Mới đây, thông tin nữ công nhân tử vong khi truyền dịch khiến người dân lo lắng. Cũng bởi, nhiều người có thói quen hễ thấy mệt là nhờ nhân viên y tế truyền dịch. Thậm chí, khi không được đồng ý, người dân còn nài nỉ để xin được truyền.
Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), truyền dịch có nhiều loại. Ví như dịch truyền cung cấp nước, các chất điện giải cho cơ thể; Dung dịch tái lập cân bằng kiềm toan trong cơ thể, thường dùng trong trường hợp cơ thể bị bệnh; Dịch truyền cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng, acid amin thiết yếu cho cơ thể, dùng trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh không thể ăn qua đường tiêm tĩnh mạch; Dịch truyền thay thế máu dùng trong trường hợp người bệnh bị mất máu.
Trong các loại dịch truyền trên thì dịch truyền cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng, acid amin thiết yếu cho cơ thể thường bị lạm dụng nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể truyền dịch.
Theo ông Bắc, cơ thể mỗi người đều có các chỉ số trung bình trong máu, về đường, muối, các chất điện giải. Nếu một trong các chỉ số trung bình trên còn thấp hơn mức độ chỉ số bình thường cho phép thì phải bù đắp. Tuy nhiên, để bù đắp những chất gì, số lượng bao nhiêu thì bệnh nhân cần phải kiểm tra bằng các xét nghiệm máu. Do đó, các bác sĩ thường dựa vào các kết quả xét nghiệm để thấy được trường hợp nào cần thiết rồi mới chỉ định.
Ngoài ra, khi truyền dịch người bệnh phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Trong đó, nguy hiểm nhất là sốc phản vệ. Bởi cơ thể con người khi đưa bất kỳ một chất lạ vào đều có phản ứng, nhưng nặng nhất là sốc. Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc trong/ngay sau khi truyền. Biểu hiện là bệnh nhân bắt đầu thấy rét run đột ngột, sốt, nhiệt độ cơ thể có thể lên 39 – 40 độ C hoặc cao hơn, mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, nhịp thở nhanh và nông, bệnh nhân lo lắng bồn chồn, vật vã... Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Ngoài ra, khi truyền dịch, bệnh nhân cũng có thể bị nhiễm trùng máu, phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim. Nếu truyền dịch kéo dài dẫn đến dung mao của ruột thoái hóa, khiến thức ăn hấp thu kém, gây thiếu hụt các yếu tố vi lượng. Nhẹ nhất thì bệnh nhân cũng có thể bị đau sưng chỗ mũi tiêm, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực. Nếu việc truyền dịch bừa bãi, không đúng thì bệnh nhân có thể bị lây truyền các bệnh như viêm gan siêu vi B, C…
Theo TS Bắc, việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ. Bởi khi bác sĩ đã chỉ định cho dùng dịch truyền là đã có sự cân nhắc rất kỹ, thấy đó là việc rất cần thiết. Khi truyền dịch, thầy thuốc phải theo dõi chặt chẽ để có tai biến xảy ra sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.