pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vụ nữ sinh tự tử ở An Giang: Kỷ luật học sinh cần đảm bảo tính giáo dục, phù hợp tâm lý lứa tuổi
Nữ sinh N.T.N.Y được điều trị tại bệnh viện (ảnh nhỏ) và bức tâm thư được cho là của Y. giải thích về việc mình tìm đến cái chết
Ngày 3/12, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang nhận được văn bản số 74/BC-THPTVX ngày 1/12 của trường THPT Vĩnh Xương, báo cáo sự cố bất thường xảy ra tại trường THPT Vĩnh Xương. Theo đó, "sáng ngày 30/11/2020, cô Huỳnh Thị Thu Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 báo tin học sinh N.T.N.Y., học sinh của lớp không có mặt ở lớp và đã gọi điện báo cho gia đình. Cô Huệ đã đi tìm và phát hiện em Y. bị ngất trong nhà vệ sinh". Ngay lập tức, nhân viên y tế đã tiến hành sơ cứu, gọi điện báo cho gia đình và gọi xe cấp cứu để đưa em Y. đi bệnh viện nhưng gia đình không chịu đi xe cấp cứu mà gọi xe taxi đưa em đến Bệnh viện Nhật Tân (TP Châu Đốc).
Nhà trường đã cử cô Huệ, đại diện trường đến bệnh viện thăm hỏi thì mẹ em Y. báo là em đã khỏe và cảm ơn cô chủ nhiệm vì đã phát hiện và đưa em đi cấp cứu kịp thời. Đến buổi chiều, gia đình em Y., gồm anh, chị đến trường báo là do nhà trường bắt em Y. làm kiểm điểm dưới cờ nên Y. tự tử.
Ngày 4/12/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn công tác đến trường THPT Vĩnh Xương để tìm hiểu sự việc. Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang nhận thấy, trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý của nhà trường còn một số sai sót. Trong đó có việc nhà trường có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành. Lãnh đạo trường đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc. Biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh...
Cần quan tâm đến tâm lý học sinh
Trao đổi với PNVN, chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Cường cho rằng, học sinh đang trong lứa tuổi 16, tuổi dậy thì với nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Nhà trường nóng vội đưa ra thông báo dưới cờ về hành vi vi phạm của học sinh khiến em Y. không thể chịu nổi cú sốc. Nhà trường có thể chưa tìm hiểu sâu sắc vấn đề của sự việc nên dễ làm cho học sinh bị tổn thương về tinh thần dẫn đến hành động dại dột. Đây là bài học cần rút kinh nghiệm trong công tác điều hành của nhà trường.
Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Cường, sự việc của nữ sinh Y. tại trường THPT Vĩnh Xương chưa đến mức phải bị thông báo trước toàn trường. Một học sinh bị nêu tên trước hàng ngàn học sinh khác sẽ dễ cảm thấy bị xấu hổ trước các bạn. Mặt khác, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, học sinh bị nêu tên dễ bị phát tán thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Khi đó, hậu quả đối với người trong cuộc có thể còn lớn hơn.
Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cần nắm bắt, thấu hiểu tâm lý của học sinh đang bước vào tuổi dậy thì để có hướng giáo dục phù hợp. Hình thức nêu tên xử lý kỷ luật học sinh dưới cờ là chuyện "chẳng đặng đừng".
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Cường cho rằng, sự việc nêu trên sẽ là bài học kinh nghiệm cho các trường khác để có hướng giáo dục học sinh tốt hơn. Về phía phụ huynh cũng cần cảm thông với nhà trường trong việc xử lý những hành vi vi phạm quy định của học sinh. Sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh là cần thiết để giáo dục các em trở thành công dân có ích cho xã hội.
Tăng cường giáo dục pháp luật trong môi trường học đường
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn Luật sư TPHCM) cũng cho rằng, cần có sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh để kịp thời giáo dục con em về tư tưởng, đạo đức và lối sống. Từ vụ việc nữ sinh được cho là tự tử tại trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) cho thấy, vấn đề giáo dục tâm lý và giới tính cho học sinh rất cần thiết. Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo phân tích, trẻ em có đầy đủ các quyền cơ bản của con người. Các em cần được giáo dục để hiểu rõ về quyền trẻ em và không lệch lạc trong nhận thức về quyền cơ bản của mình.
Nhà trường, phụ huynh và học sinh cần nắm rõ "quyền trẻ em là gì" và phạm vi của quyền trẻ em đến đâu để cùng giáo dục, định hướng cho các em. Bên cạnh đó, việc giáo dục về quyền cần đi cùng với giáo dục về trách nhiệm của học sinh là tuân thủ nội quy của nhà trường. Nhà trường, giáo viên nghiêm khắc nhắc nhở là đúng nhưng quy trình, quy định về việc xử phạt học sinh cần xem xét lại. Nội quy này của nhà trường có đúng không bởi việc nêu tên học sinh trước trường là vi phạm quy định "... không được phê bình học sinh trước trường, trước lớp" theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2020).
Theo Thông tư 32/TT/2020/BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.