát triển kinh tế, du lịch và thương mại của quốc gia; đóng góp cho an ninh thực phẩm và an ninh dinh dưỡng cũng như phát triển bền vững. Các chính phủ cần coi an toàn thực phẩm là một vấn đề ưu tiên cho sức khỏe cộng đồng. Từ đó, cần xây dựng chính sách, các quy định, đưa ra và triển khai hệ thống an toàn thực phẩm để chắc chắn rằng các nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm trong cả hệ thống có trách nhiệm tuân thủ các quy định và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Hội Nữ trí thức khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần tham gia và có trách nhiệm hơn nữa trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm và gánh nặng kép về SDD.
 
Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ an toàn thực phẩm
 
GS.TS Phan Thị Kim - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng - cho biết, tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình Dương, bà hy vọng sẽ có nhiều chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.
 
Theo bà Kim, là người nội trợ, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nên phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Sự “liên kết 4 nhà” luôn có sự gắn kết các nhà khoa học, quản lý, người tiêu dụng, doanh nghiệp với mục đích là bán sản phẩm ra thị trường có sức khỏe cho người tiêu dùng. Mục tiêu đặt ra là bảo vệ sức khỏe vừa thúc đẩy thương mại phát triển.
 
Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước đều quan tâm đến ô nhiễm môi trường và ô nhiễm thực phẩm. Hai vấn đề này gắn chặt với nhau vì ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến thực phẩm trong đất, nước và không khí. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhiều thách thức lớn, cần có nhiều giải pháp giải quyết triệt để hai vấn đề này.
 
phan-thi-kim-1.jpg
GS.TS Phan Thị Kim

 

Ở Việt Nam, cần áp dụng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Doanh nghiệp căn cứ vào các tiêu chuẩn đó để sản xuất, nhà quản lý cũng căn cứ tiêu chuẩn để kiểm soát, người tiêu dùng theo dõi giám sát để mục tiêu cuối cùng là sản xuất ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
 
10 năm gần đây, cả hệ thống chính trị quyết liệt với vấn đề an toàn thực phẩm. Năm 2018, TTCP Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính vềan toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn có Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Đó là những khung pháp lý cao nhất để làm căn cứ để quản lý chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm.
 
anh-bai-duoi.jpg
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh minh họa

 

Tuy nhiên, muốn giải quyết an toàn thực phẩm thì toàn xã hội phải vào cuộc, trong đó có các nhà khoa học. Nhà khoa học làm thế nào đó để tìm được các giải pháp về công nghệ mới để giúp cho doanh nghiệp làm đúng an toàn sản phẩm. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước người dân rằng sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng. Để làm được điều đó, cần chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp, người tiêu dùng để cùng cộng tác, liên kết để sản xuất ra các sản phẩm từ trang trại tới bàn ăn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn, đảm bảo cả chuỗi cung ứng.
 
Ngoài ra, cần áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến ISO để một sản phẩm sản xuất ra được biết được sản xuất từ đâu, cơ sở nào, truy xuất nguồn gốc… Nếu đề phòng được từ xa thì tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực, còn nếu sản phẩm sản xuất ra có nhiều rủi ro thì tổn thất rất lớn. Người sử dụng thì có thể mắc bệnh, doanh nghiệp mất uy tín, đất nước cũng bị ảnh hưởng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm