Vụ UBND xã ở Hải Dương bán đất công: Quyền lợi người dân có được đảm bảo?

Linh Trần
08/11/2021 - 16:19
Vụ UBND xã ở Hải Dương bán đất công: Quyền lợi người dân có được đảm bảo?

Trụ sở UBND thị trấn Kẻ Sặt

Thường vụ huyện ủy Bình Giang (Hải Dương) đã quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra để làm rõ vấn đề mua bán đất tại UBND thị trấn Kẻ Sặt. Bên cạnh vấn đề xử lý vi phạm thì quyền lợi của người dân trong vụ việc này sẽ được đảm bảo thế nào?

Thường vụ Huyện ủy cấp tốc thành lập Đoàn kiểm tra

Liên quan đến vụ việc hàng chục hộ dân ở Hải Dương mua đất của UBND xã Tráng Liệt (nay là thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, Hải Dương) nhưng khi bị thanh tra, UBND xã lại báo cáo là dân tự ý lấn chiếm, xây nhà  dù họ đã được cấp phiếu thu tự in, lãnh đạo UBND huyện đã có thông tin ban đầu.

Trao đổi với PNVN, bà Vũ Thị Hay, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Bình Giang, cho biết, sau khi nhận được thông tin vụ việc trên, ngày 15/10 UBND huyện đã có văn bản gửi UBND thị trấn Kẻ Sặt xác minh và báo cáo trước ngày 31/10. Các nội dung yêu cầu báo cáo gồm các loại đất trên địa bàn; diện tích đất sử dụng đúng mục đích, đất sử dụng sai mục đích; số tiền mà UBND xã thu được sử dụng, quản lý như thế nào,… Tuy nhiên, sau đó UBND thị trấn có văn bản xin gia hạn thời gian và chúng tôi thống nhất là ngày 10/11 phải có báo cáo vụ việc cụ thể. 

Vụ UBND xã ở Hải Dương bán đất công: Đủ cơ sở xử lý hình sự - Ảnh 1.

Người dân bức xúc vì đất mua của UBND xã Tráng Liệt, nhưng cũng chính xã này đã báo cáo đất đó là người dân tự lấn chiếm

Đặc biệt, cuối tháng 10/2021, Thường vụ huyện ủy Bình Giang cũng đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ để xác minh vụ việc như công dân và dư luận phản ánh. Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ làm rõ các nội dung như mua bán đất công như thế nào, ở đâu, ai bán,… trường hợp phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định, bà Hay thông tin.

Ngoài nội dung bán đất trái phép, người dân địa phương còn phản ánh tình trạng bị ép bán đất nông nghiệp tại xã Tráng Liệt, nay là thị trấn Kẻ Sặt. Theo phản ánh, nhiều gia đình có đất nông nghiệp ở mặt đường hoặc vị trí giao thông thuận tiện đang canh tác thì bỗng dưng bị một nhóm người đổ đất đá san lấp mặt bằng lên diện tích đó. Sau đó, có người đến hỏi mua với giá từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/sào. Lúc này, đất nông nghiệp của người dân đã không thể sản xuất được nữa nên cực chẳng đã, có hộ phải bán diện tích đất đó. Hộ không bán thì cũng không thể sản xuất nông nghiệp được. Hiện tại, nhiều khu vực bị san lấp đã mọc lên các nhà xưởng, thậm chí nhà cửa kiên cố.

PNVN đang tiến hành xác minh thông tin trên từ phía người dân cung cấp./.

Về phương án xử lý đối với người dân, bà Hay cho biết, không riêng gì ở địa phương, ở nhiều nơi khác vấn đề đất đai cũng đưa chính quyền vào thế đã rồi. Trong vụ việc ở Kẻ Sặt, nguyên tắc là nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của người dân. Bởi lẽ, có thể người dân biết hoặc không biết quan hệ trong vụ việc trên là trái pháp luật, nếu ra cơ quan nhà nước thì các giao dịch đó sẽ bị hủy hết. Tuy nhiên, trong vụ việc ở Kẻ Sặt, chính quyền phải có trách nhiệm với người dân. Bởi do chính quyền địa phương làm sai, dẫn đến cái sai của người dân. "Nếu như, giao dịch đó là giữa hai người dân thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình vì tham gia quan hệ trái pháp luật. Tuy nhiên, đây là quan hệ giữa nhà nước với người dân", bà Hay chia sẻ.

Bà Hay cũng cho biết: Việc xử lý vấn đề này phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Do đó, cơ quan chức năng phải làm từng bước một chứ không thể ngày một ngày hai là xong được. Tuy nhiên quan điểm của chúng tôi là bảo vệ quyền lợi người dân.

Vụ UBND xã ở Hải Dương bán đất công: Đủ cơ sở xử lý hình sự - Ảnh 3.

Một phiếu thu tiền mua đất của người dân

Xử lý thế nào?

Trao đổi với PNVN về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Trưởng văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cho biết theo quy định tại khoản 3, Điều 59, Luật Đất đai 2013 thì UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn. Theo Luật đất đai 2013, UBND huyện mới có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Còn UBND cấp xã hoàn toàn không có quyền bán công, đất nông nghiệp. 

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy cho rằng, trong vụ việc trên, người dân có thể viết đơn khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. Trong trường hợp đất người dân mua đủ điều kiện thì chính quyền địa phương phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho họ. Nếu đất không đủ điều kiện cấp sổ đỏ thì địa phương phải có cơ chế bồi thường thỏa đáng hoặc cơ chế đặc biệt để hỗ trợ người dân. Đối với những cán bộ làm sai qui định thì phải xử lý, kỷ luật tùy mức độ. 

Vụ UBND xã ở Hải Dương bán đất công: Đủ cơ sở xử lý hình sự - Ảnh 4.

Một hộ dân đứng trên mảnh đất nông nghiệp của mình có diện tích 216m2 (đã có sổ đỏ) nhưng chỉ sau một đêm đã bị san lấp (cuối năm 2017). Sau đó, đã có người đến thỏa thuận mua lại, nhưng gia đình không đồng ý. Hiện thửa đất này không thể sản xuất được nữa.

Trước đó, PNVN đã thông tin: Từ năm 2012 đến năm 2017, UBND xã Tráng Liệt đã phân lô, bán đất trái phép cho người dân địa phương. Nguồn gốc đất UBND xã Tráng Liệt bán cho người dân bao gồm đất trường học, đất nông nghiệp, đất cạnh đường giao thông, đất ao san lấp…

Việc mua bán đất không được UBND xã thông báo, đấu giá mà được "rỉ tai" nhau. Nếu ai có nhu cầu thì đến UBND xã để đăng ký mua. Giá bán từ vài trăm triệu đồng/lô đến vài tỷ đồng/lô tùy theo diện tích và vị trí đất. Pháp lý cho các lô đất được UBND xã Tráng Liệt bán là các phiếu thu do xã tự in. Ngoài ra, hộ nào có nhu cầu, UBND xã cũng cấp luôn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Chủ tịch UBND xã ký.

Vụ UBND xã ở Hải Dương bán đất công: Đủ cơ sở xử lý hình sự - Ảnh 5.

Một thửa ruộng ven đường lớn đã bị kẻ xấu đổ đất cát san lấp rồi xin mua lại.

Sau khi mua đất, người dân đã xây dựng nhà kiên cố để sinh sống, buôn bán. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, hàng chục hộ dân hốt hoảng khi phát hiện ra các văn bản của cơ quan quản lý xác định đất họ mua thực chất là đất lấn chiếm. Các công trình xây dựng trên đất đó là công trình vi phạm.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương, có đến 54 hộ vi phạm về đất đai. Các hành vi vi phạm là người dân lấn chiếm, làm nhà kiên cố, nhà xưởng trên diện tích đất nông nghiệp, đất công,…

Tuy nhiên, người dân cho rằng mình mua đất hợp pháp từ chính quyền địa phương. Do đó, việc chính quyền địa phương báo cáo như vậy là "lừa dối" người mua đất. Bức xúc vì bị lừa, người dân đã làm đơn đến cơ quan chức năng đề nghị giải quyết.

PNVN sẽ tiếp tục thông tin.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm